Xây dựng thành công 9 chỉ dẫn địa lý cho nông sản chủ lực

14/06/2024 - 05:21

BDK - Bến Tre là một cù lao lớn ở cửa sông Mekong. Tỉnh được hình thành do quá trình bồi tụ phù sa của 4 nhánh sông như: sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên. Địa lý Bến Tre với những đặc thù riêng, được thiên nhiên ban tặng những lợi thế, góp phần hình thành nên những đặc sản có danh tiếng. Đến nay, toàn tỉnh có 9 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Bến Tre” là: dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, xoài tứ quý, gạo Nàng keo, cua biển, tôm càng xanh và nghêu. Bến Tre trở thành địa phương dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thuộc tốp đầu cả nước về số lượng CDĐL được xây dựng thành công.

Khai thác nghêu tại Hợp tác xã Thủy sản An Thủy, huyện Ba Tri.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ tạo lập, xây dựng và phát triển “thương hiệu” cho nông sản thông qua các công cụ sở hữu trí tuệ là CDĐL. Năm 2018, tỉnh có 2 sản phẩm đầu tiên được cấp chứng nhận CDĐL là dừa xiêm xanh và bưởi da xanh. Các sản phẩm được mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là 2 sản phẩm được tỉnh đặc biệt quan tâm mời gọi doanh nghiệp (DN) đăng ký xây dựng mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc…

Sau thành công của 2 sản phẩm trên, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn và địa phương tạo lập, quản lý và phát triển CDĐL cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Sầu riêng là sản phẩm thứ 3 của tỉnh được cấp CDĐL “Bến Tre”, vào năm 2020. Một trong những sản vật tiêu biểu nhất của Chợ Lách là sầu riêng (nổi tiếng sầu riêng Cái Mơn). Mặc dù diện tích trồng không lớn, khoảng hơn 2.200ha, nhưng sầu riêng Bến Tre nổi tiếng thơm ngon, được nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng. Sản phẩm sầu riêng mang CDĐL gồm: Monthong và Ri6. Hai giống này đóng vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 90% về diện tích, sản lượng sầu riêng toàn tỉnh.

So với sầu riêng các vùng khác, danh tiếng chất lượng của quả sầu riêng Bến Tre luôn được đánh giá cao tại các cuộc thi về trái cây do Viện Cây ăn quả miền Nam và huyện Chợ Lách tổ chức. Để tạo vùng nguyên liệu sầu riêng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bến Tre đã xây dựng vùng sản xuất sầu riêng, với tổng diện tích liên kết gần 209ha, có 10 mã số vùng trồng với diện tích 264ha.

Sau trái sầu riêng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương xây dựng, tạo lập và đăng ký CDĐL “Bến Tre” cho tôm càng xanh và cua biển. Cua biển được cấp CDĐL vào năm 2021. So với các loại hình kinh tế khác, hơn 10 năm nay, con cua được xem là hiệu quả do đặc tính dễ nuôi, thích nghi thổ nhưỡng, khí hậu. Đồng thời, cua có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu ổn định, bền vững. Những năm gần đây, diện tích nuôi cua biển toàn tỉnh khoảng 18,3 ngàn héc-ta, sản lượng ước đạt trên 1,5 ngàn tấn/năm. Nổi bật là huyện Thạnh Phú chiếm 77% về diện tích nuôi cua toàn tỉnh, với 14 ngàn héc-ta. Giống cua biển gồm cua bùn và cua xanh. Toàn bộ diện tích “Cua biển Bến Tre” được nuôi theo phương thức quảng canh. Tại huyện Thạnh Phú, cua biển có thể được nuôi xen với tôm hoặc cá trong ruộng lúa, rừng ngập mặn, hoặc trong các ao/đầm, không có hộ sản xuất nào nuôi chuyên canh cua biển. Trong đó, nuôi cua biển trong vuông tôm là cách làm truyền thống đã có từ nhiều năm qua và cho thêm thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/ha/năm.

Tôm càng xanh Bến Tre được chứng nhận CDĐL “Bến Tre” vào tháng 4-2021, trở thành 1 trong 5 sản phẩm đầu tiên của tỉnh được cấp CDĐL của tỉnh được bảo hộ. Hình ảnh, danh tiếng tôm càng xanh không những lan rộng trong cộng đồng khu vực tỉnh hay ĐBSCL mà còn được các tổ chức quốc tế biết đến và đánh giá cao về chất lượng.

Theo một cuộc khảo sát của FAO được tiến hành năm 2009, tôm càng xanh Bến Tre là một trong những đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam. Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL “Bến Tre” dùng cho sản phẩm tôm càng xanh” là một trong các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng tâm, nhằm triển khai kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh đến năm 2025. CDĐL tôm càng xanh Bến Tre sẽ tạo đà hỗ trợ cộng đồng sản xuất tôm càng xanh vượt qua tình hình khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Từ đó, tiến tới phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa ngành sản xuất tôm càng xanh của tỉnh.

Xoài tứ quý được cấp CDĐL Bến Tre vào năm 2022. Để quản lý và khai thác hiệu quả CDĐL, Bến Tre đã xây dựng các mối liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp; xây dựng mã số vùng trồng xoài xuất khẩu; hỗ trợ tư vấn chứng nhận VietGAP cho nông dân tại 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú). Đến nay, đã xây dựng thành công quy trình chế biến và bảo quản 3 sản phẩm từ xoài tứ quý là xoài sấy dẻo, nước uống xoài và bột xoài. Đồng thời, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất và ứng dụng hiệu quả mô hình thiết bị chế biến và bảo quản, phát triển các sản phẩm từ xoài tứ quý cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.

Chôm chôm Java là loại nông sản đặc trưng thứ 7 của Bến Tre được cấp CDĐL Bến Tre, năm 2023. Cây chôm chôm được trồng tại Bến Tre từ lâu. Từ năm 1987, tỉnh phát triển mạnh diện tích trồng cây chôm chôm, với giống chủ lực là giống Java. Khu vực địa lý tương ứng với CDĐL chôm chôm Bến Tre, gồm: huyện Chợ Lách và huyện Châu Thành thuộc tỉnh Bến Tre. Chôm chôm Bến Tre mỏng thịt hơn so với chôm chôm trồng trên các loại đất khác, vị ngọt đậm và mặn nhẹ.

Cấp chỉ dẫn địa lý thêm 2 sản phẩm

Hai sản phẩm vừa mới được cấp CDĐL trong năm 2024 là “Gạo Nàng keo Thạnh Phú” và con nghêu. Gạo Nàng keo Thạnh Phú trong mô hình tôm - lúa được chứng nhận CDĐL “Gạo Thạnh Phú” vào tháng 2-2024.

Diện tích trồng lúa của huyện Thạnh Phú theo mô hình tôm - lúa, hiện có hơn 5 ngàn héc-ta tập trung ở các xã: Bình Thạnh, An Thuận, An Qui, An Nhơn, An Điền, An Thạnh, Mỹ An, Giao Thạnh và Thạnh Phong. Giống lúa Nàng keo là giống lúa mùa cổ truyền được người dân trồng và gìn giữ từ hàng trăm năm. Do có tính chịu mặn cao, lúa Nàng keo rất thích hợp với mô hình lúa tôm ở các vùng đất ven biển nơi đất bị ngập nước khi thủy triều lên hoặc bị xâm ngập mặn và mô hình canh tác lúa tôm đang trở thành phương thức canh tác thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu. Người trồng lúa Nàng keo không sử dụng phân bón hóa học, chủ yếu dùng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng, chế phẩm sinh học và các loại phân ủ từ các sản phẩm tự nhiên (tép ủ...).

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp CDĐL cho sản phẩm nghêu “Bến Tre”. Có 3 sản phẩm từ con nghêu được Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đăng ký bảo hộ DCĐL, gồm: nghêu tươi (nghêu sống), nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh, thịt nghêu hấp chín đông lạnh. Không chỉ ở trong nước, “Nghêu Bến Tre” còn là sản phẩm thủy sản đầu tiên ở Đông Nam Á đạt chứng nhận MSC. Chứng nhận MSC đã giúp nghêu Bến Tre mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... Hiện nay, nhiều DN của Việt Nam đã và đang mong muốn sử dụng chứng chỉ MSC của “Nghêu Bến Tre” để xuất khẩu nghêu sang thị trường cao cấp.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân, bên cạnh 9 sản phẩm đã được chứng nhận, Bến Tre tiếp tục triển khai đăng ký xác lập quyền bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm dừa công nghiệp, tôm thẻ, bò và gà; bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận mang CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, sầu riêng tại Canada và Trung Quốc. Như vậy, đến nay, Bến Tre đã và đang xây dựng 13 CDĐL, là tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thuộc top đầu cả nước. Điều này đã tạo nên điểm khởi đầu mới cho vùng đất cù lao trên cuộc hành trình dài sắp tới, với kỳ vọng tạo đột phá mới cho kinh tế nông nghiệp.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN