Xung quanh động thái liên tiếp phóng tên lửa của Triều Tiên

16/09/2021 - 06:20

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 15-9-2021 cho biết Triều Tiên đã phóng hai quả tên lửa đạn đạo chưa xác định ra biển. Như vậy, đây là lần phóng tên lửa gây chú ý thứ hai của Bình Nhưỡng trong chưa đầy một tuần, trùng thời điểm có nhiều diễn biến liên quan đến an ninh Bán đảo Triều Tiên.

Truyền hình Nhật bản đưa tin về Triều Tiên ngày 15-9. Ảnh: AP

Truyền hình Nhật bản đưa tin về Triều Tiên ngày 15-9. Ảnh: AP

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cũng xác nhận đã phát hiện 2 tên lửa rơi bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sau đó phát biểu: “Đây là mối đe dọa đến hòa bình và an ninh của đất nước chúng tôi cũng như của khu vực. Động thái này còn trái với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng tôi mạnh mẽ lên án hành động này”.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đánh giá vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 15-9 là bước lùi đối với nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong việc đưa Chủ tịch Kim Jong-un và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quay trở lại đàm phán về hạt nhân.

Trước đó, vào sáng 13-9, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết nước này đã phóng thử tên lửa tầm xa mới trong hai ngày 11 và 12-9. Triều Tiên cho biết những tên lửa này bay xa 1.500km, điều này đồng nghĩa với việc chúng có thể vươn tới Hàn Quốc và Nhật Bản.

Những sự kiện này cũng diễn ra ở thời điểm có hàng loạt diễn biến về an ninh liên quan đến Bán đảo Triều Tiên.

Cùng ngày 15-9, chỉ vài giờ sau thông tin về tên lửa Triều Tiên, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo nước này đã lần đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Đây là tên lửa do Hàn Quốc tự sản xuất và được phóng từ tàu ngầm 3.000 tấn. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết tên lửa này được kỳ vọng giúp Hàn Quốc phát hiện các mối đe dọa từ bên ngoài, nâng cao phòng thủ và đẩy mạnh hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Đặc phái viên hạt nhân của Mỹ, ông Sung Kim, đã gặp những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngày 12-9 tại Tokyo và nói rằng cánh cửa đã rộng mở để Triều Tiên quay trở lại các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân đã bị đình trệ trong khoảng hai năm qua. Chính quyền Tổng thống Biden đã ngụ ý rằng họ có thể giúp đỡ nền kinh tế đang gặp khó khăn của Triều Tiên để đổi lấy các bước giải trừ quân bị.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chụp ảnh cùng Ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc gặp tại Seoul ngày 15-9. Ảnh: AP

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chụp ảnh cùng Ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc gặp tại Seoul ngày 15-9. Ảnh: AP

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Seoul cũng khuyến khích các nỗ lực chung để nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Tại buổi gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong ngày 15-9, ông Vương Nghị đã không trầm trọng hóa về các vụ thử hạt nhân và đề cập rằng các quốc gia khác đều đã tham gia tập trận.

Ông Vương Nghị cũng gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 15-9. Tại buổi gặp, Tổng thống Hàn Quốc nói rằng ông đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong ngoại giao quốc tế giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và đề nghị Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong khi đó chia sẻ rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều.

Trong tháng 1, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết ông đang đưa Triều Tiên đi trên con đường phát triển các công nghệ hạt nhân và tên lửa tiên tiến hơn. Kế hoạch bao gồm việc chế tạo vũ khí hạt nhân kích thước nhỏ hơn và nhẹ hơn. Triều Tiên cũng đã tăng cường khả năng sản xuất vật liệu phân hạch cho đầu đạn. Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc cho biết Triều Tiên đã nối lại các hoạt động sản xuất plutonium tại cơ sở hạt nhân Yongbyon từ khoảng tháng 7.

Bà Rachel Minyoung Lee tại Trung tâm Stimson đánh giá: “Dường như những động thái này nhằm mục đích nhắc nhở Mỹ về tính cấp bách của vấn đề hạt nhân Triều Tiên”.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN