Xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

30/08/2017 - 07:37

Du khách tìm hiểu sản phẩm đặc sản xứ Dừa Bến Tre. Ảnh: Hữu Hiệp

Đó là một trong những nội dung quan trọng mà Sở Công Thương quan tâm trong quá trình xúc tiến thương mại, tiếp thị, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm thế mạnh của xứ Dừa.

Nhiều năm qua, hàng hóa lưu niệm bán phục vụ cho khách du lịch chủ yếu là các sản phẩm từ dừa (các loại dừa tươi, hàng thủ công mỹ nghệ, bánh tráng, kẹo dừa, dầu dừa nguyên chất sử dụng làm mỹ phẩm, nước dừa đóng lon, sữa dừa, bột sữa dừa, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa…). Đa số các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này rất quan tâm đến xúc tiến thương mại như xây dựng brochure, catalogue, website, facebook, xây dựng các cửa hàng để giới thiệu sản phẩm bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Bên cạnh hoạt động của các DN, Trung tâm Xúc tiến thương mại cũng tập trung hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Trong đó, tổ chức hội chợ triển lãm hàng năm, giúp các DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thiết lập hệ thống đại lý, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hàng năm hỗ trợ 60 lượt DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại 20 hội chợ được tổ chức tại các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm. Hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm là hoạt động khá hiệu quả. Hàng năm tổ chức khoảng 10 cuộc kết nối giữa DN Bến Tre với các DN phân phối, siêu thị, tiểu thương các chợ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ. Qua đó, hàng hóa của DN được đưa vào khoảng 25 siêu thị, các chợ đầu mối lớn và thiết lập đại lý tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, sản phẩm làng nghề sản xuất bằng thủ công, nhỏ lẻ, sản lượng không nhiều, chất lượng không đồng đều; bao bì, nhãn mác, đóng gói chưa hoàn chỉnh nên rất khó trong kết nối tiêu thụ. Hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch còn đơn điệu mẫu mã, sản phẩm trùng nhau; bao bì, nhãn mác chưa được chú trọng. Đặc biệt, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng chưa được quan tâm. Một số cơ sở chủ yếu là gia công theo đơn đặt hàng của các DN nên chưa quan tâm đến việc thiết kế ra mẫu mã mới.

Theo bà Phạm Thị Hân - Phó giám đốc Sở Công Thương, các DN cần đa dạng hóa sản phẩm vì sở thích của khách du lịch rất phong phú, lại liên tục thay đổi. Cho nên, việc đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm và thường xuyên cải tiến mẫu mã là rất cần thiết để đảm bảo sự tồn tại thương hiệu sản phẩm. Xây dựng nhãn hiệu, hoàn chỉnh bao bì, đóng gói, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, có xuất xứ nguồn gốc, giá thành cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại. Thành lập cửa hàng giới thiệu sản phẩm, mở rộng hệ thống tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, các điểm du lịch, trạm dừng chân. Tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua mạng internet và các phương tiện truyền thông khác.

Sắp tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại tiếp tục tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá thương hiệu sản phẩm lưu niệm làng nghề. Tuy nhiên, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chủ động, tích cực trong hoạt động xúc tiến thương mại mới có thể đứng vững trên thị trường trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt và trở thành một cuộc chiến giữa các thương hiệu, giá cả, chất lượng. Do vậy, các DN cần xây dựng một chiến lược lâu dài về nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển thương hiệu để có thể phát triển bền vững, ổn định lâu dài.

Công thương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN