Điểm mạnh, tiềm năng của tỉnh
Nhiều đại biểu nhận xét rằng một trong các thế mạnh của tỉnh chính là ở bản chất con người Bến Tre nghĩa tình và đáng tin.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Cảnh, thế mạnh của tỉnh là có vị trí địa lý thuận lợi, rất gần với TP. Hồ Chí Minh (khoảng cách hơn 80km). Tỉnh có 3 vùng sinh thái riêng biệt đã tạo nên đặc trưng sản xuất của mỗi vùng, đa dạng về cây - con và các sản phẩm đặc thù. Những điểm mạnh khác là môi trường sinh thái Bến Tre rất tốt, nguồn nhân lực trẻ, đông.
“Bến Tre là điểm nối duyên hải miền Đông, trung tâm vận chuyển; chỉ số năng lực cạnh tranh cao, môi trường đầu tư tốt” - Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng phát biểu tại tổ.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng nhấn mạnh thêm, Bến Tre là thị trường tiêu thụ tốt, tính thương mại cao, nguồn nhân lực cần cù, chịu khó. Về vị trí địa lý, Bến Tre là trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và rất gần với TP. Hồ Chí Minh. Tỉnh còn có biển và nhiều sông ngòi; có truyền thống văn hóa đặc thù xứ Dừa.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho rằng: Bến Tre có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển, là một trong 5 địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ với công suất lớn trong cả nước. Ngoài ra, tỉnh còn có tiềm năng về kinh tế vườn với hai loại cây chủ lực là dừa, cây ăn trái.
Những điểm yếu, trở ngại
“Tỉnh có tiềm năng lớn về nông nghiệp và thủy sản, nhưng thời gian qua, tỉnh chưa có những nhà đầu tư lớn, tầm cỡ dẫn dắt ngành nông nghiệp, thủy sản. Chưa có cơ chế, chính sách chưa đồng bộ dẫn đến kinh tế tỉnh phát triển chưa đúng tiềm năng” - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội nêu.
“Cái nhược lớn nhất của tỉnh là có biển nhưng khó phát triển ngành hàng hải. Việc phân chia 3 vùng sinh thái, một mặt là điểm mạnh nhưng cũng là điểm nhược do đây là nguyên nhân dẫn đến sản xuất phân tán, manh mún. Mặt khác, tính tư hữu trong nông dân rất cao, cụ thể là họ thà “thụt đất” hoặc cho thuê đất chứ ít chịu bán đất” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng nói.
Cùng nhận định, Bí thư Huyện ủy Ba Tri Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, đặc thù kinh tế của tỉnh là kinh tế hộ, sản xuất nhỏ, sử dụng đát manh mún, điều này ít nhiều gây khó khăn cho tỉnh khi tạo quỹ đất sản xuất nông nghiệp lớn, phát triển công nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Cảnh, một trong những hạn chế của tỉnh hiện nay là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; đất còn manh mún; lao động có tay nghề cao ở tại chỗ còn rất ít; chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, phần đông người dân còn tâm lý trông chờ ỷ lại, an phận. Điều dễ thấy nhất là đa số doanh nghiệp (DN) bằng lòng với quy mô hiện tại thay vì mở rộng để phát triển. Trước tác động của biến đổi khí hậu, người dân chủ động xây dựng các cống ngăn mặn nhưng khi xây xong thì không vận hành được vì nhiều lý do.
Đa số đại biểu cho rằng, tỉnh vẫn còn “điểm nghẽn” trong giao thông, thời gian qua, khi có cầu Rạch Miễu, tỉnh đã phá thế biệt lập, phát triển nhanh hơn, nhất là về kinh tế nhưng cũng phải thừa nhận rằng trong xây dựng giao thông còn nhiều bất cập, thiếu quy hoạch mang tính định hướng chiến lược lâu dài. Cầu Rạch Miễu thường xuyên bị ùn tắc giao thông, một số tuyến đường chưa kịp đáp ứng với lưu lượng xe ngày càng tăng cao.
Giải pháp phát triển nông nghiệp
Hầu hết đại biểu cho rằng, nông nghiệp Bến Tre đa dạng, phong phú, môi trường có khả năng phát triển năng lượng sạch, nếu đầu tư đúng mức có thể tạo phát triển đột biến. Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sẽ rất phù hợp theo hướng du lịch sạch, bền vững với các sản phẩm phong phú, đa dạng.
Quang cảnh thảo luận tổ.
Đề xuất định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh nhằm tạo đột phá trong thời gian tới, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, cần sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất sạch (GAP hoặc hữu cơ), truy xuất nguồn gốc, gắn thị trường và xác định vào các thị trường ngách. Về giải pháp, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác xã, DN liên kết với nông dân hoặc nông dân cho DN thuê đất; liên kết người sản xuất với DN, trong đó DN đóng vai trò đầu tàu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. “Để làm được, điều quan trọng là tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao thay đổi nhận thức của người nông dân. Nông nghiệp được xác định vẫn là ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh. Thời gian qua, các điểm yếu của ngành bộc lộ qua tình trạng sản xuất còn manh mún. Các mô hình liên kết sản xuất hoạt động chưa hiệu quả” - ông Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh.
Các đại biểu cho rằng, cần xây dựng chính sách phát triển các mô hình liên kết, sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp gắn với du lịch, nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, làm giàu từ cây dừa.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, Bến Tre phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, đa dạng, an toàn, gắn với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức lại sản xuất của nông dân theo hướng thị trường gắn với các DN đầu vào, đầu ra, chứ không thể sản xuất theo kiểu tự ai nấy làm như trước đây. Đặc biệt, phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch phải có quy hoạch, định hướng, tránh tự phát theo kiểu phong trào.
Lĩnh vực công nghiệp
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm: “Cần phát triển ngành năng lượng tái tạo, chế biến nông sản chuyên sâu tại địa phương. Giải pháp là đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng các DN. Cần có sự kết nối DN FDI với DN địa phương, nhằm tạo tính lan tỏa về hiệu quả, bên cạnh là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh”.
Đa số các đại biểu cho rằng, với nguồn nội lực kinh tế, quy mô, sức cạnh tranh của DN còn yếu, nên cần có các giải pháp về nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao sức cạnh tranh của DN; thu hút công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển trên nền tảng chế biến các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Công nghiệp phải có hàm lượng kỹ thuật cao để tạo ra sản phẩm có chất lượng.
Trưởng ban Dân dận Tỉnh ủy Lê Văn Gặp (bìa trái) phát biểu tại tổ.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Gặp nêu: Tỉnh cần quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đô thị. Tỉnh muốn kinh tế phát triển mạnh, nhanh thì cần phải phát triển khu, cụm công nghiệp nhưng ở mức độ hợp lý. Riêng cụm công nghiệp, phát triển theo từng huyện, thành phố để gắn với các sản phẩm nông nghiệp địa phương theo 3 vùng sinh thái. Cần phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm và phát triển theo hướng công nghiệp kỹ thuật cao, không phát triển công nghiệp thâm dụng lao động. Song song đó, cần phát triển đô thị làm trung tâm đầu mối để “giật” kinh tế tỉnh phát triển toàn diện. Trong phát triển đô thị, ngoài đô thị trung tâm cần mở rộng các đô thị huyện biển.
Bí thư Huyện ủy Ba Tri Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại tổ.
Bí thư Huyện ủy Ba Tri Nguyễn Văn Tuấn đề xuất: Kinh tế Bến Tre tập trung phát triển kinh tế biển, vì tỉnh có 3 huyện biển, đường biển dài, dân số 3 huyện khá đông, đây là lợi thế để phát triển đánh bắt, nuôi trồng, du lịch biển. Xây dựng các cụm công nghiệp, cảng cá, các dịch vụ chế biến từ biển tại các huyện ven biển. Quan tâm phát triển kinh tế vườn kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dựa trên nền tảng nông hộ; có thể phát triển các trại dưỡng lão cao cấp để thu hút du khách từ các nước phát triển đến tham quan nghỉ dưỡng. Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng lúa, vùng rau màu, vùng nuôi heo, bò gắn với du lịch để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và mức thu nhập của người dân.
Lĩnh vực du lịch
Nhiều đại biểu cho rằng, cần khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Theo đó, cần phải tập trung vào đầu tư hạ tầng du lịch, khai thác, phát huy hiệu quả các tài nguyên về văn hóa, lịch sử của địa phương. Tỉnh cần quy hoạch định hình lại, thu hút DN lớn đầu tư mang tính chất dẫn dắt.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Trần Duy Phương phát biểu tại tổ.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Trần Duy Phương nêu thêm: “Phải xây dựng cho được thương hiệu “Du lịch xứ Dừa”, các sản phẩm du lịch xây dựng theo định hướng lấy hình ảnh cây dừa làm trung tâm. Quan trọng nhất là xây dựng cho mọi người dân Bến Tre cách ứng xử văn minh trong đời sống. Đồng thời, đầu tư cơ sở kinh tế để phát triển du lịch.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần vận động người dân cùng tham gia làm du lịch. Phát triển theo hướng du lịch xanh và có sự kết nối thành chuỗi, liên kết vùng, kỳ vọng xây dựng Bến Tre thành trung tâm du lịch miệt vườn. Cần có công trình vừa phục vụ giao thông vừa phục vụ du lịch, tạo điểm nhấn cho tỉnh.
Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thị Kiều Tôn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch phải có quy hoạch, định hướng, tránh tự phát theo kiểu phong trào. Tỉnh cần có chiến lược thu hút mạnh các DN lớn, đầu đàn về đầu tư phát triển du lịch, chú trọng môi trường an toàn cho du khách để tạo sự thân thiện.
Đô thị, bất động sản
Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Tâm nhấn mạnh: Phát triển đô thị, bất động sản theo hướng tập trung, đặc trưng (như đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, đặc trưng sông nước, quan tâm cây dừa đô thị, hình thành đô thị văn hóa dừa, đô thị sinh thái). Muốn đô thị phát triển, cần tập trung kêu gọi nhà đầu tư, khai thác tiềm năng, quan tâm tuyên truyền, thu hút nguồn nhân lực quy hoạch. “Điểm nghẽn” lớn nhất cần giải quyết là sự đồng thuận của dân, bởi chủ yếu do mâu thuẫn phát sinh giữa người mất đất và nhà đầu tư.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” giao thông, theo Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Nhân đề xuất, tỉnh cần chú trọng xây dựng quy hoạch mang tính dài hơi, không theo nhiệm kỳ. Ngoài xây thêm cầu Rạch Miễu 2, tỉnh cần phải tính đến giao thông liên kết vùng và nghĩ tới việc khai thác phát triển tuyến giao thông khu vực duyên hải phía Đông.
Phát triển nguồn nhân lực
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho rằng, việc đào tạo của các trường hiện nay là chạy theo đáp ứng ứng sở thích của người học chứ chưa gắn thị trường. Hệ lụy là sinh viên sau khi ra trường thất nghiệp nhiều. Tư tưởng học cơ bản, học cao chứ không thích học nghề, thiếu cơ sở thực nghiệm. Hướng tới, cần đẩy mạnh phân luồng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, nguồn lực con người hiện còn nhiều hạn chế, thiếu nhân lực chất lượng cao, các trường đào tạo ra sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu, các khu cụm công nghiệp đã lấp đầy nhưng chất lượng chưa cao, chỉ mới giải quyết lực lượng lao động nhưng công nghiệp để thu hút, có đóng góp cho thu nhập của tỉnh thì chưa có.
Phó bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Như Quỳnh cho rằng: “Nguồn nhân lực hiện còn yếu về khả năng tự học, khả năng vận dụng kiến thức. Một trong các nguyên nhân là do phương pháp đào tạo chưa khuyến khích tự học. Hướng tới cần tập trung cho giáo dục kỹ năng, bồi dưỡng tư duy, khuyến đọc”.
Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Huỳnh đề xuất: “Cần có sự đào tạo lực lượng mới đồng thời đào tạo lại lực lượng cán bộ tương xứng đáp ứng nhu cầu thời đại. Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, tâm huyết với quê hương”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phạm Thị Thanh Thảo nêu ý kiến, cần có chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực nữ”.
Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông
“Điểm nghẽn” giao thông hiện nay được các đại biểu chỉ ra nguyên nhân là thiếu tính đồng bộ và dàn trải, thiếu quy hoạch và tập trung quy mô. Mặt khác, thời gian qua, tỉnh chỉ quan tâm phát triển đường bộ nên dẫn dễ đến kẹt đường. Hướng tới cần chú trọng khai thác thế mạnh đường thủy, bởi Bến Tre có lợi thế lớn về sông rạch.
Mặt khác, Bến Tre chưa kết nối trục duyên hải phía Đông, đường giao thông nhỏ, chỉ đáp ứng được xe tải trọng nhỏ. “Giải pháp là kết nối nhiều đường ra tỉnh với các tỉnh trong khu vực, đầu tư cầu Rạch Miễu 2 kết nối Trung Lương qua Mỹ Thuận (đường cao tốc 17km, dành cho xe ô tô), bắc cầu Đình Khao, cầu Tân Phú nhưng không cho phát triển đô thị hai bên lộ; rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông thủy bộ” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết.
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Nhân nêu ý kiến: “Trục dọc giao thông đường bộ trong tương lai sẽ được kết nối thông suốt, hành lang phía đông thông suốt chính là cơ hội phát triển của tỉnh. Hướng tới cần xây dựng giao thông theo trục ngang để kết nối 3 dải cù lao, qua các con sông lớn. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm phát triển hệ thống giao thông thủy”.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Dương Văn Phúc ý kiến: “Cần tập trung phát triển tỉnh về hướng Đông và đầu tư cho kinh tế biển, cũng như kêu gọi đầu tư khai thác năng lượng sạch, lấn biển, du lịch biển. Phát triển đô thị Bến Tre theo hướng là đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh để thu hút phát triển dân cư đô thị”.
Các vấn đề khác
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười nhấn mạnh: “Cần phát triển đồng bộ 3 yếu tố cơ sở hạ tầng, chính sách và nguồn nhân lực”. Kỳ vọng về một Bến Tre trong tương lai, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Như Quỳnh cho biết: “Mong muốn Bến Tre được xây dựng trở thành một tỉnh “sạch” và “đáng sống”; trong đó, có nền nông nghiệp sạch, phát triển công nghiệp sạch. Khuyến khích khởi nghiệp gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất ra sản phẩm sạch, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ sạch”.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, cần quan tâm quy hoạch thương mại, theo đó có xác định lợi thế, điểm nghẽn, giải pháp phát triển thương mại. Ngoài tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Bến Tre cần quan tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, xây dựng những khu nhà nghỉ, nghỉ dưỡng cho người già như các nước phát triển đã làm.
Phó bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Đỗ Thị Mai cho rằng, ngoài quan tâm hạ tầng giao thông, trong xây dựng tầm nhìn chiến lược cần chú trọng về hạ tầng điện, đầu tư hệ thống điện tải lên 500kV; mạng viễn thông lên 5G.
Giải cho được “bài toán” về giá dừa: Nếu 1ha trồng dừa cho nguồn thu 50 triệu đồng/năm, 1ha với mô hình khác thu 500 triệu đồng/năm thì liệu có đốn dừa hay không? Có khi nào trong tương lai Bến Tre sẽ không còn dừa? là giả thiết đưa ra liên quan đến cây dừa khi xét về hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Duy Hải cho rằng, cây dừa không phải chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là tài nguyên quý giá, là lá phổi xanh, là vùng dự trữ sinh quyển rất tốt. Nhiều ý kiến đồng tình, vấn đề hiện nay là giải cho được “bài toán” về giá dừa, cải thiện đời sống người trồng dừa.
* Quan tâm xây dựng trung tâm bảo trợ người già: Ở lĩnh vực y tế, có ý kiến cho rằng, tỉnh cần xây dựng bệnh viện vệ tinh điều trị bệnh ung thư, nếu không 5 năm nữa sẽ tụt hậu đối với các tỉnh trong khu vực ở lĩnh vực điều trị này. Bên cạnh đó, do dân số Bến Tre ngày càng già hóa nên quan tâm xây dựng trung tâm bảo trợ người già - đây cũng là hướng mà thế giới đang hướng tới.
Ưu tiên công nghiệp công nghệ cao: Để Bến Tre phát triển như mong muốn, cũng có đại biểu đề nghị, cần phân tích cho được thực trạng, trả lời cho được các câu hỏi tại sao từ thực tiễn thì mới có thể hoạch định được những việc cần làm trong tương lai. Cần phải biết học tập kinh nghiệm và vận dụng sáng tạo tại địa phương. Làm cho được cuộc cách mạng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mạnh mẽ, sâu rộng để chuyển hóa tập quán sản xuất của nông dân, nâng dần sản xuất hàng hóa chất lượng, có sức cạnh cạnh tranh. Tính toán phát triển công nghiệp, tăng trưởng việc làm trong tỉnh. Ưu tiên công nghiệp công nghệ cao. Nên phát triển công nghiệp về Thạnh Phú, để 3 cù lao trên địa bàn tỉnh đều có khu công nghiệp. Giúp nông dân thay đổi, trở thành “công nhân nông nghiệp”…
Sử dụng và thu hút nhân tài: Phải đánh giá năng lực thật sự của cán bộ hiện tại để tính cho nhiệm kỳ mới. Việc thu hút và sử dụng người tài cũng phải tính toán. Vì cán bộ có tốt mới chuyển được tình thế và làm nòng cốt cho sự phát triển.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy cho rằng, có 2 giải pháp về nguồn nhân lực, đó là cần có chính sách thu hút nhân tài đối với một số lĩnh vực cần thiết để làm mũi nhọn phát triển của tỉnh trong thời gian tới; cần chọn đơn vị có năng lực trong bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực.
“Tỉnh nên quan tâm khuyến khích các đề tài nghiên cứu trong nhà trường; đầu tư các trường đào tạo nghề, có thể sáp nhập để giải quyết nguồn lao động, đảm bảo chất lượng đào tạo lao động nghề trong thời gian tới”, ông Đào Công Thương - Chủ tịch UBND Thạnh Phú nêu ý kiến.
K.Minh
|
Nhóm Phóng viên