WHO phê duyệt vaccine sốt xuất huyết của công ty Nhật Bản

16/05/2024 - 10:52

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15-5 cho biết đã phê duyệt vaccine sốt xuất huyết của công ty dược phẩm Takeda Pharmaceutical (Nhật Bản), mang lại một lựa chọn khác để chống lại căn bệnh vốn ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại một bệnh viện ở Dhaka, Bangladesh, ngày 20-11-2023. Ảnh: THX/TTXVN

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại một bệnh viện ở Dhaka, Bangladesh, ngày 20-11-2023. Ảnh: THX/TTXVN

Diễn biến này đồng nghĩa với việc vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda đủ điều kiện để các cơ quan của LHQ như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Pan American mua sắm.

Loại vaccine này mang nhãn hiệu Qdenga đã được phê duyệt ở các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Argentina và Brazil, đồng thời cũng được cấp phép tại Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2022.

Việc phê duyệt của WHO diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus sốt xuất huyết do muỗi truyền gia tăng khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ, trong đó có cả những khu vực trước đây chưa từng chịu ảnh hưởng.

Vào năm 2023, Liên hợp quốc ước tính có khoảng 5 triệu ca mắc sốt xuất huyết và trên 5.000 ca tử vong vì căn bệnh này, con số lớn nhất từng được ghi nhận.

Vaccine của Takeda có liệu trình tiêm hai liều trong khoảng thời gian 3 tháng, bảo vệ chống lại 4 chủng huyết thanh của virus sốt xuất huyết. WHO đã cho phép sử dụng vaccine này cho trẻ em từ 6 đến 16 tuổi ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Takeda trong tháng 2 đã ký thỏa thuận với nhà sản xuất vaccine Ấn Độ Biological E để đến cuối thập niên này sản xuất 100 triệu liều vaccine mỗi năm.

Hiện cũng có một loại vaccine sốt xuất huyết khác là Dengvaxia của công ty Sanofi (Pháp). Một số quốc gia tại châu Mỹ, EU và châu Á đã thông qua loại vaccine này.

Các nhà khoa học đã có nhiều bước tiến lớn trong những thập niên gần đây để giảm nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền, bao gồm cả sốt rét. Nhưng sốt xuất huyết là ngoại lệ khi tỷ lệ lây nhiễm ngày càng tăng.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết ước tính có khoảng 400 triệu người ở 130 quốc gia mắc sốt xuất huyết mỗi năm. Tuy tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết thấp - ước tính khoảng 40.000 người thiệt mạng/năm - nhưng dịch bệnh này có thể khiến hệ thống y tế quá tải và buộc nhiều người phải nghỉ làm hoặc nghỉ học.

Conor McMeniman, nhà nghiên cứu muỗi tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết: “Khi bạn mắc sốt xuất huyết, nó thường giống như trường hợp mắc cúm tồi tệ nhất mà bạn có thể tưởng tượng”. Muỗi Aedes aegypti lây lan sốt xuất huyết có khả năng kháng thuốc diệt côn trùng.

Muỗi Aedes aegypti cũng là một kẻ thù đầy thách thức vì chúng hoạt động mạnh nhất vào ban ngày khi mọi người không dùng màn. Bởi vì những con muỗi này phát triển mạnh trong môi trường ấm áp và ẩm ướt, cũng như ở các thành phố đông đúc. Do đó, biến đổi khí hậu và đô thị hóa sẽ khiến cuộc chiến chống sốt xuất huyết trở nên khó khăn hơn.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích