Xuất khẩu hàng nông sản đang gặp khó

07/02/2020 - 07:17

BDK - Chịu ảnh hưởng chung từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút Corona chủng mới (nCov) gây ra đang diễn biến phức tạp, tình hình tiêu thụ, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nông sản đang rơi vào tình trạng rất khó khăn.

Hoạt động sơ chế dừa trái xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây MeKong.

Hoạt động sơ chế dừa trái xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây MeKong.

Tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Nông sản từ các tỉnh khác bị ùn ứ không xuất khẩu qua Trung Quốc được nên tràn đến địa bàn tỉnh. Nông sản tại địa phương giảm giá mạnh, có nơi thương lái không thu mua trong khi đã tới ngày thu hoạch. Nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề đang đặt ra là cần có những giải pháp, động thái cấp bách hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.

Thông tin từ Sở Công Thương, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang Trung Quốc chiếm trên 20%, trong đó mặt hàng nông sản của tỉnh xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc chiếm khá lớn. Trước tình hình dịch bệnh, các cửa khẩu biên giới, đường mòn, lối mở giữa Trung Quốc và Việt Nam đều đã đóng cửa khiến hoạt động xuất khẩu hoàn toàn ngưng trệ, ùn ứ.

Thông tin giá cả nông sản cập nhật ngày 6-2-2020, giá chôm chôm Java hiện còn từ 5 - 7 ngàn đồng/kg. Có nơi do ảnh hưởng hạn mặn, chất lượng trái giảm, giá chôm chôm chỉ 3 ngàn đồng/kg nhưng thương lái không đến vườn thu mua. Sầu riêng (nghịch vụ) dao động từ 30 - 37 ngàn đồng/kg. Được biết, thời điểm này năm trước, giá sầu riêng ở mức cao từ 70 - 100 ngàn đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Hòa, xã Tân Phú, huyện Châu Thành cho biết, vườn sầu riêng nghịch vụ của anh đang vào đợt thu hoạch rộ nhưng lo lắng là trước tình hình này, các thương lái sẽ còn “cầu cưa” để tiếp tục hạ giá.

Bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách cho biết, công ty đã ngưng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện công ty giảm thu mua trái cây, trong đó có sầu riêng, nhãn, chôm chôm… của Bến Tre. “Riêng về sầu riêng, công ty chủ yếu thu mua về để trữ cấp đông, hiện bình quân 20 - 30 tấn/ngày” - bà Ngô Tường Vy cho biết thêm.

Giá nhãn tại huyện Bình Đại cũng đang sụt giảm. Nhãn tiêu huế còn từ 7 - 8 ngàn đồng/kg, nhãn Idor 27 ngàn đồng/kg. “Giá nhãn sụt đáng kể so với năm ngoái nhưng công ty thu mua xuất khẩu cũng đã ngừng thu vài ngày nay, chúng tôi chủ yếu bán cho các chợ đầu mối lớn”, “vua nhãn” Nguyễn Hữu Thanh, tại huyện Bình Đại bộc bạch.

Ông Đàm Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây (Mỏ Cày Bắc) cho biết, tình hình dịch bệnh có ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ và xuất khẩu. Bình thường, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc của công ty chiếm khoảng 10%. Theo ông Hưng, ảnh hưởng này không lớn lắm vì công ty sẽ tập trung mở rộng thị trường nội địa. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tình hình tất cả các loại nông sản, đặc biệt là các chủng loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc đều bị động. Như vậy, dẫn đến tình trạng dội hàng, dội chợ. Tình hình tiêu thụ bưởi da xanh cũng đang chậm và dự báo giá cả sẽ còn tiếp tục giảm do ảnh hưởng chung.

Tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, bưởi loại 1 có giá trên 20 ngàn đồng/kg, bưởi xô giá trên 10 ngàn đồng/kg. Theo Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây, giá thu mua bưởi da xanh tại vườn hiện nay là 32 ngàn đồng/kg đối với bưởi loại 1, giảm từ 15 - 20 ngàn đồng/kg so với thời điểm cận Tết.

Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp vì đã ngưng xuất khẩu dừa trái sang thị trường Trung Quốc từ năm 2017 nhưng Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây MeKong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành (là đơn vị chuyên xuất khẩu mặt hàng dừa trái uống nước) cho rằng: Ít nhiều cũng bị ảnh hưởng gián tiếp. “Thị trường Trung Quốc đóng cửa, buộc các nước có nông sản xuất khẩu lân cận phải tìm sang các thị trường khác. Cộng với lượng khách du lịch các nước đều sụt giảm mạnh. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm, làm cho việc xuất khẩu có thể sẽ giảm cả về sản lượng và giá cả…”, ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây MeKong nhận định.

Giải pháp thời gian tới

Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường, hoặc chỉ chịu sự ảnh hưởng gián tiếp ở mức nhẹ. Điều này cho thấy, việc lệ thuộc vào một thị trường xuất khẩu duy nhất như của nhiều DN tại tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian qua là bài học cần nghiêm túc nhìn nhận. Vấn đề của nông dân và nhiều DN ngành nông sản đặt ra là làm sao để họ có thể tiếp cận các thị trường mới.

 Một DN xuất khẩu dừa trái tại huyện Ba Tri cho biết, đơn vị không bị ảnh hưởng trước tình hình chung. Vì đơn vị xuất khẩu dừa trái chủ yếu sang một số nước ở châu Âu. Điều kiện cơ bản nhất để xuất khẩu sang châu Âu là DN phải tuân thủ các quy định về điều kiện vùng trồng, các chứng nhận tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, GlobalGAP… Mặt được lớn nhất của thị trường này là tình hình xuất khẩu, giá cả ổn định, giúp nông dân và DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Ông Châu Văn Bình - Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: Đối với tỉnh, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá cao, nhất là chôm chôm, dừa nguyên liệu, sầu riêng, chỉ xơ dừa, thạch dừa, kẹo dừa… Hiện có một số DN, nông dân, cũng như một số mặt hàng có bị tác động nhưng không nhiều do nhiều loại nông sản có mùa vụ thu hoạch không rơi ngay vào thời điểm này. Một số loại trái cây chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Mặt khác, tỉnh đã mở rộng thị trường xuất khẩu các nước chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.

“Xuất phát từ tình hình này, chúng ta phải nhìn nhận lại để có giải pháp hỗ trợ tốt hơn trong thời gian tới, tránh việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đối với một số mặt hàng như thời gian qua. Giải pháp trước mắt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nên tập trung xúc tiến phát triển mạng lưới phân phối thương mại nội địa. Các mặt hàng nông sản của tỉnh cần xúc tiến phát triển thị trường tại các tỉnh miền Trung, phía Bắc; tập trung xúc tiến đưa hàng vào các cửa hàng tiện ích, các siêu thị lớn trong cả nước. Đối với những nơi đã đưa vào được thì giữ ổn định…”, ông Châu Văn Bình cho hay.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích