
Khảo sát thực tế mô hình vườn xoài áp dụng giải pháp bao trái túi dệt nylon nhiều màu. Ảnh: CTV
Trên cơ sở kết quả giải thưởng và tính ứng dụng cao, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VI năm 2016-2017 đề xuất 3 giải pháp tham gia dự thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật vòng toàn quốc: Thiết bị sản xuất dây thừng dừa không nối; Sử dụng chất liệu vải dệt nylon nhiều màu làm túi bao trái xoài tứ quý để phân biệt và xác định độ tuổi, tạo màu sắc trái và Thí nghiệm biểu diễn phần quang hình học.
1. Thiết bị sản xuất dây thừng dừa không nối của tác giả Lê Văn Liêm, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam đã đạt giải nhất hội thi. Về hiệu quả kinh tế, sản phẩm sáng tạo này được giám khảo nhận xét: Thiết bị sản xuất dây thừng dừa không nối vận hành bằng công tơ điện 0,5kW + 2 cần đánh chỉ và ổ trục chứa sản phẩm hoàn tất có kết cấu gọn, nhẹ nên 1 công nhân có tay nghề cao có thể vận hành từ 1 đến 2 máy. Sản phẩm được tạo ra từ thiết bị này có tính thẩm mỹ cao, giúp gia tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm từ dừa. Những sáng tạo của kỹ sư “chân đất” Lê Văn Liêm đã giúp nâng cao giá trị chỉ xơ dừa của tỉnh Bến Tre từ 3,7 ngàn đồng lên 12 ngàn đồng, mang lại thu nhập ổn định từ 200 - 350 ngàn đồng/người/ngày ở huyện Mỏ Cày Nam.
2. Trái xoài từ giai đoạn quả non đến chín trên cây thường bị nhiều loại sâu, bệnh gây hại, đặc biệt là ruồi đục trái làm cho trái bị thối, rụng, giảm năng suất đáng kể. Để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng xoài, hạn chế ruồi đục trái, bướm sâu đẻ trứng và gây hại trên trái xoài, nông dân đã áp dụng biện pháp bao trái bằng vải không dệt (bao xốp) chuyên dụng hoặc bao giấy Đài Loan. Với loại túi này, điều kiện tiểu khí hậu trong túi chứa trái khác biệt so với điều kiện tự nhiên bên ngoài, nên một số nấm, vi khuẩn gây bệnh sinh trưởng và phát triển không thuận lợi, làm giảm trái bị hư, về mặt cảm quan màu sắc trái không thu hút người tiêu dùng.

Sử dụng chất liệu vải dệt nylon nhiều màu làm túi bao trái xoài tứ quý. Ảnh: CTV
Tác giả Trần Văn Nhọn, huyện Thạnh Phú đã dùng chất liệu vải dệt nylon thay cho vải không dệt, bao giấy, để làm túi bao trái, tăng hiệu quả và thời gian sử dụng bao trái, tạo màu sắc trái vàng sáng tăng vẻ cảm quan của trái. Giải pháp Sử dụng chất liệu vải dệt nylon nhiều màu làm túi bao trái xoài tứ quý để phân biệt và xác định độ tuổi, tạo màu sắc trái được cho là tiết kiệm và hiệu quả hơn so với những giải pháp được nông dân áp dụng trước đó.
3. Hiện nay, đa số trường THPT của tỉnh còn thiếu trang thiết bị thí nghiệm - thực hành phục vụ cho công tác giảng dạy môn Vật lý do nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị đồ dùng dạy học ở các trường còn hạn hẹp, không thể trang bị đầy đủ và kịp thời. Trong đó, nhiều trường chưa có kính thiên văn phục vụ cho công tác giảng dạy. Nếu dạy học theo phương pháp truyền thống, phân tích bài học theo sách giáo khoa, không tạo được hứng thú cho các em khi học, phần nào đã làm hạn chế quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh. Nếu trang bị một kính thiên văn cùng loại về các thông số kỹ thuật so với kính thiên văn tự chế thì giá rất đắt, khoảng 5,2 triệu đồng, trong khi kinh phí trang bị đồ dùng dạy học tại các trường còn hạn hẹp.
Chính vì những lý do trên, nhóm tác giả Trường THPT Lê Anh Xuân, huyện Mỏ Cày Bắc đã nghiên cứu tạo ra bộ thí nghiệm biểu diễn phần quang hình học hiệu quả, chi phí thấp nhằm góp phần vào việc đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học môn Vật lý. Đặc biệt, ứng dụng tốt trong biểu diễn các thí nghiệm của chương trình Vật lý lớp 11, cũng như Vật lý lớp 12 về hiện tượng khúc xạ ánh sáng, phản xạ toàn phần, sự truyền ánh sáng qua thấu kính… nhìn thấy thiên thể qua kính thiên văn.
Nhờ thí nghiệm vật lý đã góp phần làm nổi bật những khía cạnh cần nghiên cứu của từng hiện tượng và quá trình vật lý, giúp cho học sinh dễ quan sát, dễ theo dõi và tiếp thu bài. Đồng thời giúp các em rèn luyện kỹ năng, hình thành tư duy sáng tạo và tinh thần làm việc tập thể. Ngoài ra còn ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sử dụng camera kết nối máy tính giúp cho nhiều người quan sát hiện tượng cùng một lúc. Kinh phí chế tạo bộ thí nghiệm thấp, góp phần đáp ứng nhu cầu trang thiết bị - đồ dùng dạy học trong các trường học hiện nay. Bên cạnh đó cũng đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục, theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Bộ thí nghiệm có thể giới thiệu cho giáo viên và học sinh ở bậc THCS, THPT của các trường của tỉnh, áp dụng trong giảng dạy và học tập trải nghiệm.
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VI năm 2016-2017 đã thu hút 79 giải pháp tham gia dự thi thuộc lĩnh vực: công nghệ thông tin, cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông - lâm - ngư nghiệp, tài nguyên môi trường; y tế; giáo dục và đào tạo. Số lượng giải pháp dự thi tăng 1,5 lần so với hội thi lần trước. Các giải pháp dự thi đã và đang được triển khai áp dụng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. |
Thạch Thảo