Xác định đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ

22/08/2021 - 22:35

Qua thư điện tử, Báo Đồng Khởi nhận được nhiều ý kiến bạn đọc hỏi về trường hợp được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, như trường hợp của độc giả Phạm Nhựt Phát có địa chỉ email Lephamnhut@..., hỏi là công nhân làm việc cho công ty tư nhân không có hợp đồng lao động (HĐLĐ) có được hỗ trợ hay không. Hoặc bạn đọc Giang (11truonggiang15711996@...) thắc mắc vì cán bộ xã cho rằng chỉ hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 đối với hộ nghèo và cận nghèo, còn lao động tự do như làm phụ hồ hay bán vé số nếu không có sổ hộ nghèo thì cũng không được hỗ trợ. Bạn đọc Ý (nguyenthiy2015@gmail...) hỏi về trường hợp là người sửa xe đạp có được hỗ trợ hay không, chính quyền địa phương nơi cư trú không giải quyết và còn nhiều bạn đọc hỏi liên quan đến việc hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19…

Các vấn đề bạn đọc thắc mắc, liên quan đến quy định về hỗ trợ người lao động (NLĐ) không có giao kết HĐLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Ngày 13-8-2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND quy định về hỗ trợ NLĐ không có giao kết HĐLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho NLĐ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh, NLĐ không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do) là những NLĐ tự làm hoặc làm thuê thuộc các nhóm công việc, lĩnh vực như: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; làm công việc thu gom rác, phế liệu; làm công việc bốc vác hoặc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng (tại các chợ, bến tàu, bến sông, bến xe, bến cảng, nhà kho); làm thuê thợ hồ, phụ hồ, làm thuê trong các lĩnh vực như hàn, tiện, sơn, mộc, sửa xe; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách, xe ngựa chở khách.

Lao động tự do cũng gồm những người như: người tự làm thuê hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả tạp vụ và bảo vệ). Trường hợp có từ 2 người trở lên tự làm tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe không đủ điều kiện được hỗ trợ theo chính sách đối với hộ kinh doanh, theo quy định tại khoản 10 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP thì chỉ 1 người đại diện hộ kinh doanh được hỗ trợ.

Theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh, NLĐ tự do cũng gồm những người làm thuê trong cơ sở làm đẹp (thẩm mỹ, cắt tóc, uốn tóc, nail, spa và làm đẹp khác). Gồm người phục vụ trong quán bar, vũ trường, karaoke, câu lạc bộ bida, các tụ điểm hát với nhau nghe, rạp chiếu phim, rạp hát, câu lạc bộ khiêu vũ, các điểm truy cập internet và trò chơi điện tử, khu vui chơi. Đối tượng là người phục vụ tại các cơ sở tập luyện thể dục, thể thao (thẩm mỹ, aerobic, phòng tập gym, hồ bơi…) hoặc NLĐ giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục (tiểu học, mầm non, nhóm trẻ) cũng thuộc diện được hỗ trợ.

Những người là đối tượng nêu trên thỏa mãn các điều kiện sau đây thì được hỗ trợ, gồm: người bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền của địa phương để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, trong thời gian từ ngày 1-5 đến 31-12-2021. Người bị mất thu nhập hoặc có thu nhập nhưng mức thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ, quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 trong thời gian bị mất việc làm; cụ thể là thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng đối với khu vực nông thôn, thấp hơn 2 triệu đồng/tháng đối với khu vực thành thị.

Theo quy định, NLĐ được hỗ trợ chỉ một lần với mức tiền 1,5 triệu đồng/NLĐ. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1-5 đến 31-12-2021.

Bộ phận tiếp bạn đọc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN