Anh Hồ Thành Sơn tham gia phục vụ ẩm thực tại phiên chợ khởi nghiệp lần 2 của tỉnh.
Ước mơ vươn xa
Anh Sơn từng là bếp phó của nhà hàng, khách sạn Sa Đéc, Đồng Tháp. Vì phải lòng một đồng nghiệp quê Bến Tre (chị Trần Thị Ánh Linh, từng là bếp phó nhà hàng Hùng Vương), năm 2012, anh đã chuyển về làm thợ nấu tại Nhà khách Bến Tre. Đến năm 2017, anh cùng vợ quyết định bước ra ngoài tự thân KN. “Hồi hai vợ chồng về Bến Tre chỉ có hai bàn tay trắng, ngày đầu tiên ra KN chỉ mua được một cặp bếp khè, còn lại tất cả các dụng cụ đều thuê lại từ dịch vụ cho thuê đám tiệc. Làm từ từ mới mua sắm dần dần các dụng cụ nấu ăn, đãi khách. Mặc dù không có vốn kinh doanh ban đầu nhưng hai vợ chồng quyết chí phấn đấu dần lên chứ nhất định không đi vay mượn. Trong ẩm thực cũng có câu: Liệu cơm gắp mắm là như vậy. Biết lượng sức mình cũng là một cách để hạn chế thất bại trong KN...”, anh Sơn kể.
Chưa có khách hàng, không có đầy đủ dụng cụ nấu ăn, chưa có người làm, cũng không có không gian để đãi khách, vậy một đầu bếp đã KN bằng cách nào? Anh Sơn chia sẻ: “May mắn được nhiều bạn bè ủng hộ, tôi mạnh dạn liên kết với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê phục vụ đám tiệc và các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh. Các đồng nghiệp ngoài tỉnh hay tin cũng nhiệt tình kết nối, giới thiệu. Thời điểm này, tôi cũng được Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN quan tâm hỗ trợ, tạo cơ hội cho tham gia nhiều hoạt động KN của tỉnh, các phiên chợ KN, hội chợ OCOP… Hiện tại, tôi liên kết nhà hàng Hùng Vương, khu nghỉ dưỡng Mỹ An, nhà hàng Việt - Thái… để phục vụ khách đến Bến Tre, từ đối tượng bình dân đến cao cấp”.
Ngoài ra, anh cũng đã mạnh dạn kết nối với các nhà hàng, khách sạn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long để giới thiệu thực đơn đặc trưng của xứ Dừa.
Tạo sự khác biệt
Anh Hồ Thành Sơn tâm sự, vấn đề quan trọng mà anh đặt lên vị trí hàng đầu là chất lượng món ăn ngon để tạo uy tín. Vì thế, trong công tác xây dựng đội ngũ phục vụ, anh cũng quan tâm việc đào tạo tay nghề từng lúc. Hiện cơ sở góp phần giải quyết việc làm cho 60 - 70 lao động. Đội ngũ phục vụ đa số là sinh viên, các chị em có thời gian nhàn rỗi, vì thế phải vừa làm vừa đào tạo, nâng cao tay nghề. Để phong cách phục vụ khách ngày càng chuyên nghiệp, anh quan trọng việc tổ chức rút kinh nghiệm cho anh chị em sau mỗi tiệc.
Với ước muốn vươn xa, tạo sự khác biệt, anh luôn chăm chút cho các món ẩm thực dừa. Theo anh, đặc sản xứ dừa có rất nhiều món. Riêng cơ sở anh có thể phục vụ 15 món ẩm thực liên quan đến dừa, như: tép rang dừa; gỏi củ hủ dừa; cá bống dừa kho nước cốt dừa, sả, ớt; tôm hấp nước dừa đốt rượu… “Nước dừa xiêm tiện lợi cho nhiều món nấu rất hấp dẫn, tạo hương vị tự nhiên, không cần nêm gia vị nhiều, vẫn có thể tạo được khẩu vị ngọt thanh, tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên. Điểm khác biệt nổi bật của ẩm thực Bến Tre là có thể chế biến nhiều món ăn từ nước dừa tươi, nước cốt dừa tươi, để tạo mùi thơm, hương vị đặc trưng”, anh Sơn cho hay.
Món đơn giản nhất là dùng lá cách gói cơm dừa với hến, thịt ba chỉ luộc, chấm nước mắm chua ngọt. Về Bến Tre thưởng thức ẩm thực thì không thể không có gỏi củ hủ dừa vì đây là nét đặc trưng. “Gỏi củ hủ dừa là món gỏi nổi bật nhất trong các món gỏi của Bến Tre”, anh Sơn nhận định. Ngoài ra, ẩm thực xứ dừa còn có các món đặc trưng như gỏi bông bần, cá bông lau nấu bần, cá ngát nấu cơm mẻ.
Bình quân mỗi tháng cơ sở của anh phục vụ 300 - 500 bàn, tương đương 3.000 - 5.000 khách, cao điểm lên đến 1.000 bàn, tương đương 10.000 khách.
“Chuẩn bị Lễ hội Dừa lần V năm 2019, tôi sẽ tích cực nghiên cứu thêm đặc sản xứ Dừa. Hy vọng ẩm thực xứ dừa Minh Châu có thể kết nối các điểm kinh doanh du lịch trong tỉnh để hướng đến phục vụ ẩm thực chất lượng cao, tạo sự hài lòng cho khách hàng, khai thác giá trị tài nguyên bản địa Bến Tre và tạo được sự khác biệt cho ẩm thực, du lịch xứ Dừa so với các địa phương khác trong khu vực”, anh Sơn bày tỏ.
Bài, ảnh: Nhiên Luận