Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc, ngày 4-3-2020. Ảnh: THX/TTXVN
WHO đã gọi sự lây nhiễm hiện tại của chủng virus này là tình trạng "lo ngại sâu sắc" trong bối cảnh ngày càng nhiều nước trên thế giới công bố đã xuất hiện bệnh nhân COVID-19. Cho đến nay, đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ công bố xuất hiện dịch COVID-19, trong đó đã có 3.500 ca tử vong.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi tất cả các nước đưa ra ưu tiên cao nhất để chống dịch COVID-19. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, ông Tedros đã đề cập tới số liệu mới nhất về các ca nhiễm trên thế giới. Ông cho biết dịch bệnh đang lan rộng về mặt địa lý và vô cùng đáng quan ngại, WHO khuyến cáo tất cả các nước đặt việc ngăn chặn dịch làm ưu tiên lớn nhất.
Bên cạnh đó, WHO cũng đề nghị các quốc gia hạn chế tranh cãi, tập trung vào quá trình phòng dịch. Tổng Giám đốc WHO cũng cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh, thay vì có những động thái trả đũa lẫn nhau như trong thời gian qua.
Chiều cùng ngày, Cơ quan Quản lý và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cũng thông báo tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này tăng thêm 274 ca lên 7.041 ca, trong đó số ca tử vong là 44.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phần lớn số ca nhiễm SARS-CoV-2 là ở các thành phố Daegu, Cheongdo Cheongdo và Gyeongsan. Số ca nhiễm tại thủ đô Seoul và thành phố Busan lớn thứ hai Hàn Quốc là trên 100 ca.
Hiện tất cả các bộ ngành ở Hàn Quốc đã bố trí ca trực làm việc 24/24h để kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tổng cộng đã có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh hoặc thủ tục cách ly đối với các du khách từ Hàn Quốc.
Trong khi đó, tại Thái Lan, tổng số các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận đã lên tới 50 trường hợp sau khi có hai bệnh nhân mới được xác nhận trong ngày 7-3-2020.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 5-3-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Hai trường hợp nhiễm mới này đều là đàn ông, trong độ tuổi 40 và trở về từ Italy. Truyền thông sở tại dẫn lời Thư ký Thường trực Bộ Y tế Thái Lan Sukhum Kanchanapimai cho biết bệnh nhân thứ nhất có các triệu chứng hôm 5-3-2020 và đang được điều trị tại bệnh viện Rajavithi, trong khi bệnh nhân thứ hai đang được điều trị tại bệnh viện Nopparatrajathanee.
Với hai ca mới này, hiện Thái Lan có 18 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Ngoài một trường hợp tử vong, đã có 31 bệnh nhân khác đã được xuất viện. Cho tới nay, Thái Lan đứng thứ 25 trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ có bệnh nhân COVID-19 nhất.
Liên quan đến dịch COVID-19, ít nhất 3 địa phương ở Thái Lan là in Khon Kaen, Pattaya và Bang Saen đã thông báo ngừng tổ chức các lễ hội đón mừng Tết cổ truyền Songkran do lo ngại về sự lây lan của COVID-19.
Đảo Koh Phangan tại tỉnh Surat Thani, nơi nổi tiếng với Lễ hội Trăng rằm trên bờ biển, cũng đã đình chỉ sự kiện này. Các nhà tổ chức cho biết lễ hội này sẽ chỉ được tổ chức khi tình hình trở lại bình thường.
Thành phố du lịch nổi tiếng Pattaya cũng đã hủy Lễ hội Songkran truyền thống dự kiến vào 18 và 19-4-2020 và hoãn Lễ hội âm nhạc dự kiến vào 20 và 21-3-2020. Thị trưởng thành phố Pattaya Sonthaya Khunpluem nói trong một thông điệp trên trang Facebook cá nhân rằng nhà chức tránh mong muốn có sự hợp tác của cư dân địa phương và khách du lịch kiềm chế việc té nước vì điều đó có thể làm lân lan virus gây bệnh COVID-19.
Một lễ hội nổi tiếng khác trong dịp này là ở Bang Saen thuộc tỉnh Chonburi, nhưng chính quyền nói rằng những sự kiện dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 16 và 17-4-2020 sẽ không được tổ chức do lo ngại về virus gây bệnh COVID-19.
Các hoạt động đón Tết Songkran ở Bangkok, kể cả những ngày té nước trên phố Tây nổi tiếng Khao San, hiện nay vẫn chưa chắc chắn có diễn ra nữa không. Dự kiến, Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) và Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) sẽ sớm đưa ra quyết định về việc này.
Với khoảng 94% dân số theo đạo Phật, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar đón Năm mới theo Phật lịch và từ "Songkran" xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là "lúc thời gian chuyển dịch”, hàm ý về sự đổi mới, phát triển. Ngoài ra, lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa liên quan đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á.
TTXVN