Kết quả 2 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ

04/06/2018 - 07:03

Công đoạn làm sạch cơm dừa của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: Cẩm Trúc

Công đoạn làm sạch cơm dừa của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: Cẩm Trúc

Cùng với cả nước, tỉnh đã xây dựng và thực hiện Chương trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016 - 2020. Đối với ngành khoa học và công nghệ (KH&CN), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành gắn kết, lồng ghép việc thực hiện các nội dung và giải pháp của Đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN tại Quyết định số 2245/QĐ-TTg ngày 11-12-2015 (gọi tắt là Đề án). Sau 2 năm thực hiện (2016 - 2017), ngành KH&CN tỉnh đã đạt được nhiều thành tích khá ấn tượng.

Phát triển tổ chức KH&CN

Về mục tiêu, tỉnh đã lựa chọn, ứng dụng và phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm từ dừa có ảnh hưởng quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao. Tỷ lệ đổi mới công nghệ, thiết bị trung bình của tỉnh là 12,52%, đạt 62,6% so với mục tiêu đến năm 2020 của đề án (20%/năm). Giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 26,2%, tăng 3,4% so với năm 2016, đạt 65,5% so với đề án (40%). Phát triển mạnh các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp KH&CN. Có thể nói, tỉnh đã thực hiện tốt 3 mục tiêu của đề án đề ra theo đúng lộ trình.

Đạt được mục tiêu đó, ngành KH&CN tỉnh đã không ngừng tăng cường tiềm lực KH&CN của địa phương từ việc phát triển và phát huy đội ngũ nhân lực KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học: Trường Đại học Cần Thơ, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, tạo nên động lực tích cực thu hút, trọng dụng các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn của nền kinh tế tỉnh nhà. Hệ thống các tổ chức KH&CN liên tục phát triển và ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, đã có 3 doanh nghiệp KH&CN (từ năm 2015 trở về trước tỉnh chưa có doanh nghiệp KH&CN nào) và 8 tổ chức KH&CN đăng ký hoạt động KH&CN tại tỉnh, trong đó có 3 tổ chức KH&CN ngoài công lập.

Ngoài ra, đã thành lập Câu lạc bộ Trí thức trẻ tỉnh và Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh, mở ra triển vọng trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao KH&CN. Hạ tầng KH&CN đã được chú trọng đầu tư gần 10 tỷ đồng giai đoạn 2 Dự án Khu ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn để làm hạt nhân cho việc nghiên cứu, chuyển giao các loại giống mới, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ, góp phần phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn.

Đẩy nhanh tái cơ cấu ngành KH&CN

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tập trung thực hiện việc cơ cấu lại các nhiệm vụ KH&CN theo hướng phát triển các công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao như công nghệ chiết tách sản phẩm dầu dừa tinh khiết (VCO) bằng công nghệ ly tâm không gia nhiệt tạo ra sản phẩm dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 4 lần so với dầu dừa tinh luyện và gấp 10 lần so với dầu dừa thô; ứng dụng công nghệ tiệt trùng UHT của Thụy Điển làm nên sản phẩm nước dừa đóng hộp có giá trị cao gấp 300 lần so với nước dừa tươi truyền thống; sử dụng thiết bị gọt vỏ nâu cơm dừa để phục vụ cho quá trình chế biến các sản phẩm từ cơm dừa; thiết kế, gia công chế tạo thành công máy lột vỏ dừa công suất trung bình 1.000 trái/giờ, tăng 6,4 lần so với thủ công được vận hành theo chế độ tự động tách sạch vỏ hoặc giữ lại xơ mầu, chỉ cần 1 - 2 người vận hành máy, chi phí sản xuất giảm 8 lần, đảm bảo an toàn lao động...

Điều chỉnh việc tổ chức các nhiệm vụ KH&CN theo hướng giải quyết đồng bộ các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm ngành dừa và bưởi là 2 trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Với mục tiêu nghiên cứu các vấn đề KH&CN tiếp cận theo chuỗi giá trị cây dừa, đặc biệt là kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến, máy móc thiết bị hỗ trợ cơ giới hóa, chuyển giao công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới, phát triển các mô hình liên kết, thúc đẩy thương hiệu và thị trường tiêu thụ.

Những kết quả trên không những nâng cao năng lực nội sinh của ngành KH&CN tỉnh mà còn góp sức cùng với Bộ KH&CN đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành KH&CN và thực hiện thành công mục tiêu của đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN