Theo đó, để tạo môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng thí điểm 3 mô hình trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp tại 3 khu vực, tạo không gian dùng chung cho HSSV các cơ sở giáo dục, đào tạo. Nội dung thí điểm tập trung vào 2 vấn đề:
Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, theo hướng lồng ghép nội dung, thời lượng các môn học khởi nghiệp, các kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa một cách phù hợp. Đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc đủ năng lực vận hành các dự án khởi nghiệp.
Xây dựng chương trình hỗ trợ khởi nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm tại doanh nghiệp, xây dựng dự án khởi nghiệp theo yêu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp nhằm tạo môi trường, tạo động lực, thúc đẩy tinh thần, khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, khuyến khích giảng viên tham gia hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Đồng thời, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ không gian làm việc cho các nhóm HSSV đã có ý tưởng, dự án khởi nghiệp để vận hành các mô hình kinh doanh, sản xuất thử các sản phẩm mẫu.
Kế hoạch cũng nêu rõ, tổ chức Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 2 – năm 2019, thời gian bắt đầu từ tháng 3/2019, Vòng chung kết sẽ diễn ra tại Hà Nội, trong sự kiện Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2019.
Cùng với đó, tổ chức Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ 2 – năm 2019, tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thời gian dự kiến trong tháng 9-2019.
Ngoài ra, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về công tác truyền thông; công tác hỗ trợ đào tạo; hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp…
Nguồn: chinhphu.vn