![]() |
Trên đường đổi nước - ấp Bình Huề 1. Ảnh: T.Lập |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng, thủy văn Nam bộ và Đài Khí tượng của tỉnh, tình hình xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, tại Bến Tre, độ mặn 40/00 đang xâm nhập sâu vào đất liền, nước ngọt phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt ngày càng khan hiếm. Mùa khô 2010 đang bước vào giai đoạn khắc nghiệt - tháng 3 và tháng 4, ba huyện vùng biển: Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại thiếu nước ngọt trầm trọng ngay từ giữa tháng 1-2010. Trong khi đó, theo dự báo, mùa khô năm nay sẽ kéo dài hơn mọi năm…
* Ba Tri thiếu nước ngọt cục bộ
Vào thời điểm này của những năm về trước, Ba Tri là địa phương thiếu nước ngọt trầm trọng. Trên các con đường về An Thủy, Tân Thủy, hay đi Vĩnh Hòa, Vĩnh An, An Hiệp, Bảo Thạnh, Bảo Thuận…, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy cày, xe công nông chở những bồn nước chạy dập dìu để đổi nước ngọt cho người dân. Cái rún nước ngọt ở ấp An Hội (thị trấn Ba Tri) vào cao điểm lúc trước, các chủ cây nước, chủ xe máy cày túc trực ngày đêm để lấy nước về đổi cho bà con. Ấp này chỉ khoảng 4 - 5 cây nước, nhưng có lúc tập trung hơn một chục xe chờ lấy nước. Còn năm nay, tôi trở lại ấp An Hội được biết chỉ còn một vài chủ cây nước mở dịch vụ, với khoảng 5 xe đổi nước. “Hiện nay, nước sinh hoạt của bà con trên địa bàn không còn thiếu trầm trọng như trước. Bắt đầu từ thời điểm này, nhà máy nước Tân Mỹ hoạt động hết công suất, cả ngày lẫn đêm. Đối với các xã ở cuối đường ống, chúng tôi có thông báo để bà con biết, canh lấy nước vào ban đêm”-Anh Tống Văn Thành, Trưởng khu vực cấp nước, thuộc nhà máy nước Tân Mỹ nói.
Nhà máy nước Tân Mỹ hiện có công suất 163m3/giờ, cung cấp nước sinh hoạt cho 7.647 hộ, thuộc 13 xã, thị trấn. Anh Thành cho biết thêm, tuy đường ống cung cấp nước của nhà máy chưa đồng bộ, nhưng đã giải quyết được phần nào nhu cầu của bà con. Hiện nhu cầu nước ngọt sinh hoạt đối với bà con vùng Vĩnh An, An Hiệp, An Đức… là rất lớn. UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho công ty nâng cấp nhà máy với công suất lên gấp đôi. Tất cả chỉ còn chờ vốn. Nhà máy nước Tân Mỹ lấy nguồn nước chính từ sông Ba Lai, hiện độ mặn còn trong mức cho phép. Tuy nhiên theo anh Thành, trong vài tháng tới, nguồn nước ấy không biết còn đảm bảo hay không... Tham gia tích cực trong việc “giải hạn” mùa khô, là các nhà máy nước mi-ni ở các xã: Mỹ Chánh, Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh, Bảo Thuận, An Hòa Tây, Mỹ Hòa; hiện huyện đang triển khai xây dựng nhà máy nước ở xã An Ngãi Trung, An Ngãi Tây, mỗi xã đều có nhà máy nước với công suất từ 5-20m3/giờ. Anh Phong - chủ một cây nước, có xe chở nước đi đổi, cho biết, mấy năm trước, nước ngọt cho sinh hoạt là nhu cầu bức xúc, nhưng năm nay, bình quân mỗi ngày anh chỉ chở chừng mười xe mà thôi. Giá nước từ 20.000 - 140.000 đồng/m3 (tùy xa, gần).
* Bình Đại - rún nước ngọt giồng Ba Nhiên năm nào cũng đắt
Dân các xã: Thới Thuận, Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Bình Thắng, Bình Thới, Thạnh Phước… rất “khát” nước ngọt. Mặn đã xâm nhập gần như hoàn toàn khi bước vào tháng 2. Giồng Bà Nhiên, xã Đại Hòa Lộc cũng từ thời điểm đó, xe máy cày, xe công nông chở nước bắt đầu hoạt động đêm ngày. Con giồng có chiều dài hơn cây số, chỉ trên dưới 10 cây nước, vào thời điểm này, do mặn xâm nhập sâu, nên chỉ còn một vài cây nước ngọt. Số còn lại đã mặn hoặc không đảm bảo vệ sinh - do nằm gần các ngôi mộ. “UBND xã chỉ cách cây nước chưa đầy 200m nhưng không có nước ngọt xài. Ở ấp Bình Lộc, bà con cho biết, các cây nước gần như đã mặn hết, chỉ ở ấp Bình Huề I là còn trên dưới 5 cây nước. Các cây nước này lại phải phục vụ việc đổi nước sinh hoạt cho các xã lân cận” - Bí thư xã Đại Hòa Lộc Hà Minh Hồ cho biết. Toàn huyện hiện có hơn 10 xe thay phiên đổi nước với giá từ 40 đến 60 ngàn, có khi vài trăm ngàn đồng/xe (3 khối nước).
Ở Bình Đại có nhà máy nước Trung Thành, nhưng chỉ phục vụ vùng Thị trấn và một số ít xã lân cận. Các xã tiểu vùng I và II cũng có nhà máy nước Thới Lai, còn các xã vùng giáp biển (từ thị trấn Bình Đại trở xuống) thì chưa có nhà máy nước nào. Vì thế, khi bước vào mùa khô, năm nào cũng vậy, các xã này đều thiếu nước ngọt. Theo thông tin từ Văn phòng UBND huyện, địa phương đã và đang gấp rút triển khai việc đầu tư, xây dựng nhà máy nước ở ấp Rạch Gừa, xã Phú Long. Nhà máy nước khi đi vào hoạt động sẽ phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho toàn huyện. Song song với dự án này, dự án dẫn nước ngọt từ sông Ba Lai phục vụ cho nuôi trồng thủy sản các xã ven biển cũng được đầu tư, cùng với trạm trung chuyển nước ngọt lớn đặt tại xã Thạnh Phước. Tuy nhiên, trước tình trạng nắng hạn của mùa khô năm nay, nhiều hộ dân vẫn còn “khát” nước ngọt.
Thành Lập
Chia sẻ bài viết |