* Ông đánh giá như thế nào về chất lượng
cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), việc bố trí công việc sau đào tạo, bồi dưỡng,
tập huấn?
- Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn
quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh, xem đây là nhiệm
vụ quan trọng và thường xuyên. Tỉnh đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
CBCC lãnh đạo từ phó trưởng phòng trở lên và đội ngũ CBCC cấp xã, nhằm từng bước
tiêu chuẩn hóa ngạch, chức vụ, chức danh theo quy định. Trong đó, phải kể đến 2
đề án quan trọng là: Đề án đào tạo, bồi dưỡng CBCC trong hệ thống chính trị
giai đoạn 2010-2015 và Đề án đào tạo 50 cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài có
trình độ sau đại học của tỉnh.
6 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi
dưỡng CBCC trong hệ thống chính trị của tỉnh, các mục tiêu quan trọng của đề án
đã cơ bản đạt. Chất lượng CBCCVC được nâng lên rõ rệt, trình độ chuyên môn cơ bản
đạt yêu cầu theo quy định. Đối với CBCC cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung
cấp trở lên đạt 80,1% (tăng 58,9% so với năm 2010), gồm: cán bộ có trình độ đại
học đạt 41,05% (tăng 35,75%), công chức có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở
lên đạt 98,4% (tăng 30,1%). CBCCVC từ phó trưởng phòng cấp huyện trở lên có trình
độ sau đại học đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó cấp tỉnh đạt 23,39% (năm
2010 là 3,86%), cấp huyện, thành phố đạt 7,27% (năm 2010 là 2,56%); viên chức lãnh
đạo sự nghiệp giáo dục cấp tỉnh đạt 17,9%; sự nghiệp y tế đạt 51,59% (mục tiêu
10%); riêng CBCC lãnh đạo từ phó trưởng phòng trở lên của khối Đảng cấp tỉnh có
trình độ sau đại học đạt tỷ lệ khá cao, trên 20% (năm 2010 là 16,44%).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi trao bằng tốt nghiệp cho học viên. Ảnh:T. Long
Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng từng
bước được đổi mới, thiết thực theo vị trí việc làm và theo chuẩn chức vụ, chức
danh của từng CBCCVC. Ngoài ra, Sở Nội vụ còn chú trọng đào tạo về lý luận chính
trị; bồi dưỡng các kiến thức về quản lý nhà nước, văn hóa công sở, đạo đức công
vụ; kỹ năng lãnh đạo, quản lý; tin học, ngoại ngữ, an ninh - quốc phòng; hội nhập
quốc tế; các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn… Đa số CBCCVC sau khi được
đào tạo có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và chuyên môn nghiệp vụ, có bản
lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, vận dụng tốt đường lối, chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn; khả năng lãnh đạo, quản lý và
tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn; sâu sát với công việc và gần gũi nhân dân;
biết áp dụng các kiến thức đã học vào thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm
vụ; đồng thời, góp phần chuẩn hóa đội ngũ CBCC cấp xã theo yêu cầu xây dựng nông
thôn mới.
Riêng Đề án Bến Tre 50, cho đến nay toàn tỉnh
đã đưa đi học ở nước ngoài 31 ứng viên, gồm 8 tiến sĩ và 23 thạc sĩ. Đã tốt
nghiệp 17 người, trong đó, 14 người đã được bố trí việc làm, còn 3 người đang xúc
tiến các thủ tục tiếp nhận. Ngoài ra, còn có 6 ứng viên đang được cử đi bồi dưỡng
ngoại ngữ, chuẩn bị điều kiện để ra nước ngoài học tập. Các ứng viên sau khi tốt
nghiệp trở về địa phương, được bố trí công tác tại các sở, ngành tỉnh, đều phát
huy tốt năng lực, sở trường của mình, có nhiều tiến bộ trong công tác, được tổ
chức tín nhiệm, đề bạt giữ chức vụ cao hơn.
* Ông có thể chia sẻ điểm nhấn xuyên
suốt trong hoạt động của Sở giai đoạn 2015-2020?
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra
phương châm hành động gồm 10 chữ, đó là “Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động,
đổi mới”. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Nội vụ đã xây dựng chương
trình nhằm cụ thể hóa phương châm hành động của Đại hội để triển khai thực hiện
trong công tác chuyên môn của ngành, với tinh thần phát huy trí tuệ tập thể, giữ
vững kỷ cương, giữ gìn sự đoàn kết, làm cho tinh thần “Đồng khởi mới” được lan
tỏa trong nhận thức và hành động của từng CCVC, nhân viên ngành Nội vụ. Qua đó,
Sở Nội vụ đã thống nhất chọn “Kỷ cương và đổi mới” là hai điểm nhấn trong hoạt động
của cơ quan giai đoạn 2015-2020.
* Riêng năm 2016, những nhiệm vụ nào được
ngành tập trung thực hiện, thưa ông?
- Năm 2016 có nhiều sự kiện lớn, đặc biệt là
công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, năm đầu thực hiện
Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền
địa phương. Ngành phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện thắng lợi các
nhiệm vụ đề ra với những công việc trọng tâm như: tham mưu cho lãnh đạo tỉnh và
hướng dẫn cho các huyện trong triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa
phương, phối hợp tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp
nhiệm kỳ 2016-2021.
Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ
quan chuyên môn gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế. Tổ chức thi tuyển công
chức các cấp và thi nâng ngạch công chức theo hướng cạnh tranh, bảo đảm công
khai, minh bạch. Tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, tập trung siết chặt
kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ. Triển khai tốt việc giao biên chế năm
2016 và xây dựng kế hoạch biên chế năm 2017.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước
về công tác hội và các tổ chức phi chính phủ, triển khai thực hiện Đề án củng cố,
kiện toàn các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh. Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa
hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”,
Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển
nông thôn và thực hiện chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn
thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành
chính năm 2016 và giai đoạn 2016-2020.
* Xin cảm ơn ông!