Hiện đang có cáo buộc các đảng đối lập ở Lebanon biến miền Bắc nước này thành “sân sau” cho phe đối lập Syria hoạt động.
Xung đột ở Syria ngày càng phức tạp hơn vì có sự hiện diện của các nhóm khủng bố. Không dừng lại ở đó, căng thẳng và bạo lực tại Syria đã lan sang Lebanon.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cảnh báo, nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Syria đang ở "thời điểm then chốt", đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về “một cuộc nội chiến toàn diện” tại quốc gia này.
Ngày 21/5, bạo lực ở Syria đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 38 người. Nhóm hồi giáo cực đoan tự xưng là Mặt trận Al-Nusra đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom xe liều chết cuối tuần qua tại thành phố Deir Ezzor, làm ít nhất 9 người chết, 100 người bị thương.
 |
Bất chấp lệnh ngừng bắn, bạo lực vẫn không ngừng gia tăng tại Syria (Ảnh: Internet) |
Tổ chức này tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch đánh bom để “làm sạch bàn tay của người Alawites” - cộng đồng mà Tổng thống Bashar al- Assad xuất thân và chấm dứt sự bất công đối với người Sunni. Rõ ràng tuyên bố này mang tính chất phân biệt giáo phái - dấu hiệu làm tăng nguy cơ nội chiến tại quốc gia này.
Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, Hervé Ladsous trong chuyến thăm Syria cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự hiện diện của các nhóm khủng bố tại nước này, những kẻ đang cố lợi dụng tình thế bất ổn tại quốc gia này hòng trục lợi.
Không dừng lại ở đó, bạo lực đẫm máu ở Syria đã lan sang Lebanon (quốc gia láng giềng mà trong lịch sử có mối quan hệ chính trị đặc biệt với Syria). Những vụ đụng độ trên đường phố ở thủ đô của Lebanon ngày 21/5 giữa các nhóm thù địch với chính quyền Syria và những nhóm người Alawites ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, làm 2 người thiệt mạng và 18 người bị thương.
Bạo lực nổ ra sau khi có thông tin một giáo sĩ danh tiếng dòng Sunni chống Syria bị bắn chết khi xe chở giáo sĩ này không chịu dừng lại ở một trạm kiểm soát ở miền Bắc Lebanon. Tình hình Syria cũng đang gây chia rẽ chính trị tại Lebanon. Một thành viên cấp cao của Phong trào Hezbolla ở Lebanon đã buộc tội các đảng đối lập ở Lebanon đang biến miền Bắc Lebanon thành “sân sau” cho phe đối lập Syria hoạt động.
Trong bối cảnh như vậy, phía Mỹ ngay lập tức bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực ở Lebanon và kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng an ninh, ổn định của nước này. Điều phối viên đặc biệt của LHQ tại Lebanon Derek Plumbly cũng nhấn mạnh, Lebanon cần giữ ổn định, tránh bị tác động từ cuộc xung đột ở Syria.
Từ Brussel (Bỉ), Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách đối ngoại Cathrine Ashton kêu gọi chính quyền Lebon điều tra các vụ giết hại. Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande, sau cuộc họp ngày 21/5 với Tổng thư kí LHQ Ban Ki-moon bên lề Hội nghị NATO cũng bày tỏ lo ngại về những hậu quả mà xuộc cung đột Syria gây ra cho nước láng giềng Lebanon:
Bà Cathrine Ashton nói: “Như những gì mà Tổng thư kí Ban Ki-moon nói với tôi, tôi có thể nhận thấy tình hình Syria với những hậu quả đối với Lebanon. Tình hình xấu đi ở Syria có thể gây hậu quả cho những nước láng giềng, đó là mối lo ngại chung. Hiện nay, Pháp có binh sỹ đóng ở miền Nam Lebanon, nên chúng tôi phải theo dõi sát tình hình”.
Về phần mình, chính quyền Syria tái khẳng định có chung mục tiêu với LHQ là tìm cách đối thọai để thoát ra khỏi cuộc đổ máu hiện nay. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem, trong cuộc gặp với Phó Tổng thư kí LHQ Lasu cho rằng, nỗ lực phân phát hàng cứu trợ của LHQ chỉ có thể giúp 1 triệu người dân Syria ở vùng bị ảnh hưởng do xung đột vũ trang, nhưng còn 23 triệu dân thường Syria vẫn đang gánh chịu những hậu quả tàn khốc hơn nhiều do lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu./.