Trong buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các huyện, thành phố và một số sở, ngành tỉnh vào chiều 24-6-2016, ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” đề nghị lãnh đạo các địa phương đến nửa đầu tháng 7-2016 phải thống kê xong danh sách những cơ sở kinh doanh tư nhân có tiềm năng tốt để vận động, hỗ trợ, khuyến khích họ mở rộng quy mô sản xuất và thành lập doanh nghiệp (DN).
Đồng thời, đối với những DN có
khả năng mở rộng quy mô sản xuất thì cũng phải dùng tất cả các chính sách tốt
nhất để hỗ trợ các DN “lớn hơn” nữa. Trong quá trình thực hiện cần xác định rõ
đối tượng khởi nghiệp; từ hộ kinh doanh cá thể lên DN; kinh doanh thoát nghèo…
để có thể áp dụng các chính sách phù hợp với từng thành phần.
Trong công tác tuyên truyền, ông Phan Văn Mãi lưu ý các địa
phương phải xác định trách nhiệm của chính quyền là tạo ra môi trường kinh
doanh tốt nhất mà ai cũng có thể tham gia mới hoàn thành được trách nhiệm đối với
DN, nhân dân chứ không thể cứ DN khó khăn thì đi tháo gỡ. Tiến lên thành lập DN
là vì quyền lợi kinh doanh của chủ cơ sở. Vấn đề thuế, vốn, thương hiệu, kế
toán, tiếp cận thị trường, tâm lý an phận… đó là các vấn đề cần “đả thông” trước
hết trong thực hiện chương trình. Trong đó, phải xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng
đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh
có hơn 46 ngàn cơ sở kinh doanh tư nhân. Theo dự kiến của chương trình, đến năm
2020, 1/3 cơ sở này sẽ là những DN; hàng năm, mỗi huyện có ít nhất 50 DN được
thành lập từ việc nâng cấp các cơ sở này và TP. Bến Tre gấp đôi.