Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe trình bày tờ trình tóm tắt các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; đồng thời xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 5 đề nghị, dự án luật, gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu;
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) và Đề nghị xây dựng Luật Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Các thành viên Chính phủ thảo luận sôi nổi về những bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển; những nội dung cần sửa đổi, bổ sung ngay trong một số luật trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư và tài chính, qua đó khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ cũng thảo luận về đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong xây dựng pháp luật, đơn giản hóa cách làm, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật; đồng thời thảo luận các nội dung nhằm xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, nhất là việc hình thành và cơ chế chính sách cho các tổ hợp báo chí…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cho ý kiến về hồ sơ, trình tự, thủ tục, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng Luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp cho ý kiến vào từng nội dung cụ thể của từng dự án luật, đề nghị xây dựng luật; giao Bộ, cơ quan chủ trì tiếp tục tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự án luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ và trình dự án luật theo đúng quy định.
Đối với Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các nội dung sửa đổi, bổ sung luật cần được thuyết minh, giải trình đầy đủ, rõ ràng, có số liệu, lập luận để bảo đảm tính thuyết phục với cơ quan có thẩm quyền.
Trong đó, nội dung Luật phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xóa bỏ cơ chế xin – cho, tránh tạo môi trường cho tiêu cực; đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác; huy động năng lực quản lý và nguồn lực của các thành phần kinh tế trong thực hiện dự án đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân hiệu quả kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; theo nguyên tắc những luật ban hành trước phải thực hiện theo luật ban hành sau và phải áp dụng theo luật chuyên ngành.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, bảo đảm đồng bộ thống nhất với các luật có liên quan.
Trong đó, sửa đổi một số nội dung Luật Chứng khoán để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thị trường giao dịch thuận lợi, cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả hơn; sửa đổi một số nội dung Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập phải làm rõ các nguyên tắc áp dụng chuẩn mực kế toán, bổ sung công khai Báo cáo tài chính, bảo đảm công khai thông tin theo quy định của luật có liên quan, bảo đảm tính răn đe, hiệu quả, khả thi, tránh tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ; sửa đổi một số nội dung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cần làm rõ các chính sách quản lý, sử dụng tài sản công đối với lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; đồng thời, tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát khi thực hiện phân cấp cho các cơ quan, tổ chức…
Với Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc xây dựng Luật phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí; khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn; thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng chuyển đổi số báo chí, song không làm mất đi vai trò của báo chí Cách mạng; hoàn thiện các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng…
Yêu cầu một số nội dung cụ thể trong xây dựng các chính sách để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng…, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Luật Báo chí (sửa đổi) cần quy định rõ xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, tổ hợp báo chí phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc; cơ chế chính sách để cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh được Đảng, Nhà nước giao; tăng tiềm lực, thu nhập cho các cơ quan báo chí và người hoạt động báo chí…
Về Đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Thủ tướng chỉ đạo hoàn thiện các chính sách về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bổ sung một số nguyên tắc về kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thu hẹp và xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời phản ứng chính sách.
Thủ tướng lưu ý xác định rõ vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện một số quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; bảo đảm nguồn lực, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các nội dung; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, sâu sắc, có chất lượng của các thành viên Chính phủ tham dự Phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ chủ trì tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến hợp lý của các thành viên Chính phủ và các đại biểu, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật theo quy định; giao các Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện 5 nội dung quan trọng nêu trên.
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 tới của Quốc hội, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật; trình Quốc hội cho ý kiến 10 dự án luật; yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội theo kế hoạch và quy định, theo chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Trong đó, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn, Nhân dân và các đối tượng mà luật tác động.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật phải đảm bảo thể chế hóa, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ, nhưng phải kiến tạo để phát triển; tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra, một cách thuyết phục với sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước; xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời các diễn biến nhanh chóng và yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
“Việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát và lấy thực tiễn làm thước đo; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp và phát huy sự đóng góp của các chủ thể này vào quá trình xây dựng pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý, luật không quy định dài dòng, cứng nhắc; tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để; huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả; thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm các khâu trung gian; cùng với đó, kiểm soát quyền lực, không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật.
Với quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng chỉ rõ thiết kế pháp luật nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội”, phát huy các mô hình “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”, “lãnh đạo công, quản trị tư”.
Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo Thủ tướng, việc xây dựng các luật phải kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành, trên tinh thần “cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; quản lý được nhưng phải thông thoáng và rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”.
Các luật thể hiện được nguyên tắc, các cơ quan Nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước: xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật…; một việc chỉ giao một người, cơ quan, tổ chức cụ thể thực hiện; ai, cơ quan, tổ chức nào làm tốt thì giao cho người, tổ chức đó.
Cùng với tập trung xây dựng các luật, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Trong đó, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện phải được ban hành để có hiệu lực đồng thời với luật, pháp lệnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Nhấn mạnh, “Không để xảy ra khoảng trống pháp lý, vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết”, Thủ tướng chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.
Nguồn: TTXVN