Xây dựng thương hiệu cho trái cây đặc sản

06/07/2016 - 07:07

Sầu riêng Cái Mơn tham gia Hội thi Cây trái ngon an toàn.

Nói đến trái cây ở Bến Tre thì mọi người hầu như nhớ đến “vương quốc trái cây” Chợ Lách; nói đến trái cây ở Chợ Lách thì ai cũng nhớ đến sầu riêng. Sầu riêng được trồng nhiều ở Cái Mơn (tên này là tên chợ Cái Mơn), xã Vĩnh Thành - sầu riêng đã được trồng ở đây hơn 100 năm. 

Ông Phạm Hoàng Hiệp - Bí thư Huyện ủy Chợ Lách cho biết: Cho đến nay, trái cây phù hợp rõ rệt ở từng vùng, bởi sau thời gian dài trồng cây, nhà vườn đã rút ra kinh nghiệm. Vùng đất Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Tân Thiềng, Long Thới, Hưng Khánh Trung B thích hợp cho sầu riêng, măng cụt; vùng đất Hòa Nghĩa, Sơn Định, Vĩnh Bình, Phú Phụng thích hợp cho chôm chôm… Tuy có thương hiệu như thế, nhưng để bảo đảm hơn, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các loại trái cây: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm…

Đối với sầu riêng, Sở KH&CN đang thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cái Mơn” cho trái sầu riêng của huyện Chợ Lách để xây dựng thương hiệu tập thể đối với loại trái cây này. Ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở KH&CN cho biết, sở đang phối hợp với Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) thực hiện dự án này, thời gian từ tháng 11-2015 đến 11-2018.

“Để thực hiện dự án này, chúng tôi phải tiến hành rất nhiều khâu: điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu về sầu riêng Cái Mơn và vùng trồng sầu riêng Cái Mơn (điều tra về tình hình trồng, chăm sóc, thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh); lấy mẫu sầu riêng để phân tích, cùng với lấy mẫu sầu riêng ở ngoài tỉnh để so sánh chất lượng với sầu riêng Cái Mơn; xác định đặc thù, tính chất, chất lượng sầu riêng Cái Mơn; tổ chức, tập thể tham gia quản lý chỉ dẫn địa lý “Cái Mơn” cho sầu riêng của huyện Chợ Lách… Đối với các loại trái cây khác trong tỉnh, để xây dựng thương hiệu tập thể cũng phải qua nhiều khâu như thế” - ông Khê cho biết thêm.

Thế nhưng để xây dựng thành công thương hiệu tập thể, trước hết phải có cá thể thành công trong thương hiệu. Ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách đã có người trồng và xây dựng thương hiệu thành công cho trái sầu riêng như Nguyễn Văn Hóa (Chín Hóa) ở ấp Bình Tây. Sầu riêng của ông được Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam (nay là Cục Sở hữu trí tuệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu “Sầu riêng Chín Hóa”. Từ tháng 3-2004 đến nay, giống “Sầu riêng Chín Hóa” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận “Cây giống quốc gia”. “Sầu riêng Chín Hóa” có đặc điểm cơm vàng, hạt lép. Hiện nay, vườn sầu riêng của ông có diện tích 2ha, với 134 cây đang cho trái, sản lượng 12 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Chín ở ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B cũng là một trong những người trồng sầu riêng nhiều ở huyện Chợ Lách với diện tích 1ha. Ông đang cố gắng xây dựng thương hiệu riêng cho giống sầu riêng của mình. Ông Chín nói: “Vườn sầu riêng của tôi có 226 cây, trong đó có 118 cây được 17 năm đang cho trái. Hiện tôi đang chăm sóc chúng theo quy trình kỹ thuật được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn để sớm có thương hiệu như sầu riêng của ông Chín Hóa ở Vĩnh Thành”.

Theo bà Phan Thị Thu Sương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn trái cây có thương hiệu, trước hết người nông dân trồng cây ăn trái phải biết “đất nào thì cây ấy”; trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP, trồng với quy mô lớn, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ trái cây. Về “đất nào thì cây ấy”, ví dụ thổ nhưỡng ở xã Phú Phụng chỉ thích hợp cho cây chôm chôm, không thích hợp cho cây sầu riêng nên đừng thấy trái cây đó giá cao mà cố trồng. Nhiều người nhận định chất lượng sầu riêng, chôm chôm ở tỉnh khác không bằng sầu riêng, chôm chôm ở Chợ Lách là như thế. Trái cây của nhà vườn muốn có thương hiệu thì người chủ phải mạnh dạn đem trái cây của mình đi dự thi cây trái ngon cấp khu vực hoặc toàn quốc; khi nhiều năm đạt giải cao thì đương nhiên trái cây của họ có thương hiệu. Qua đó cũng góp phần vào việc xây thương hiệu tập thể cho trái cây huyện nhà hoặc tỉnh.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, thương hiệu là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hoặc được cung cấp bởi một cá nhân hay một tập thể.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích