|
Chợ Thom hiện đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: P.V |
Chợ Thom (xã An Thạnh - Mỏ Cày Nam) hiện đã xuống cấp trầm trọng, UBND xã An Thạnh đã làm thủ tục xin phép xây dựng mới chợ. Trong quá trình vận động xây dựng, có một số tiểu thương không đồng ý và khiếu nại, sau đó thì xin gia hạn việc thi công lại trong thời gian 3 năm (đến năm 2014). Đến nay, việc xây mới chợ hay tạm hoãn vẫn chưa ngã ngũ.
Ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Đảng ủy xã An Thạnh cho biết, các ngành, đoàn thể xã đã nhiều lần vận động nhưng vẫn còn một số hộ dân yêu cầu ba năm sau hãy xây mới chợ. Xã đã quyết định đến đầu tháng 4-2012 sẽ tiến hành thi công. Chợ Thom được xây dựng từ năm 1970 trên diện tích khoảng 2.000m2. Trong quá trình sử dụng, các hộ tiểu thương có sửa chữa (làm sạch, chống mưa dột). Tuy nhiên, chợ này xuống cấp nặng. Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã An Thạnh (nhiệm kỳ 2010-2015), Nghị quyết Đảng ủy xã năm 2010, phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 (trong đó có nội dung xây dựng mới chợ Thom), UBND xã đã lập tờ trình xin UBND huyện về chủ trương cho phép UBND xã liên hệ chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Kiều Nga đầu tư kinh phí xây dựng mới chợ Thom và được chấp thuận. Ngày 5-7-2011, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 1479, về việc thu hồi và cho DNTN Kiều Nga thuê đất để xây dựng chợ Thom.
Trong thời gian UBND xã An Thạnh tiến hành xin chủ trương về xây mới chợ Thom, một số hộ tiểu thương buôn bán tại chợ đã không đồng tình, yêu cầu được tiếp tục bán; đồng thời, cũng có một số người xin gia hạn với thời gian là tới năm 2014 mới thi công. Một số người không đồng ý với giá xây dựng quầy hàng, phương án thu tiền quầy do chủ doanh nghiệp (DN) đưa ra. Sau đó, khi được ngành chức năng huyện, các đoàn thể xã vận động nhiều lần, các hộ tiểu thương đã đồng ý với chủ trương xây dựng mới chợ, nhưng vẫn còn một số hộ xin được gia hạn thời gian và một số hộ không đồng ý với giá xây dựng quầy hàng, dẫn đến khiếu nại kéo dài.
Theo “Phương án đầu tư xây dựng kinh doanh quản lý chợ Thom” (do chủ doanh nghiệp lập ngày 15-6-2011): công trình chợ Thom nằm trên diện tích đất chợ cũ khoảng 2.300m2 do DN thuê đất của Nhà nước; thời gian xây dựng là 180 ngày, tính từ thời điểm Nhà nước giao đất cho DN; tổng đầu tư 7,2 tỷ đồng (theo dự toán); DN đầu tư xây dựng và cho thuê quầy, sạp, ki-ốt; thời gian cho thuê 30 năm theo dự án thuê đất của Nhà nước; thu tiền thuê điểm kinh doanh của hộ tiểu thương; thu phí quản lý chợ (mức thu phí do UBND tỉnh quyết định tùy theo thời điểm) và thu các khoản phí theo quy định (vệ sinh, giữ xe…) và các khoản thu khác; các nguồn thu từ chợ được hạch toán vào nguồn thu - chi của DN; quy mô xây dựng gồm các hạng mục (theo thiết kế)... Theo phương án này, chủ DN sẽ xây dựng khu nhà lồng phục vụ công nghệ phẩm, tạp hóa có 63 quầy, mỗi quầy có diện tích 2,5m x 4m = 10m2 x 7 triệu đồng/m2 = 70 triệu đồng/quầy; nhà lồng kinh doanh rau củ có 54 sạp, diện tích 2m x 2m = 4m2/sạp x 3 triệu đồng/m2 = 12 triệu đồng/sạp; nhà lồng thực phẩm thịt, cá, gia súc, trong đó diện tích mỗi sạp thịt là 2m x 2m = 4m2 (giá 18 triệu đồng/sạp), sạp cá, gia súc 2,5 triệu đồng/m2 (diện tích tùy theo nhu cầu đăng ký). Cũng theo phương án này, khi tiến hành thi công chủ DN sẽ thu trước 50% tiền thuê mặt bằng kinh doanh của hộ tiểu thương; khi công trình hoàn thành, DN sẽ thu hết số tiền còn lại (50%) và ký hợp đồng thuê với tiểu thương để đưa chợ đi vào hoạt động chính thức. Đồng thời, DN sẽ thu phí quản lý chợ (theo mức thu của UBND tỉnh); DN sẽ thành lập BQL chợ để thực hiện việc quản lý, kinh doanh…
Sau đó, ngày 28-11-2011, chủ DN đã có thông báo về việc đăng ký quầy, sạp tại chợ Thom. Trong đó, giá xây dựng quầy, sạp (vẫn như cũ), phương thức thanh toán tiền thuê quầy, sạp được chia thành 3 lần (đợt 1, thanh toán 30% giá trị khi công trình bắt đầu khởi công; đợt 2 thanh toán 40%; đợt 3 thanh toán 30% khi công trình hoàn thành).
Khi hỏi về những thắc mắc, khiếu nại của người dân về giá xây dựng quầy, sạp (để cho thuê) và phương thức mà doanh nghiệp đưa ra để các hộ thuê quầy, sạp thanh toán, ông Nguyễn Văn Thành cho biết: “Đảng ủy xã sẽ bàn bạc, xem xét lại về giá xây dựng và phương thức thanh toán, theo hướng có lợi cho người dân địa phương”.
Chợ Thom đã xuống cấp trầm trọng, cần được xây dựng mới để phục vụ nhu cầu mua bán, kinh doanh, phát triển kinh tế địa phương và hướng tới xây dựng xã nông thôn mới An Thạnh. Tuy nhiên, trước những yêu cầu, bức xúc của người dân, thiết nghĩ, ngành chức năng cần quan tâm, xem xét, giải quyết cho thấu đáo hợp tình, hợp lý.