Ða dạng sinh kế để thoát nghèo bền vững

17/09/2018 - 07:43

BDK - HĐND tỉnh vừa kết thúc cuộc giám sát kết quả triển khai thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tại 9 xã, thuộc 9 huyện, thành phố. Một trong những điểm “nghẽn” lớn của đề án được nhìn nhận là thiếu nhân lực có kiến thức và kiên trì.

Một hộ nghèo liên tục nhiều năm ở xã Thạnh Phú Đông đang cố gắng vươn lên thoát nghèo.

Một hộ nghèo liên tục nhiều năm ở xã Thạnh Phú Đông đang cố gắng vươn lên thoát nghèo.

Công tác tuyên truyền chưa tập trung

Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Đề án sinh kế) là sáng kiến của tỉnh. Hộ nghèo tham gia đề án này được hướng dẫn cách mưu sinh hiệu quả, có thu nhập ổn định, biết quản lý thu nhập, chi tiêu thông qua việc ghi chép nhật ký. Đề án đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 15.858 hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Qua cuộc giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, hầu hết người nghèo tham gia đề án sinh kế không tự ghi chép “Nhật ký hộ gia đình” mà được công chức xã, đoàn thể ghi thay, hoặc chỉ ghi qua loa để “đối phó” với đoàn giám sát. Việc thực hiện đề án này có đến 4 loại sổ gồm: sổ nhật ký hộ gia đình - dành cho hộ gia đình tham gia đề án ghi chép thu, chi, tiếp nhận hỗ trợ, quá trình sản xuất của mình; sổ ghi chép thông tin dành cho cán bộ xã, đoàn thể được phân công hỗ trợ gia đình hộ nghèo; sổ của trưởng ấp để tổng hợp tình hình hộ tham gia sinh kế trong ấp; sổ của xã để tổng hợp tình hình hộ tham gia sinh kế trong xã. Ở nhiều hộ, khi so sánh thông tin được lấy trực tiếp từ hộ gia đình với thông tin ghi chép trong sổ là khác nhau.

Mỗi xã, đoàn giám sát chia làm 4 nhóm, đến thăm khoảng 12 hộ, theo đánh giá sơ bộ, phần nhiều hộ cho hay họ chưa hiểu hoặc có rất ít thông tin về đề án sinh kế, do đó chưa thấy được cái hay, lợi ích của việc tham gia đề án sinh kế. Điều băn khoăn của những người tham gia đoàn giám sát là nhiều cán bộ xã không hiểu hết ý nghĩa của đề án nên việc tuyên truyền chưa quyết liệt để thay đổi nhận thức người nghèo.

Bà Đỗ Thị Thu Thảo - Phó chủ tịch HĐND tỉnh, thành viên đoàn giám sát nói tại buổi giám sát UBND huyện Giồng Trôm: “Đây là một đề án mang tính nhân văn, ngoài giúp người nghèo thoát nghèo, việc thực hiện đề án còn tạo cho người nghèo luôn tư duy, suy nghĩ kế - cách để thoát nghèo bền vững. Đề án cũng mang tính khoa học bởi nó chỉ dẫn người nghèo ghi chép hàng ngày quá trình sản xuất, thực hiện sinh kế của gia đình mình, để sau này truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng. Cách làm của đề án là do tỉnh học từ tổ chức Seed to Table của người Nhật để áp dụng, giúp người dân mình phát triển sinh kế”.

Cần theo sát dân hơn

Bà Ino Mayu - nhà sáng lập tổ chức Seed to Table từng chia sẻ trên một trang thông tin điện tử năm 2016 rằng, việc giúp người nghèo cải thiện sinh kế, cần nhất là phải sát dân, có phương pháp tiếp cận, chứ nhiều tiền chưa chắc đã làm được. Để hiểu người nghèo, bà đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người nghèo.

Điểm “nghẽn” lớn nhất của đề án sinh kế là người dân không ghi chép nhật ký hàng ngày và kế hoạch phát triển sinh kế của từng hộ cũng không có, hoặc có thì  rất chung chung, dẫn đến không thực hiện được theo yêu cầu đề án. Một số nơi khi có đoàn giám sát đến thì gom sổ nhật ký của hộ dân về chia nhau ghi chép để “đối phó”, có cán bộ phải thức suốt đêm do phải ghi dùm. Cho thấy, các cán bộ xã chưa theo sát dân. Trong khi đó, theo đề án, người nghèo được xem là chủ thể của đề án, chính người nghèo phải phát huy năng lực, thế mạnh của mình để vươn lên thoát nghèo và họ cần người chỉ dẫn phương cách làm ăn; mặt khác, các tổ chức đoàn thể tại địa phương được cho là có vai trò tiếp cận, hướng dẫn hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất nhưng lại thiếu sự quan tâm sâu sát với người nghèo.

Cũng theo bà Đỗ Thị Thu Thảo, phía xã cần quan tâm tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân, giúp người dân tiếp cận lại thông tin. Bên cạnh đó, người dân cần tập trung tận dụng tối đa diện tích đất mình có, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với nhau cùng làm ăn, dạy nghề, kết nối doanh nghiệp để giúp người nghèo có thu nhập ổn định.

Để có cán bộ gần dân, sát dân, chỉ dẫn được cho dân phương cách làm ăn, bà Đỗ Thị Thu Thảo đề nghị UBND cấp huyện cần chỉ đạo cải cách hành chính giảm bớt thời gian hội họp cho cán bộ xã để cán bộ ở cơ sở có thời gian gần gũi với người nghèo, giúp họ lập kế hoạch phát triển sinh kế giảm nghèo. Vì theo một đánh giá, thống kê, cán bộ xã trong 1 năm có đến vài trăm cuộc họp, 6 tháng đầu năm tiếp nhận khoảng 800 văn bản vừa chỉ đạo, vừa báo cáo, vừa thực hiện, rất nhiều công việc, không có thời gian để giúp người nghèo. Bà cho rằng, những mô hình hiện nay là đơn kế chứ không phải đa kế, chỉ nuôi con bò, hoặc heo, nếu xuống giá là “chết” chứ không đa cách mưu sinh để người nghèo có thu nhập.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp, việc thực hiện chương trình này đem lại nhiều giải pháp cho người nghèo vươn lên thoát nghèo xoay quanh 4 nội dung như: hỗ trợ tận dụng tối đa phần đất để phát triển sinh kế; thành lập các nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo chí thú làm ăn vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề, dạy nghề, xuất khẩu lao động, thành lập tổ hợp tác; thành lập doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi giám sát xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, ông Nguyễn Văn Đảm - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức đoàn thể: “Người dân phải có sổ theo dõi thu nhập, xem mình tích lũy được bao nhiêu. Vai trò của Mặt trận xã và các tổ chức đoàn thể là quan trọng nhất vì là người “vẽ” cho người nghèo bức tranh thoát nghèo, với thế mạnh họ có họ phải làm gì. Phải theo dõi hàng tuần, tiếp cận xem phương án họ như thế nào. Chính các đoàn thể là người tư vấn, dẫu biết cán bộ cực nhưng phải vào cuộc, làm tới nơi tới chốn thì mới giúp được người nghèo thoát nghèo cách bền vững”.

Ngày 20-9-2018, đoàn giám sát HĐND tỉnh sẽ giám sát UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Ngoài ra, từ cuộc giám sát này, xuất khẩu lao động được đánh giá bước đầu là phương án hiệu quả nhất giúp người dân thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang thiếu vốn trầm trọng cho người lao động vay theo diện đối tượng của Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND tham gia xuất khẩu lao động. Tại cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy diễn ra vào ngày 10-9-2018, Thường trực Tỉnh ủy đã kết luận: Bổ sung 5,6 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác từ nguồn ngân sách cấp năm 2018 (lần 2) qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho các đối tượng chính sách được vay vốn tham gia xuất khẩu lao động.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN