Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, gió chướng ngày càng mạnh, đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Năm nay, xâm nhập mặn đã đến huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc. Cuộc sống người dân đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, hệ thống Cống đập Ba Lai chưa khép kín, từ đó nước mặn theo sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên xâm nhập sâu vào nội đồng. Dự báo tình hình xâm nhập mặn năm 2013 có thể kéo dài đến giữa tháng 5, ảnh hưởng xấu trên 100.000ha đất nông nghiệp.
Hệ thống thủy lợi Hương Mỹ được đưa vào sử dụng hơn 20 năm. Trong đó, có các cống trên đê ven sông Cổ Chiên ở huyện Mỏ Cày Nam như: Vàm Đồn, Bình Bát (Hương Mỹ); ở huyện Thạnh Phú có: Cái Lức, Tổng Can, Bến Giông Nhỏ, Cái Bần (Thới Thạnh), Cả Ráng Sâu, Bến Giông Nhỏ (Bình Thạnh). Các cống trên đê ven sông Hàm Luông ở Mỏ Cày Nam có: Tân Hương (Minh Đức); ở Thạnh Phú có: Cái Bần (Thới Thạnh), Cổ Rạng (Thị trấn), Chà Là (Mỹ Hưng), Cầu Tàu, Bà Hạp (Phú Khánh), Xẻo Vườn, Tám Dóc (Quới Điền). Hệ thống thủy lợi Hương Mỹ phục vụ tưới tiêu, xổ phèn, ngăn mặn cho hàng chục ngàn héc-ta đất nông nghiệp ở hai huyện: Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam. Thế nhưng một số cống: Cái Bần, Tổng Can, Xẻo Vườn bị hư hỏng, đang sửa chữa nên nước mặn tràn vào nội đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Dứt - Quyền Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thạnh Phú, nông dân ở các xã thuộc tiểu vùng 1 của huyện gồm: Tân Phong, Hòa Lợi, Quới Điền, Thới Thạnh, Đại Điền, Phú Khánh, Thị trấn và Mỹ Hưng đã xuống giống: vụ Đông Xuân được 308ha nhưng đều bị thiệt hại do nước mặn.
Nông dân Nguyễn Văn Hữu (Quí Thuận A - Hòa Lợi) rầu rĩ nói: “Vụ Đông Xuân này tôi xuống giống được 7 công. Giữa tháng 1 vừa qua, nước mặn vô nhưng tôi không biết, đã bơm vào lúc ruộng bị khô hạn để làm đất cấy lúa. Cây lúa bị nhiễm mặn chết dần. Bảy công lúa này tôi bị thiệt hại ước tính gần 10 triệu đồng”.
Huyện Bình Đại có Cống đập Ba Lai ở xã Thạnh Trị nối liền với xã Tân Xuân (Ba Tri), đảm bảo trữ ngọt khoảng 1,5 triệu khối nước từ năm 2002 đến nay. Thế nhưng, nước mặn đang xâm nhập làm thiệt hại khoảng 500ha lúa vụ Đông Xuân. Tại xã Thới Lai, nước mặn xâm nhập khá sâu nên nhiều nông dân trồng lúa điêu đứng. “Thới Lai có 130ha lúa, trong đó có khoảng 30ha bị nhiễm mặn gần như thất trắng do nước mặn theo sông Tiền chảy vào Thới Lai” - ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã nói.
Hiện nay, Bình Đại phát triển vườn cây ăn trái, ca cao nhờ Cống đập Ba Lai. Giồng Trôm cũng trồng khoảng 1.500ha ca cao, riêng xã Châu Bình đã phát triển khoảng 1.000ha ca cao.
Bên cạnh niềm vui từ những cống đập ngăn mặn, người dân ở 3 dải cù lao vẫn lo âu. Bởi những năm gần đây và hiện nay, nước mặn xâm nhập quá sâu vào nội đồng. Hiện nay, hệ thống cống ngăn mặn trên đê ven sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông hầu như không còn tác dụng khi nước mặn dâng cao, kéo dài cùng với nắng hạn.
Mong mỏi lớn nhất của người dân hiện nay là các hệ thống thủy lợi sớm được khép kín trước khi nước mặn bắt đầu dâng lên.
- Hiện nay, Bình Đại đã hoàn thành công trình ngọt hóa, với tổng diện tích khoảng 600ha cho ấp 3, ấp 4 (Thạnh Trị) và 1 phần xã Bình Thới. Tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu.
- Sáng 28-2-2013, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ khởi công xây dựng cống Định Trung, tại ấp 1 - xã Định Trung (Bình Đại). Đây là công trình thuộc Dự án thủy lợi Bắc Bến Tre. Cống gồm 4 cửa (mỗi cửa rộng 10m), trên cống là cầu giao thông. Công trình được thi công với tổng kinh phí 100 tỷ đồng, dự kiến tháng 9-2014 hoàn thành và đưa vào sử dụng. |