Vì nền Đông y Việt Nam

03/07/2013 - 08:12

Từ năm 2008 đến nay, Hội Đông y huyện Giồng Trôm, Bình Đại thực hiện tốt Chỉ thị 24 của Trung ương Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.

Hội Đông y Giồng Trôm với Nhiều mô hình hiệu quả

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, bên cạnh hoạt động chuyên môn, từ năm 2008 đến nay, Hội Đông y huyện luôn góp phần phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam. Qua triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, Hội Đông y huyện đã xây dựng, củng cố lại các chi hội Đông y cơ sở. Hiện nay, 22/22 xã, thị trấn đã thành lập Chi hội Đông y hoạt động ổn định, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh trong nhân dân. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Giồng Trôm, Khoa Đông y luôn góp phần quan trọng vào việc củng cố hệ thống y học cổ truyền (YHCT). Hiện nay, Khoa Đông y hoạt động độc lập như những khoa khác trong bệnh viện. Năm 2011, Ban Giám đốc bệnh viện thống nhất đầu tư: máy trung tần, máy laser, máy châm cứu bằng điện, đèn tia cực tím, đèn hồng ngoại, hệ thống sắc thuốc… để phục vụ bệnh nhân. Khoa được phân bổ các loại thuốc thang, thuốc đông y thành phẩm đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Khoa hiện có vườn thuốc Nam (150m2). Từ vườn thuốc này, Khoa Đông y đã nhân rộng nhiều cây thuốc quý làm vườn mẫu cho ngành. Cùng với quá trình củng cố vườn thuốc Nam mẫu, Khoa còn cử cán bộ xuống cơ sở thực hiện công tác theo Đề án 1816 của Bộ Y tế cùng với trạm y tế các xã, phòng khám khu vực ở địa phương xây dựng và phát triển mô hình điều trị Đông - Tây y phối hợp mang lại hiệu quả cao, được Bộ Y tế khen ngợi.

Hội Đông y huyện luôn thực hiện tốt công tác phát triển hội viên và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Toàn huyện có 164 hội viên, sinh hoạt ở 24 chi hội. Chất lượng khám và điều trị bệnh bằng phương pháp YHCT tại các cơ sở ngày càng nâng cao. Từ năm 2008 đến nay, đã khám, điều trị trên 1.702.455 lượt bệnh nhân. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên thực hiện công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chăm lo đời sống cho hội viên. Hội đã khuyến khích, tạo điều kiện cho 3 hội viên học liên thông lên bác sĩ, 19 hội viên học lớp chuẩn hóa Đông y, 19 hội viên tham dự lớp Lương y chuyên sâu; kết hợp với Hội Đông y tỉnh, Trường Trung cấp Y tế tỉnh mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, hội viên lương y, lương dược trong huyện. Ngoài ra, Hội còn kết hợp Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở bốn lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, hội viên. Hàng tháng, Hội tổ chức họp lệ kỳ Ban chấp hành, lồng ghép các buổi sinh hoạt Nghiệp đoàn để trao đổi chuyên môn về các bài thuốc hay, bài thuốc tâm đắc. Toàn huyện có 22 vườn thuốc mẫu, mỗi vườn có 40-60 loại cây thuốc theo quy định. Từ đó, nhân rộng vườn thuốc Nam trong nhân dân, góp phần phát triển nền Đông y Việt Nam. Đến nay, huyện có nhiều cơ sở Đông y khám, điều trị, phòng chẩn trị lồng ghép trong trạm y tế xã. Mô hình lồng ghép này rất thành công, đang được Hội nhân rộng.

Song song với công tác chuyên môn nghiệp vụ, Hội thường xuyên làm công tác từ thiện. Hội đã khám, điều trị miễn phí cho hơn 2 triệu lượt bệnh nhân, tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng.

“Từ nay đến năm 2015, Hội Đông y huyện tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam trong tình hình mới; mỗi chi hội cơ sở cần phát triển từ 1-2 hội viên, đúng tiêu chuẩn, chất lượng, đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tiếp tục củng cố, duy trì, phát triển Khoa Đông y của bệnh viện huyện và tổ YHCT ở các trạm y tế xã, thị trấn hoạt động có hiệu quả” - ông Thọ nhấn mạnh.

Hội đông y bình đại tập trung Phát triển mạng lưới Đông y

Hiện tại, Bình Đại có 2 cơ sở điều trị bằng Đông y chính tại khoa Đông y Bệnh viện Đa Khoa huyện và Hội Đông y huyện. Ngoài ra, mạng lưới Đông y cơ sở được phát triển đều khắp các xã, thị trấn với hơn 40 chi, tổ hội. Trang thiết bị, dụng cụ về khám chữa bệnh YHCT được đầu tư, trình độ của đội ngũ y sĩ cổ truyền, lương y, hội viên ngày càng được nâng cao. Các phương pháp chữa bệnh bằng đông dược, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… ngày càng được người dân ưa chuộng và lựa chọn điều trị.

Ngoài ra, công tác phát triển nguồn dược liệu, sản xuất Nam dược được chú trọng. Hiện tại, vườn dược liệu của Hội Đông y, Khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa huyện có trên 60 loại cây thuốc, với tổng diện tích 300m2. 100% hội viên hành nghề đều có trồng ít nhất 10 loại cây thuốc. Các trạm y tế xã, thị trấn đều có vườn thuốc Nam, 80% hộ gia đình trồng từ 3 đến 5 loại dược thảo thông dụng làm thuốc, thực hiện phương châm “Thầy thuốc tại nhà, thuốc tại vườn”.

Trong 5 năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và điều trị bằng phương pháp YHCT được thực hiện khá tốt trên địa bàn huyện. Cụ thể: có trên 1.228.000 lượt người dân đến khám và chữa bệnh với các phương pháp như: sử dụng thảo dược, châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại, day ấn huyệt… với tổng giá trị trên 14,489 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện khám chữa bệnh miễn phí cho trên 1 triệu lượt người, với tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng; vận động mạnh thường quân, hội viên các xã, thị trấn tổ chức về nguồn khám, tặng quà cho bà con nghèo với số tiền 700 triệu đồng.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện Chỉ thị 24, củng cố và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh bằng Đông y ở tuyến y tế cơ sở; đẩy mạnh việc kết hợp khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT với y học hiện đại; tích cực vận động xã hội hóa y dược cổ truyền nhằm giúp đỡ người bệnh nghèo.

Hoàng Vũ - Tuyết Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN