Vinh danh làng nghề chỉ xơ dừa Khánh Thạnh Tân

20/11/2009 - 09:37
Người lao động mua chỉ rối còn ướt tại cơ sở sản xuất đem về xe tại nhà. Ảnh: C.T

Năm 2008, Ban Chấp hành Hiệp Hội làng nghề Việt Nam đã phong tặng danh hiệu “Làng nghề tiêu biểu” cho làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa Khánh Thạnh Tân. Đây là một cố gắng lớn của chính quyền địa phương, các cơ sở tham gia sản xuất chỉ xơ dừa, nhất là trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Làng nghề chỉ xơ dừa Khánh Thạnh Tân có 45 cơ sở nằm rải rác trên 4 ấp: Vĩnh Trị, Tân Hội, Tân Lợi, Tân Hưng, giảm 27 cơ sở so với năm 2007, nguyên nhân do nhiều cơ sở yếu vốn, không cạnh tranh nổi, phải chuyển sang làm nghề khác. Tuy số cơ sở giảm nhưng sản lượng của làng nghề không giảm. Một cơ sở bình quân mỗi ngày cho ra 4 tấn chỉ rối. Đặc biệt, những cơ sở lớn như của anh Huỳnh Văn Trúc, có 30 nhân công, sản xuất từ 15 đến 20 tấn chỉ/ngày. Hiện làng nghề đã có 2 cơ sở chuyên ép kiện chỉ rối, nên không phải vận chuyển cồng kềnh qua thành phố Bến Tre như trước đây, làm tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Hai cơ sở chuyên ép mụn: Công ty Dừa Xanh và DNTN Hưng Phước đã “biến” được 40% mụn dừa thành hàng xuất khẩu. Cái thay đổi lớn nhất là cả làng nghề không còn nghe tiếng máy dầu nổ điếc cả tai và những cụm khói làm đen bầu trời. Toàn làng nghề đã được điện khí hóa, thay cho những chiếc máy nổ là những cái mô-tưa, khi vận hành chỉ phát ra những tiếng rè rè.

Hỏi về việc giải quyết việc làm cho người trong xã và thu nhập của công nhân, chúng tôi được Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Đạt cho biết: Nhờ có làng nghề, tỷ lệ thất nghiệp trong xã còn rất thấp (khoảng 4%). Nếu tính nhân công trực tiếp làm ra chỉ, người nhận chỉ về xe và một số lao động khác của làng nghề thì đã giải quyết việc làm cho 2.500 người. Bình quân một tổ đập và tước chỉ có 3 người, mỗi ngày sản xuất 2 tấn thì được trả 300.000 đồng. Một tổ phơi 3 người nếu một ngày phơi xong 2 tấn chỉ khô thì được trả 400.000 đồng. Một người lột dừa giỏi, mỗi ngày lột xong 6 cò (mỗi cò 200 trái, giá mỗi cò là 18.000 đồng). Bình quân thu nhập của công nhân từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng. Nếu tính giá hiện nay, một tấn chỉ chủ cơ sở còn lời từ 200.000 đến 300.000 đồng.

Kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư, xã đã bê-tông hóa 30 km đường liên ấp, xóm. Đường huyện lộ 20, đoạn cầu Thom đến xã Nhuận Phú Tân, dài 6.200m; việc nhựa hóa mặt đường 3,5m đã được khởi công từ tháng 7-2009, dự kiến hoàn thành trong 365 ngày. Vấn đề mà xã đang thực hiện là tiếp tục khắc phục việc ô nhiễm môi trường.

Qua một vòng, chúng tôi thấy làng nghề cần được mở rộng để phát triển, bên cạnh cần có chính sách khuyến công tốt để duy trì sản xuất; cần kêu gọi đầu tư (ép kiện mụn dừa) để khắc phục ô nhiễm môi trường. Nước trên dòng sông Thom đã đổi màu, không còn đen như trước, nhưng vẫn chưa sử dụng được. Việc có nhà máy nước để phục vụ cho làng nghề là yêu cầu hết sức bức thiết, xã đã dành mặt bằng thuận lợi để đón nhận các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.                                                                                      

Công Tạo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN