 |
Thế hệ học sinh hôm nay viết tiếp lịch sử truyền thống anh Trần Văn Ơn. Ảnh: A. Nguyệt |
65 năm trôi qua kể từ ngày 9-1-1950, sự ra đi mãi mãi của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn, người con ưu tú của quê hương Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tuổi trẻ Bến Tre đã viết tiếp trang sử hào hùng ấy bằng những phong trào mới, những cống hiến thiết thực cho công cuộc xây dựng quê hương đất nước.
Người thanh niên kiên cường, bất khuất
Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, có lẽ không có thời kỳ nào mà phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên (HSSV) lại diễn ra mạnh mẽ như những năm 1949-1950. Giai đoạn này, phong trào đấu tranh của thanh niên, HSSV ở các đô thị diễn ra rầm rộ, rộng khắp, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định. Ngày 9-1-1950, Đoàn thanh niên cứu quốc và HSSV Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đã tổ chức vận động trên 10 ngàn người dân xuống đường biểu tình, lực lượng đông nhất là HSSV để đòi bảo đảm an ninh cho HSSV học tập và trả tự do cho những HSSV đã bị bọn cầm quyền Dinh Thủ hiến Trần Văn Hữu bắt và đàn áp dã man. Trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng đó, Trần Văn Ơn - người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của HSSV - đã anh dũng hy sinh. Liệt sĩ - anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Ơn, người con ưu tú của quê hương Bến Tre đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam, trong đó có thanh niên Bến Tre.
Đến tháng 2-1950, Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã quyết định lấy ngày 9-1 hàng năm làm ngày truyền thống của HSSV Việt Nam. Để tưởng nhớ đến người anh hùng trẻ tuổi Trần Văn Ơn, mỗi năm cứ đến dịp này, HSSV các trường trên địa bàn tỉnh lại hào hứng tổ chức nhiều hoạt động lập thành tích chào mừng.
Viết tiếp truyền thống lịch sử
Mặc dù ra đi ở tuổi đời còn rất trẻ nhưng tấm gương về sự kiên cường của anh - liệt sĩ Trần Văn Ơn đã chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ HSSV nối bước. Ở nơi anh, học sinh có thể học về cách làm người, về những đức tính cao đẹp. Điều đó đã tạo nên động lực mạnh mẽ để các em tự tin hơn trong cuộc sống.
Bày tỏ suy nghĩ về ngày truyền thống HSSV, em Huỳnh Nguyễn Thị Khánh Trâm, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Trần Văn Ơn chia sẻ: “Em được may mắn sinh ra trên quê hương Châu Thành, học sinh của ngôi trường mang tên Trần Văn Ơn. Giữa những tháng năm đen tối của đất nước, sự hy sinh của anh là động lực đã thúc giục bao thế hệ trẻ quên mình xông lên phía trước, hàng ngàn HSSV “xếp bút nghiên” ra trận. Hôm nay, chúng em được học dưới mái trường mang tên anh, mở ra những trang sử ấy, viết tiếp những điều các anh còn dang dở. Để làm được điều này, chúng em luôn phấn đấu để trở thành những chiến sĩ xung kích trên mặt trận xây dựng và phát triển đất nước. Chúng em tâm huyết sẽ học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích”. Thanh niên hôm nay phải soi rọi lại mình, thấy rằng phải sống có lý tưởng, biết sống vì mọi người, tham gia tốt các hoạt động, phong trào của lớp, của trường để hình thành kỹ năng sống. Niềm tự hào về truyền thống HSSV là nguồn động lực để mỗi học sinh nỗ lực học tập, rèn luyện, góp phần làm vẻ vang thêm lịch sử của ngôi trường mang tên anh - Trần Văn Ơn.
Bạn Đặng Đức Trí, sinh viên năm 3, Khoa Hướng dẫn viên du lịch, Trường Cao đẳng Nghề Đồng Khởi tâm đắc: “Từ nhỏ, em đã được người thân trong gia đình kể về lịch sử của liệt sĩ Trần Văn Ơn. Năm học đầu tiên ở Trường Cao đẳng Nghề Đồng khởi, em được tham gia chuyến về nguồn, cùng các bạn sinh viên thắp nhang tri ân. Khoảnh khắc ấy, em cảm thấy tự hào, vinh dự về anh Trần Văn Ơn. Em luôn nhắc nhở bản thân, ngoài học tốt chuyên môn, phải học đức tính kiên cường của anh để sau này vững bước vào con đường tương lai. Trước mắt, em sẽ học thêm ngoại ngữ, khi có dịp sẽ giới thiệu về quê hương Đồng Khởi của mình với du khách quốc tế. Em cảm thấy tự hào mình là người con quê hương giàu truyền thống cách mạng, liệt sĩ Trần Văn Ơn là tấm gương sáng chói để HSSV chúng em noi theo”.
Thầy Nguyễn Đức Hòa - Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Đồng Khởi cho rằng, ngày truyền thống HSSV là dịp để thế hệ trẻ hôm nay nhìn lại quá trình đấu tranh hào hùng của cha anh, những người đã hy sinh xương máu để mang lại cuộc sống yên bình. Qua đó, các em soi rọi lại bản thân, xây dựng lý tưởng sống, ra sức phấn đấu rèn đức, luyện tài để xứng đáng là thế hệ sau “vừa hồng vừa chuyên”.
Anh Hà Quốc Cường - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Phát huy tinh thần và sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Ơn, người con của xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, những năm qua, HSSV Bến Tre luôn cần cù, chăm chỉ, vượt khó học giỏi và trở thành những người thành đạt trên các lĩnh vực. Dù học tại các trường trong hay ngoài tỉnh, HSSV Bến Tre luôn xứng đáng là những người con của quê hương Đồng khởi anh hùng, là những cán bộ Đoàn, Hội xuất sắc, những “Sao tháng Giêng”, “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện” xuất sắc của cả nước.
Liệt sĩ Trần Văn Ơn (1931-1950) quê ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành. Thuở nhỏ, anh học tiểu học tại Trường Tiểu học Phước Thạnh, xã Phước Thạnh. Năm 1947, anh chuyển lên Sài Gòn theo học Trường Petrus Ký. Thời gian này, anh bắt đầu tham gia phong trào học sinh yêu nước của trường, tham gia Hội HSSV Việt Nam - Nam Bộ. Anh là hội viên mật của Đoàn học sinh kháng chiến nội thành, đồng thời nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động học sinh trong trường tham gia vào các hoạt động chống thực dân Pháp và chính quyền thân Pháp. Năm 2000, anh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |