COVID-19 tới 6h sáng 3-10-2021:

Vượt 5 triệu ca tử vong; Argentina tiêm vaccine Sinopharm cho trẻ từ 3 tuổi

03/10/2021 - 06:46

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 330.000 ca nhiễm và 5.411 ca tử vong. Theo Reuters, tổng ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 5 triệu người.

Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 3-10 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 235.375.431 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.810.577 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 330.806 và 5.411 ca tử vong mới. Tuy nhiên, theo thống kê của hãng tin Reuters công bố ngày 2-10, tổng ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 5 triệu.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 212.130.097 người, 18.434.757 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 87.706 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 43.266 ca nhiễm mới; tiếp theo là Anh (30.301) và Thổ Nhĩ Kỳ (27.973 ca). Trong khi đó, Nga liên tiếp đứng đầu về số ca tử vong mới với 886 người chết; tiếp theo là Mỹ (668 ca) và Mexico (471 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 44.487.681 người, trong đó có 719.652 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.812.523 ca nhiễm, bao gồm 448.844 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.459.117 ca bệnh và 597.723 ca tử vong.   

Chuyển thi thể bệnh nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyển thi thể bệnh nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 605 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 323 người và CH Bắc Macedonia với 320 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 44,9 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu với hơn 67,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 76 triệu ca bệnh. Bắc Mỹ có hơn 1 triệu ca tử vong trong hơn 53,4 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 212.100 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 2.900 người.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Duque de Caxias, Rio de Janeiro, Brazil, ngày 30-3-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Duque de Caxias, Rio de Janeiro, Brazil, ngày 30-3-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Reuters: Số ca tử vong vì COVID-19 vượt ngưỡng 5 triệu  

Theo số liệu do hãng tin Reuters công bố ngày 2-10, số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới đã vượt qua ngưỡng 5 triệu ca, trong bối cảnh biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm và tử vong tăng cao, chủ yếu ở những người chưa tiêm phòng.

Phân tích của Reuters cho thấy nếu mốc 2,5 triệu ca tử vong đầu tiên đã được ghi nhận trong hơn một năm kể từ khi bùng phát dịch, thì mốc 2,5 triệu ca tiếp theo được ghi nhận chỉ trong 236 ngày. Hơn một nửa số ca tử vong toàn cầu được ghi nhận ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Mexico.

Trong tuần qua, trung bình 8.000 ca tử vong được ghi nhận mỗi ngày trên toàn cầu, tức là 5 ca/phút.
Số liệu của Reuter cao hơn một chút so với số liệu trên trang thống kê worldometers.info. Tính đến 11h00 ngày 2-10 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong trên thế giới theo trang thống kê worldometers.info là 4.805.876 ca.

Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại bệnh viện ở Kiev, Ukraine, ngày 9-4-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại bệnh viện ở Kiev, Ukraine, ngày 9-4-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Reuters dẫn số liệu từ trang thống kê Our World in Data cho thấy hơn một nửa thế giới hiện đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. 

Argentina cấp phép sử dụng vaccine Sinopharm cho trẻ em từ 3 - 11 tuổi

Ngày 1-10, Chính phủ Argentina cho biết Cơ quan quản lý dược phẩm, lương thực và công nghệ y học (ANMAT) đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc) cho việc tiêm chủng cho trẻ em từ 3 đến 11 tuổi, nhóm tuổi duy nhất chưa bắt đầu quá trình tiêm chủng tại quốc gia Nam Mỹ này.

Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti cho biết, đây là một bước tiến quan trọng trong việc triển khai chương trình tiêm chủng đại trà. Với khoảng 5,5 đến 6 triệu người trong độ tuổi trên, hiện Argentina đã có trong kho lưu trữ gần 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm và dự kiến sẽ tiếp nhận thêm khoảng 2,75 triệu liều nữa vào tuần tới, đủ để tiêm đầy đủ hai mũi theo phác đồ cho nhóm tuổi trên trong thời gian tới.

Argentina tiếp nhận lô vaccine của Sinopharm/Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Argentina tiếp nhận lô vaccine của Sinopharm/Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Mới đây Argentina cũng đã bắt đầu tiêm ngừa COVID-19 cho khoảng 5 triệu trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi bằng các loại vaccine của Moderna và Pfizer. Đến nay đã có khoảng 22,4 triệu người Argentina, tương đương với 49,7% dân số, đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19. Dự kiến, đến hết năm nay Argentina sẽ kết thúc chương trình tiêm chủng cho toàn bộ dân số từ 3 tuổi trở lên.

Nga đăng ký vaccine Sputnik V với WHO

Phát biểu tại buổi họp báo trong chương trình làm việc tại Geneva (Thuỵ Sĩ), Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết tất cả những vướng mắc cản trở việc đăng ký vaccine Sputnik V phòng COVID-19 tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã được gỡ bỏ.

Tại Geneva, Bộ trưởng Y tế Nga đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus để thảo luận về các thủ tục cần thiết để đăng ký vaccine Sputnik V của Nga vào danh mục các loại thuốc được WHO khuyến nghị sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Hồi tháng 7, WHO cho biết đánh giá của họ về cách Nga sản xuất vaccine Sputnik V đã phát hiện ra một số vấn đề với việc đóng lọ tại một nhà máy. Nhà sản xuất cho biết kể từ đó họ đã giải quyết tất cả các mối quan ngại của WHO.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sale, Maroc. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sale, Maroc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức: Một số bang dỡ bỏ các biện pháp hạn chế 

Ngày 1-10, một số bang của Đức đã thông báo dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19, theo đó các sự kiện tổ chức tại sân vận động và các câu lạc bộ được phép hoạt động trở mà không cần đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo số ca mắc mới có thể tăng cao trở lại khi có ngày càng nhiều người tham gia vào các hoạt động trong nhà trong những tháng mùa Đông tới.

Từ ngày 1-10, các bang Nordrhein-Westfalen, Bayen và Saarland của Đức đang dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế còn lại. Giới chức y tế cho biết số ca lây nhiễm mới đã giảm xuống mức thấp, đủ để các biện pháp này được dỡ bỏ.

Tại bang đông dân nhất của Đức - Nordrhein-Westfalen, các sự kiện lớn đã mở trở lại và quy định đeo khẩu trang sẽ không bị bắt buộc nhưng vẫn được khuyến khích thực hiện. Quy định giới hạn số người được tham dự các trận đấu bóng đá, sự kiện sân vận động và các buổi hòa nhạc cũng đang dần dỡ bỏ nốt trong tiểu bang. 

Tại bang Bayen, các câu lạc bộ, vũ trường… sẽ mở cửa trở lại ở khu vực miền Nam sau một năm rưỡi đóng cửa. Tại bang Saarland, hầu hết các hạn chế chống dịch đã được dỡ bỏ. Khiêu vũ trong các câu lạc bộ sẽ hoạt động trở lại. Giờ đây, sinh viên, học sinh tại các trường đại học ở bang Saarland có thể đến trường mà không cần đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách tối thiểu.

Du khách trình chứng nhận an toàn về COVID-19 khi thăm quan Đấu trường La Mã tại Rome, Italy ngày 6-8-2021. Ảnh: AP/TTXVN

Du khách trình chứng nhận an toàn về COVID-19 khi thăm quan Đấu trường La Mã tại Rome, Italy ngày 6-8-2021. Ảnh: AP/TTXVN

Iran sử dụng các biện pháp hạn chế thông minh thay thế phong toả

Ngày 2-10, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố các quy định hạn chế thông minh sẽ dần thay thế phong toả trong công tác ứng phó với dịch COVID-19.

Theo trang web của Văn phòng Tổng thống Iran, ông Raisi kêu gọi phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục nhằm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh trên 12 tuổi. Nhà lãnh đạo Iran cho rằng "việc thiếu quan tâm tới vấn đề vệ sinh trong cuộc chiến chống COVID-19 là hết sức nguy hiểm và các quy định y tế vẫn cần được giám sát thực thi chặt chẽ". Tổng thống Raisi nhấn mạnh không nên quan niệm sai lầm rằng tiêm vaccine có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.
Đến nay, Iran đã có hơn 5,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 120.000 trường hợp tử vong và hơn 5 triệu người đã bình phục. Iran hiện có hơn 415.000 bệnh nhân COVID-19 và tình hình lây nhiễm có xu hướng giảm dần trong tuần qua.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Công nghệ mRNA là ứng viên sáng giá giải Nobel Y học

Theo hãng tin AFP, những người tiên phong trong công nghệ mRNA dùng để tạo ra các loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm Moderna và Pfizer/BioNTech là ứng viên sáng giá cho giải thưởng Y học hoặc Hoá học năm nay.

Những vaccine được tạo ra bằng công nghệ mRNA đã được tiêm cho hơn 1 tỷ người trên khắp thế giới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh đã cướp đi mạng sống của hơn 4,8 triệu người. 

Sự kiện công bố giải Nobel Y học vào ngày 4-10 sẽ mở đầu mùa giải Nobel năm nay, tiếp theo đó là  các giải Nobel Vật lý, Hoá học, Văn học và Hoà bình. Giải Nobel Kinh tế được công bố cuối cùng, vào ngày 11-10. 

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sale, Maroc. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sale, Maroc. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm (Thụy Điển) sẽ không thể diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo thông báo ngày 23-9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ.

Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Taungoo, Bago, Myanmar, ngày 8-7-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Taungoo, Bago, Myanmar, ngày 8-7-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhật Bản sử dụng chứng nhận tiêm phòng COVID

Từ tháng 10 này, Chính phủ Nhật Bản sẽ thí điểm sử dụng chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 như là điều kiện để tới nhà hàng và một số địa điểm công cộng khác. Những người tới nhà hàng, sân vận động, sự kiện âm nhạc quy mô nhỏ và nhà hát buộc phải trình chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước đó, đồng thời phải khai báo y tế.

Trước mắt, việc kiểm tra chứng nhận tiêm phòng và chứng nhận xét nghiệm sẽ thí điểm tại 13 tỉnh. Những biện pháp mới trên được đưa ra sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm vào ngày 30-9, đúng theo thời hạn dự kiến ban đầu khi mà số ca mắc mới tại quốc gia này giảm mạnh trong nhiều tuần qua. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 4-4, toàn bộ 47 địa phương của Nhật Bản không còn duy trì các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt và từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới.

Cuba: Nới lỏng hạn chế, người dân đổ ra bãi biển 

Tại quốc đảo Caribe Cuba, hàng nghìn người dân ở thủ đô La Habana đã đổ tới các bãi biển ngày  sau khi chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch ở 7 tỉnh và đảo Thanh niên.

Việc mở cửa trở lại các bãi biển tại La Habana được thực hiện sau khi chính quyền địa phương cho phép nối lại dịch vụ ăn uống trong nhà cho hơn 500 quán cà phê, nhà hàng và quán bar khi mà số ca nhiễm mới theo ngày tiếp tục giảm xuống. Ngoài ra, các cơ sở thể thao, bể bơi cũng được mở cửa trở lại ở mức 50% công suất và người dân được phép tụ tập lối đi dạo ven biển nổi tiếng nhất của Cuba. Trong 8 tuần qua, số ca nhiễm mới theo ngày tại La Habana đã giảm từ mức 1.900 ca xuống dưới 400 ca. 

Học sinh được theo dõi sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại trường học ở La Habana, Cuba, ngày 16-9-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Học sinh được theo dõi sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại trường học ở La Habana, Cuba, ngày 16-9-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Singapore có thể chạm mốc 10.000 ca COVID-19 mỗi ngày

Ông Alex Cook, Phó hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock của Singapore, cho biết dự đoán của ông cho thấy số ca nhiễm mới hàng ngày ở quốc đảo này sẽ vượt qua con số 5.000 vào tuần tới, và tăng gấp đôi vào tuần sau đó.

Những dự báo này đã nhấn mạnh tốc độ virus lây lan nhanh chóng trong nền dân số 5,45 triệu người của Singapore, mặc dù 82% trong số họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Hôm 1-10, Sinagpore ghi nhận kỷ lục 2.909 trường hợp mới.

Trong bối cảnh gia tăng các ca bệnh, một số chuyên gia y tế địa phương đang kêu gọi chính quyền ban hành các chỉ thị mới về việc giảm bớt xét nghiệm đối với những bệnh nhân không có triệu chứng. 

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore . Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore . Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, giới chức trách Singapore nhấn mạnh rằng tình trạng gia tăng ca mắc COVID-19 mới, mặc dù nằm ngoài mong muốn, nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn để đất nước này chuyển đổi theo hướng coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Để ngăn chặn làn sóng bùng phát hiện tại, chính quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long đã triển khai một loạt biện pháp hạn chế mới, trong đó có cấm tụ tập đông người và yêu cầu các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể.

Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 8-9-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 8-9-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan: Tình hình dịch có chiều hướng khả quan hơn

Số ca tử vong do COVID-19 theo ngày tại Thái Lan đã giảm xuống dưới ngưỡng 100, trong khi số ca mắc với tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận cũng đang giảm. Bộ Y tế Thái Lan sáng 2-10 cho biết quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 87 trường hợp tử vong vì COVID-19 và 11.375 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Như vậy, kể từ đầu mùa dịch, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 1.626.604  ca mắc COVID-19, trong đó có 16.937 người không qua khỏi. 

Hầu hết các ca mắc mới và tử vong tại Thái Lan được ghi nhận trong làn sóng COVID-19 thứ ba kể từ đầu tháng 4 tới nay. Số ca mắc mới cao nhất theo ngày từng được ghi nhận là 23.418 vào 13-8, trong khi số ca tử vong theo ngày cao nhất được ghi nhận vào ngày 18-8 với 312 ca.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23-9-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23-9-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Apisamai Srirangson cho biết các ca mắc mới ở Bangkok và các tỉnh lân cận đang giảm xuống, đặc biệt là ở thủ đô.  Trong khi đó, các ca lây nhiễm ở các tỉnh miền Nam lại tăng lên, từ mức 15% số lượng các ca mắc mới trên toàn quốc lên 17%. Bà Apisamai cho biết số ca mắc mới ở miền Nam nước này xuất phát từ việc người dân không đeo khẩu trang và một số quán ăn đã vi phạm lệnh cấm uống rượu và giờ đóng cửa lúc 10h đêm tại một số khu vực ở nhiều tỉnh trong vùng.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 29-9-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 29-9-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Mở cửa đảo Phuket cho mọi du khách đã tiêm chủng đầy đủ

Chính phủ Thái Lan thông báo bất kỳ du khách nước ngoài nào đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 hiện đều có thể đi du lịch Phuket - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng của nước này. Động thái được cho là nhằm cứu vãn ngành du lịch của Thái Lan vốn chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch gây ra.

Thái Lan đã triển khai mô hình "hộp cát" vào tháng 7, trong đó cho phép những du khách đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đến từ những quốc gia có nguy cơ thấp và trung bình được đến Phuket và ở lại đây 2 tuần trước khi đến những địa điểm du lịch khác mà không cần thực hiện cách ly.

Khách du lịch chụp ảnh tại đảo Phuket, Thái Lan, ngày 21-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách du lịch chụp ảnh tại đảo Phuket, Thái Lan, ngày 21-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Chương trình "hộp cát" hiện đã thu hút được hơn 38.000 lượt du khách đến Phuket và giúp tạo ra 66,67 triệu USD.  Giới chức Thái Lan hy vọng có thể mở cửa trở lại thêm 5 địa điểm du lịch khác, trong đó có thủ đô Bangkok, theo mô hình "hộp cát", từ đầu tháng 11 tới. Sau đó tăng thêm nhiều địa điểm khác từ tháng 12 khi mà tỷ lệ tiêm chủng tăng lên. 

Campuchia xem xét giảm thời gian cách ly với nhà đầu tư 

Các bộ, ban ngành liên quan của Campuchia ngày 1-10 đã kiểm tra và thảo luận về việc giảm thời gian cách ly đối với nhà đầu tư nước ngoài đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ muốn nhập cảnh vào Campuchia.

Học sinh khử khuẩn tay và đo thân nhiệt trước khi vào lớp học tại Phnom Penh, Campuchia ngày 15-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Học sinh khử khuẩn tay và đo thân nhiệt trước khi vào lớp học tại Phnom Penh, Campuchia ngày 15-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hồi tháng 8 vừa qua, trong cuộc họp của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, khu vực tư nhân đã kêu gọi chính phủ tạo thuận lợi, giảm các yêu cầu cách ly và tiền đặt cọc đối với nhà đầu tư nước ngoài đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.

Việc cân nhắc giảm thời gian cách ly đối với các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia, sau 7 ngày luôn ở mức 800 ca/ngày, đã giảm mạnh trong hai ngày 1 và 2-10 theo cách tính mới kèm kết quả xét nghiệm PCR.

Bộ Y tế Campuchia ngày 2-10 xác nhận nước này có 174 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 21 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 113.057 ca. Bộ Y tế cũng thông báo có thêm 24 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 2.360 ca.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN