Vụ tàu chở dầu Iran được thả - Chiến thắng lớn của Ngoại giao Iran?

19/08/2019 - 21:09

Đêm 18-8-2019 (giờ địa phương), siêu tàu chở dầu của Iran Grace 1 rời Gibraltar để đến 1 đích “chưa rõ ràng” ở Địa Trung Hải, sau 45 ngày bị Anh bắt giữ.

Bất chấp các nỗ lực bắt giữ lại trước đó, chính quyền Mỹ hôm 18-8 bất ngờ phát đi thông điệp “đàm phán” với Iran để giải quyết bất đồng. Điều này được xem là 1 chiến thắng lớn cho ngành ngoại giao Iran.

Tàu chở dầu Grace 1. Ảnh: Al Jazeera.

Tàu chở dầu Grace 1. Ảnh: Al Jazeera.

Hôm 18-8, tàu Grace 1 đã được giới chức Iran đổi tên thành Adrian Darya 1 và thay cờ Panama bằng cờ chính thức của Iran. Ngoài ra, 2 đội kỹ thuật của Iran cũng đã tới Gibraltar, để đưa chiếc tàu ra khỏi Gibraltar ngay trong đêm qua. Đại diện công ty chủ quản của chiếc tàu xác nhận, nhóm thủy thủ đoàn mới đến tiếp quản con tàu, gồm những người mang quốc tịch Ấn Độ và Ukraine.
 

Các động thái mới của Iran ngay lập tức bị cáo buộc nhằm mục đích giúp con tàu “né tránh” lệnh trừng phạt và bắt giữ lại của phía Mỹ. Tuy nhiên, Đại sứ Iran Hamid Baeidinejad khẳng định, chiếc tàu từ trước đến nay không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt và việc đổi tên tàu là quyền của mỗi quốc gia sở hữu - Điều này phù hợp với mọi quy định hàng hải và luật pháp quốc tế.

Theo một trang web, chuyên giám sát giao thông hàng hải, siêu tàu chở dầu của Iran đã  bắt đầu di chuyển khỏi vùng lãnh hải Gibraltar vào lúc 23h đêm 18-8 (theo giờ địa phương), tức 4h sáng 19-8 (theo giờ Việt Nam). Giới chức Iran khẳng định, chiếc tàu đã ở hải phận quốc tế và đang hướng đến 1 địa điểm tại Địa Trung Hải.

Việc tàu chở dầu Iran di chuyển rời khỏi Gibraltar diễn ra sau vài giờ khi chính quyền tại đây đã thẳng thừng từ chối đề nghị của Mỹ bắt giữ lại chiếc tàu, cũng như thực hiện lệnh bắt giữ chiếc tàu của Bộ Tư Pháp Mỹ đưa ra ngày 16/8 vừa qua. Vùng lãnh thổ thuộc Anh khẳng định, họ không thể thực hiện đề nghị của Mỹ xét theo luật pháp của Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể hơn là do cơ chế trừng phạt của EU nhằm vào Iran, vốn cũng áp dụng ở Gibraltar, có phạm vi hẹp hơn rất nhiều khi được áp dụng tại Mỹ.

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại chiếc tàu sẽ bị bắt giữ lại sau khi rời Gibraltar theo lệnh bắt giữ của Bộ Tư pháp Mỹ, Hải quân Iran vừa tuyên bố sẵn sàng triển khai chiến hạm để hộ tống siêu tàu chở dầu này, ngay khi nhận được lệnh từ Chính phủ.

Tuy nhiên, vào thời điểm tàu Iran rời Gibraltar, căng thẳng dường như cũng được “hạ nhiệt” khi Tổng thống Mỹ Donald Trum,p mới bất ngờ nhắc lại khả năng đàm phán giữa 2 bên để giải quyết bất đồng:  “Nếu bạn để ý, những chiếc tàu Iran bắt giữ không có bất kỳ chiếc nào thuộc sở hữu của chúng tôi. Tôi thực sự nghĩ rằng, Iran đang muốn đàm phán.  Iran đang có tiềm năng lớn. Tôi cũng đã nói điều này về Triều Tiên. Chúng tôi có thể làm gì đó rất nhanh nhưng Iran không biết bắt đầu từ đâu. Người Iran rất đáng tự hào, nhưng kinh tế của họ đang là 1 thảm họa. Họ phải làm điều gì đó”.

Thực tế, cả Mỹ và Iran trước đây đều nhiều lần để ngỏ khả năng đàm phán giữa 2 bên, để giải quyết mọi bất đồng, đặc biệt liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ, vấn đề hạt nhân, tên lửa của Iran hay sức ảnh hưởng của quốc gia vùng Vịnh này trong khu vực. Tuy nhiên, khi mà mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, với các vụ bắt tàu của nhau, 1 lời nhắc lại đối thoại từ Mỹ cộng thêm việc thả tàu từ Anh, rõ ràng Iran đã có 1 chiến thắng ngoại giao lớn.

Tạp chí Washington Examiner dẫn chuyên gia Behnam ben Taleblu nhận định, chính sách gây sức ép của Mỹ với Iran vẫn cần một giải pháp ngoại giao đi kèm, mới có thể đạt được mục tiêu trong vấn đề Iran và giảm bất ổn leo thang tại vùng Vịnh.

Nguồn: vov.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN