Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị xoài tứ quý

14/06/2017 - 06:58

Bà Nguyễn Thị Nhanh với biệt danh là “Vua xoài tứ quý”.

Thạnh Phú là huyện tiên phong của tỉnh phát triển sản phẩm xoài tứ quý, trồng tập trung tại hai xã ven biển Thạnh Phong và Thạnh Hải. Cùng với lúa, xoài là sản phẩm chủ lực thứ 2 (trong tổng số 6 sản phẩm chủ lực) của huyện đã được hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp khá rõ ràng.

Thu nhập ổn định

Ở hai xã biển Thạnh Phong và Thạnh Hải, câu chuyện về trái xoài tứ quý trở thành vấn đề thời sự của người dân. Phần lớn người dân đã chọn cây xoài tứ quý cho vùng đất giồng cát. Ông Trần Văn Nhu ở ấp Thạnh An, xã Thạnh Phong chiêm nghiệm: Xoài là cây thoát nghèo. Cách đây mười năm, nói đến cây xoài ai cũng cười, bảo nhau: “Đất trồng dưa hấu, ai đi trồng xoài”. Bây giờ, diện tích đất trồng cây xoài đang lấn dưa hấu. Một mùa dưa lời nhiều lắm cũng từ 5 - 6 triệu đồng, có vụ thu hoạch giá cả bấp bênh lại mắc nợ. Nhưng cây xoài lại cho thu nhập cao và ổn định hơn so với các chủng loại cây trồng: dưa hấu, đậu phộng, sắn, khoai lang…

Ông Đặng Văn Măng ở ấp Đại Thôn, xã Giao Thạnh (giáp xã Thạnh Phong) nhận định: “Cây xoài trồng trên vùng đất tốt khoảng 18 tháng cho trái. Nhà tôi có 5.000m2 trồng xoài tứ quý cho trái quanh năm, thu hoạch 5 - 6 tấn/năm. Chi phí chăm sóc cây trồng không cao nên được nhiều lợi nhuận. Nhiều hộ dân ở hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải cùng nhận định, cây xoài tứ quý tạo thu nhập chính trên đất giồng cát. Cây xoài cho trái thu hoạch, năng suất đạt 7 tấn/ha, giá ổn định hơn 10.000 đồng/kg, cao điểm trên 20 ngàn đồng/kg. Không ít hộ dân điều kiện kinh tế khấm khá, cuộc sống cải thiện, thoát nghèo một phần nhờ gắn bó với cây xoài tứ quý.

Xây dựng nhãn hiệu cho xoài

Qua thực tế cho thấy, xoài là cây cho hiệu quả kinh tế cao lại thích nghi với vùng đất giồng cát. Cây trồng có khả năng chịu hạn từ 3 - 4 tháng. Đề cập đến “vua” xoài tứ quý, ai cũng khẳng định đó là vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhanh và ông Bùi Văn Truông ở xã Thạnh Phong. Cách nay 17 năm, nghe đài, biết cây xoài có thể trồng trên đất giồng cát, vợ chồng bà Nhanh mua 250 cây giống về trồng trên diện tích hơn 6 công đất. Bà Nhanh nhớ lại: “Thích nghi tốt với đất nên cây trồng chỉ mới 1 năm rưỡi là cho trái. Rồi có một người phụ nữ đến mua xoài trái (bằng ghe) giá từ 14 - 15 ngàn đồng/kg. Thấy vậy, vợ chồng tôi phát triển dần diện tích và đến nay có 3ha đất trồng xoài. Các hộ dân ở đây cho rằng, chính vợ chồng bà Nhanh là người tiên phong trồng xoài trên đất giồng cát và có diện tích trồng nhiều nhất xã. Từ hiệu quả kinh tế cũng như tính thích ứng của cây trồng, mô hình trồng xoài trên đất giồng cát ngày càng được nhân rộng. Hiện cây xoài đã chiếm 50% diện tích đất nông nghiệp của Thạnh Phong.

Cuối năm 2016, UBND huyện Thạnh Phú phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh hỗ trợ nông dân xã Thạnh Phong thành lập HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong, với trên 80 hộ thành viên tham gia ban đầu. Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết, thời gian qua, sản phẩm của HTX được doanh nghiệp chào hàng trong và ngoài nước. Kết quả được thị trường đánh giá cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn. HTX có kế hoạch nâng vốn điều lệ, liên kết với doanh nghiệp đầu vào để giảm chi phí đầu tư cũng như chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cho nông dân. “Các thành viên quản lý HTX đều có tâm huyết. Vấn đề hiện nay là cần được sự tiếp tục dìu dắt, hỗ trợ của Nhà nước, nhất là việc liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm” - ông Bình nhấn mạnh.

Ông Trương Thanh Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú cho biết, huyện đã hình thành và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm xoài tứ quý. Từ nay đến cuối năm 2017, huyện sẽ mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho xoài Thạnh Phú. Bên cạnh đó, vùng đất trồng xoài Thạnh Phú có tiềm năng gắn với phát triển du lịch sinh thái homestay. Trái xoài là một trong 6 đặc sản của địa phương hấp dẫn khách du lịch thập phương.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN