
Tập tùy bút “Áo vá phù sa” chất chứa 31 câu chuyện là trải nghiệm của chính tác giả.
Tùy bút “Áo vá phù sa” dày 237 trang, chứa đựng 31 câu chuyện mà theo tác giả Từ Phạm Hồng Hiên: “Đây là những ghi chép tản mạn của tôi. Chúng tựa như một manh áo vá đời nay không còn ai muốn mặc và những hạt phù sa bé nhỏ tới mức trôi nổi theo dòng nước được múc lại, chắp nhặt lại thành một tập tùy bút... chứ không có gì to tát hay chứa đựng thông điệp gì cả”.
Bạn đọc đã nhìn thấy một Từ Phạm Hồng Hiên sống một đời chậm rãi và nhiều suy ngẫm, thu thập, ghi chép trong các tác phẩm trước đó. Ở những ngày nới lỏng giãn cách xã hội năm 2020 qua tác phẩm “Xuân khó vườn xưa”, Từ Phạm Hồng Hiên kể lại chuyện cũ quê nhà để thấy tình người của vợ chồng ông Chín giữ đất cho gia đình ông bà của tác giả trong mấy chục năm ròng những năm khói lửa chiến tranh và trả lại mà chẳng đòi hỏi của cải, quyền lợi.
Là người Bến Tre, tình cảm của Từ Phạm Hồng Hiên dành cho cây dừa thật đặc biệt. Ông còn bênh vực luôn cho cả “cây dừa nước”. Những trang viết về dừa của tác giả gây thích thú. Bởi, sự hiểu biết của ông về đặc tính cây dừa, địa hình của TP. Bến Tre với đầy những địa danh của một người bản địa rành rọt. Đúc kết sự đời, chuyện đời từng trải, tác giả bộc bạch khi nói về văn hóa của dân tộc Việt: “Tôi trộm nghĩ nếu sơ sểnh, không chú tâm, thiếu tu dưỡng rèn giũa và cảnh giác cần thiết thì bất kỳ ai cũng có thể hành xử thiếu văn hóa... Văn hóa chi phối và nâng cao ý nghĩa sống cho mỗi người và cho cộng đồng” - trích trong “Đi qua mùa xuân khó”.
Nói về bầu trời thơ văn Việt Nam, Từ Phạm Hồng Hiên còn chia sẻ một cái nhìn rất riêng đối với tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu trong bài: “Về một chữ “trực” trong Lục Vân Tiên”. Tác giả dày công trình bày chữ “trực” trong câu 1229: “Vợ Tiên là Trực chị dâu”, để lập luận rằng, chữ “trực” là chính trực, chứ không phải tên riêng (Vương Tử Trực).
Lối kể tự nhiên qua các câu chuyện của Từ Phạm Hồng Hiên dễ đưa người đọc lần giở hết trang này đến trang khác. Tùy bút “Áo vá phù sa” chất chứa nhiều kỷ niệm, tư liệu về một Bến Tre xưa và thông điệp về Bến Tre hôm nay mà tác giả đã dày công thực hiện, góp cho các thế hệ độc giả thêm một góc nhìn giàu hình ảnh của một vùng đất đang chuyển mình.
Thạch Thảo