Trích đoạn cải lương “Cây dừa đỏ” của tác giả Lê Huỳnh.
Mang lại Không khí Đồng khởi năm xưa
Với thời lượng 120 phút, chương trình nghệ thuật đã tập trung giới thiệu các tác phẩm của những tác giả nổi tiếng viết về Bến Tre và các sáng tác của văn nghệ sĩ Bến Tre. Không chỉ thế, phần trình diễn chương trình cũng đã quy tụ đông đảo sự góp sức, hòa giọng của nhiều thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, cộng tác viên nghệ thuật qua các thời kỳ của Đoàn Văn công Giải phóng (VCGP) Bến Tre, Đoàn Ca múa Bến Tre, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre. Các thế hệ diễn viên, nghệ sĩ đã cùng nhau làm sống lại tinh thần “vượt qua mưa bom, lửa đạn; chắc tay súng, vững tay đàn”, góp phần giáo dục truyền thống, lan tỏa, thẩm thấu những giá trị tốt đẹp thông qua văn hóa nghệ thuật.
Ấn tượng ngay từ phần đầu của chương trình là hình ảnh đất và người Bến Tre qua các thời kỳ, “Đội quân tóc dài”, ánh đuốc rực sáng và tiếng mõ tre dồn dập, hào hùng ngay lập tức đưa người xem trở lại không khí Đồng khởi năm xưa. Kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Bến Tre một lòng theo Đảng, chiến đấu giành lại độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc. Trong cuộc chiến tranh nhân dân, có những nghệ sĩ mặc áo lính, không trực tiếp chiến đấu nhưng đã góp phần không nhỏ vào từng trận đánh, từng chiến dịch cho đến ngày toàn thắng. Đội hình chiến sĩ văn hóa này đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của bộ đội và nhân dân, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, động viên bộ đội và nhân dân vững tin, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
Ngày 25-6-1962, tại chợ Hồ Cỏ, nay là xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Đoàn VCGP Bến Tre ra mắt, biểu diễn đêm đầu tiên phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Sau lần biểu diễn này, đoàn đi lưu diễn khắp vùng giải phóng ở Bến Tre, được cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vô cùng mến mộ và hoan nghênh. Chiến tranh ác liệt, Đoàn VCGP Bến Tre phải chịu bao hy sinh, mất mát. Từ một đơn vị nghệ thuật có trên 50 người, đến năm 1969 chỉ còn vỏn vẹn 11 người. Dù vậy, đoàn vẫn kiên trì bám trụ, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Các tác phẩm “Chiến sĩ rừng dừa” của tác giả Huy An; “Bài ca Tiểu đoàn 516” của tác giả Lan Phong; “Mùa xuân thơm ngát hoa anh hùng” của tác giả Lê Dân - Hoài Hồ sôi nổi, hào hùng đã tái hiện hình ảnh người lính “Bộ đội Cụ Hồ” vui tươi, sáng đẹp, thăng hoa trong những năm tháng ấy. Hay đến với bài vọng cổ “Người chị xứ Dừa” của cố soạn giả Dương Thị Thu Vân được thể hiện qua tiếng hát của Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Ngân, khán giả như nhìn thấy khung cảnh Nữ tướng Nguyễn Thị Định - cô Ba Định đang trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân dưới bóng dừa quê hương. Soạn giả Dương Thị Thu Vân nguyên là sĩ quan Công an nhân dân. Bà thoát ly gia đình từ năm 13 tuổi, tham gia cách mạng và đã có nhiều tác phẩm có giá trị viết về Bác Hồ, quê hương và con người Bến Tre, các chiến sĩ Công an nhân dân... Bài vọng cổ “Người chị xứ Dừa”, với nguồn cảm hứng chủ yếu là từ sự kính trọng, tự hào về Nữ tướng Nguyễn Thị Định, là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của bà.
Lắng đọng cảm xúc
Để lại nhiều cảm xúc của chương trình là trích đoạn cải lương “Cây dừa đỏ” của tác giả Lê Huỳnh. Đây là vở cải lương kinh điển, có giá trị lịch sử và nghệ thuật to lớn đối với văn hóa nghệ thuật tỉnh. Tác phẩm này là đứa con tinh thần của tác giả Lê Huỳnh. Lúc đó, ông là Trưởng đoàn VCGP tỉnh. Vở cải lương “Cây dừa đỏ” đã đạt giải xuất sắc, đồng nghĩa với huy chương vàng ngày nay, tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về đề tài cách mạng và vinh dự được biểu diễn khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội.
Những năm đầu tiên khi Đoàn VCGP Bến Tre hoạt động, nhiều tiết mục múa đã được dàn dựng mang hơi thở đương đại, phản ánh hoạt động tăng gia sản xuất, lao động, chiến đấu. Chương trình này giới thiệu lại với công chúng tác phẩm múa “Giã gạo” đã có tuổi đời trên 50 năm, của cố Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly biên đạo, được hai nghệ sĩ múa của Đoàn VCGP năm xưa là Kim Loan và Kim Phượng cùng Nhật Linh - diễn viên múa Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phục dựng lại vẫn vẹn nguyên nét duyên dáng.
Hay bài hát “Em đi về hướng bom rơi” của tác giả Phạm Minh Tuấn, qua giọng hát của ca sĩ Huyền Nhi, một trong những giọng hát chính của Đoàn VCGP qua 50 năm đến nay vẫn réo rắt, sôi nổi. Đây là bài hát gắn liền với chị Huyền Nhi từ những năm kháng chiến ác liệt, chị đã hát trên khắp mặt trận để phục vụ bộ đội và quần chúng nhân dân. Đến nay, chị vẫn luôn miệt mài đóng góp cho nghệ thuật tỉnh nhà, như biểu diễn, làm giám khảo, làm giảng viên truyền đạt kỹ thuật thanh nhạc cho thế hệ sau.
Kết thúc chiến tranh, Đoàn VCGP Bến Tre đã hoàn thành sứ mệnh của mình và đã truyền tâm huyết cho các thế hệ hoạt động nghệ thuật tỉnh qua từng đơn vị như Đoàn Ca múa Bến Tre, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre và Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh ngày nay. Chương trình đã tái hiện lại nhiều bài hát từ xưa được Đoàn VCGP biểu diễn phục vụ chiến sĩ, đồng bào trong giai đoạn trước như bài hát “Dàn nhạc thiếu nhi” được thể hiện lại bởi tốp ca thiếu nhi vô cùng dễ thương. Hay bài hát “Đội nữ võ trang” của tác giả Việt Trung với phần trình bày của 3 thế hệ diễn viên: thế hệ diễn viên Đoàn VCGP, thế hệ diễn viên Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh hiện tại và thế hệ thiếu nhi. Các phần trình diễn có sự giao thoa giữa các thế hệ, như là sự tiếp nối, kế thừa của thế hệ trẻ đối với truyền thống.
Bên cạnh đó, những bài hát được viết trong giai đoạn phát triển mới của quê hương như “Tự hào dáng đứng quê hương” của nhạc sĩ Quốc Nam; “Ngọn đuốc soi đường”, sáng tác nhạc Đức Trịnh, lời Trần Bình và “Đồng khởi mới đi lên” của nhạc sĩ Lan Phong đã góp phần cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong thời đại mới.
Tổng thể chương trình khép lại như một lời khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và dân Bến Tre hôm nay quyết tâm phát huy tinh thần Đồng khởi và những giá trị của đề cương văn hóa để tiếp tục làm một cuộc “Đồng khởi mới” trên quê hương thân yêu và đầy truyền thống, niềm tự hào.
Có thể khẳng định, quá trình lao động nghệ thuật là không ngừng và luôn kế thừa, phát triển. Trong thời chiến cũng như lúc hòa bình, tinh thần của Đề cương Về văn hóa Việt Nam đã được cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể nhất, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn, cũng như góp phần nâng cao sự hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Bài, ảnh: Thanh Đồng