BDK.VN - Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa khô năm 2024 - 2025, mặn có khả năng xâm nhập và đạt mức cao nhất trong khoảng tháng 2 và 3-2025. Ranh mặn sâu nhất mùa khô năm 2024 - 2025 có khả năng ở mức thấp và ít sâu hơn mùa khô năm 2023 - 2024 và ở mức tương đương mùa khô năm 2022 - 2023. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn trong thời gian tới còn phụ thuộc vào biến động nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông, nhu cầu sử dụng nước, hoạt động của gió mùa Đông Bắc. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai như: Triều cường, sạt lở, sóng to, gió mạnh trên biển, mưa trái mùa diễn biến phức tạp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh khảo sát phòng, chống hạn mặn tại huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Trần Quốc
Các ngành hữu quan đồng loạt vào cuộc
Nhằm chủ động phòng chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, xâm nhập mặn gây ra trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh - Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 8317/UBND-KT ngày 6-12-2024 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số23-CT/TU ngày 8-11-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công văn số 89/UBND-KT ngày 6-1-2025 về việc chủ động đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực phụ trách và phạm vi quản lý.
Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình thiên tai, xâm nhập mặn trong thời gian tới để có phương án ứng phó phù hợp, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn; tăng cường quan trắc độ mặn và kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng, địa phương; khẩn trương sửa chữa, nâng cấp công trình bờ bao, cống ngăn mặn, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh rạch nội đồng, đảm bảo điều kiện tốt nhất để phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt. Chủ động ứng phó xâm nhập mặn. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc vận hành các công trình thủy lợi, có phương án vận hành linh hoạt các công trình, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo tiêu thoát nước phù hợp cho từng khu vực. Đánh giá hiện trạng hồ chứa, nhu cầu sử dụng nước của khu vực. Đồng thời, rà soát, cập nhật quy trình vận hành, phương án bảo vệ hồ chứa để vận hành phù hợp đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả công trình.
Các đơn vị cấp nước tăng cường quan trắc độ mặn, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi kiểm tra, đánh giá nhu cầu sử dụng nước trong công trình thuỷ lợi để có phương án vận hành, cấp nước phù hợp, đảm bảo cấp đủ số lượng, chất lượng, áp lực, sẵn sàng phương án chia sẻ, đấu nối nguồn nước với các nhà máy nước có độ mặn thấp. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi có nguồn nước khai thác để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi có khả năng gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước khai thác. Rà soát các khu vực có nguy cơ thiếu nước để chủ động thực hiện các giải pháp cấp nước, nhằm đảm bảo cấp nước kịp thời đến người dân, không tăng giá nước. Đẩy nhanh tiến độ các công trình nâng cấp, mở rộng nhà máy nước, mạng lưới cấp nước. Kiểm tra, bảo dưỡng các điểm cấp nước tập trung, hỗ trợ các địa phương bảo dưỡng các hệ thống lọc mặn đã được trang bị trong các năm qua sẵn sàng đưa vào vận hành cấp nước trong trường hợp mặn diễn biến gay gắt.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng đối với các dự án, công trình thủy lợi, cấp nước được giao làm chủ đầu tư theo đúng kế hoạch để sớm triển khai thi công hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ ngăn mặn. Chủ động phương án ngăn mặn tại các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các công trình đầu mối, công trình trữ ngọt. Phối hợp với các địa phương xây dựng phương án ngăn mặn tạm thời, đúng thời điểm đối với các khu vực chưa có công trình bảo vệ.
Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn, kịp thời tham mưu các biện pháp ứng phó; duy trì công tác trực ban; thông tin về diễn biến tình hình xâm nhập mặn, các thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh đến lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã để lãnh đạo các cấp và người dân dễ dàng tiếp nhận và chia sẻ thông tin rộng rãi. Khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp canh tác, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản,... phù hợp với từng khu vực, đặc biệt là đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây giống, hoa kiểng.
Kịp thời cung cấp thông tin liên quan hạn mặn
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh, cần xác định tầm quan trọng của việc kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến hạn mặn năm 2024 - 2025 để lãnh đạo các cấp và nhân dân luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó. Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh duy trì công tác đo mặn hàng ngày tại các trạm đo (kể cả những ngày nghỉ Tết), kịp thời cung cấp các bản tin về số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm, các bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
TP. Bến Tre có phương án cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân buôn bán tại chợ hoa. Ảnh: Trần Quốc
Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre, Báo Đồng Khởi, Đài Truyền thanh địa phương thường xuyên cập nhật đưa tin về diễn biến, tình hình xâm nhập mặn; nội dung chỉ đạo phòng chống, ứng phó; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Tuyên truyền, vận động người dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao cục bộ,... để ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, chủ động thực hiện các biện pháp trữ nước để phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Phối hợp với các ngành chức năng xây dựng chuyên mục tuyên truyền, hướng dẫn người dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó xâm nhập mặn.
UBND các huyện, thành phố tổ chức theo dõi diễn biến tình hình thiên tai (triều cường, xâm nhập mặn, gió mạnh trên biển,...) thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó. Có phương án bảo vệ sản xuất cụ thể đối với từng khu vực đặc biệt là các khu trồng cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng; bố trí các điểm đo mặn tập trung để kịp thời khuyến cáo người dân lấy, trữ nước. Sẵn sàng phương án huy động tối đa các nguồn lực để cung cấp nước ngọt phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho người dân,... Đồng thời, tiếp tục bố trí các điểm cấp nước tập trung để phục vụ ăn uống cho người dân trong trường hợp mặn diễn biến gay gắt. Phối hợp với các đơn vị cấp nước rà soát lại vùng cấp nước của các nhà máy nước, có phương án cung cấp nước cho người dân tại những khu vực ngoài vùng cấp nước, nguy cơ thiếu nước. Đánh giá hiện trạng hồ chứa, nhu cầu sử dụng nước tại các hồ chứa do địa phương quản lý. Rà soát, cập nhật quy trình vận hành, phương án bảo vệ hồ chứa, nhằm đảm bảo công năng phục vụ, an toàn công trình.
Các địa phương có tổ chức chợ hoa phục vụ Tết Nguyên đán, đặc biệt là TP. Bến Tre tổ chức theo dõi, quan trắc độ mặn, thông báo kịp thời cho người dân buôn bán tại chợ hoa, có phương án cung cấp nguồn nước ngọt kịp thời cho người dân khi xâm nhập mặn trên sông tăng cao. Sẵn sàng phương án hỗ trợ cung cấp nước ngọt cho người dân khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động trang bị các dụng cụ trữ nước.
Đối với các địa phương ven biển, ven sông chủ động thực hiện phương châm “4 tại chổ”, sẵn sàng phương án ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan như: sóng to, gió mạnh trên biển; triều cường làm nước mặn tràn vào nội đồng; sạt lở bờ sông, bờ biển....
Hướng dẫn, khuyến cáo, không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch. Chỉ đạo sản xuất theo đúng lịch thời vụ, áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn
Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi, các đơn vị cấp nước và UBND các huyện, thành phố cập nhật thường xuyên số liệu quan trắc, nhận định tình hình, mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn theo từng khu vực để kịp thời khuyến cáo và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web của ngành, địa phương, mạng xã hội,... thông báo rộng rãi đến người dân để chủ động ứng phó.