Khởi kiện đòi lại tiền đã cho vay

05/01/2020 - 22:24

Bà Nguyễn Thị Chót (Châu Thành) có nhu cầu tư vấn: Đầu năm 2017, tôi có cho bà Nhàn là người quen vay số tiền 500 triệu đồng với lãi suất 1%/tháng. Lúc đưa tiền cho bà Nhàn, 2 bên có làm giấy viết tay, hẹn đến tháng 12-2018 bà Nhàn sẽ trả lại tiền gốc cho tôi. Sau khi đến hạn trả nợ, bà Nhàn cứ hẹn lần lựa. Tôi đã nhiều lần đòi tiền nhưng bà không trả. Xin hỏi: Tôi có thể khởi kiện bà Nhàn để đòi tiền hay không, thủ tục ra sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành tư vấn như sau:

- Việc bà cho bà Nhàn vay số tiền 500 triệu đồng, lãi suất 1%/tháng, có làm giấy tay, thời hạn trả nợ gốc đến tháng 12-2018. Đây là hợp đồng vay tài sản.

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Mặt khác, Điều 466 BLDS 2015 có quy định:

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a. Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 của Bộ luật này (không được vượt quá 20%/năm)

b. Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, khi đến hạn trả nợ (tháng 12-2018), bà Nhàn có nghĩa vụ phải trả đủ số tiền vay (500 triệu đồng) cho bà Chót và tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì bà Nhàn còn phải trả lãi với mức lãi suất theo quy định của pháp luật (không vượt quá 20%/năm).

Căn cứ vào các quy định của pháp luật như đã nêu trên thì bà có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền (Tòa án nhân dân nơi bà Nhàn cư trú) yêu cầu giải quyết buộc bà Nhàn có nghĩa vụ trả đủ số tiền gốc đã vay và tiền lãi theo quy định của pháp luật.

Về thủ tục khởi kiện:

1.  Người khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.

2. Việc làm đơn khởi kiện được thực hiện như sau:

- Có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

- Người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự… thì phải có người đại diện hợp pháp.

3. Đơn khởi kiện phải có các nội dung sau đây:

a. Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b. Tên tòa án nhận đơn khởi kiện;

c. Tên, nơi cư trú của người khởi kiện;

d. Tên, nơi cứ trú của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có).

đ. Tên, nơi cư trú của người bị kiện;

e. Quyền lợi của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết;

g. Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện;

Chứng cứ chứng minh quyền lợi, lợi ích của người khởi kiện bị xâm phạm (ví dụ: giấy cho vay) hộ khẩu, chứng minh nhân dân…

Về thủ tục khởi kiện, bà có thể nhờ luật sư tư vấn trực tiếp hoặc đến Tòa án nơi nộp đơn khởi kiện sẽ được tư vấn cụ thể hơn.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN