“Bước nửa” của dì Nguyên

02/03/2011 - 08:20

Khi trời còn tờ mờ sáng, trước lúc ra đồng, ba đánh thức tôi dậy: “Trưa con đem cơm, nhớ ghé nhà dì Nguyên xin mấy trái ớt hiểm!”.

Ấy, ớt hiểm thì nhà tôi có thiếu gì. Mọc lủ khủ bên hè, trái chỉa lên như bàn chông, ăn không xuể, đám chim trao trảo tha hồ chén no nê rồi kêu chỏi lỏi. Tôi vẫn chưa hiểu hết lý do vì sao ba lại biểu tôi như vậy. Chắc hẳn không phải ớt nhà dì Nguyên xanh tốt, cay và giòn hơn nhà mình. Có lần tôi rất quyết tâm thử xem ớt nào ngon hơn, nhưng đành nhận thất bại ê chề, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Mà dù tỏ tường nguyên cớ nào, tôi cũng phải cố giữ kín, nhất là đối với má. Không phải tôi thương ba hơn má, a tòng với ông, mà vì tôi thích gặp được dì Nguyên.

Ba kể, dì Nguyên là người ở miệt trong theo chồng về đây. Chồng dì là bạn nối khố của ba, một nông dân chính hiệu nhưng lại thích ngao du sơn thủy, tranh thủ mùa màng xong xuôi nhàn rảnh, thường theo các ghe thương hồ xuôi ngược khắp miền sông nước. Cưới được dì, chú hứa sẽ cất mộng tang bồng hồ hải bằng việc nằng nặc xin theo bạn đi biển lần đầu. Không ngờ biển giữ chú lại luôn, để dì sống cảnh góa bụa khi tuổi còn đôi mươi. Nghề may và mảnh vườn dừa đã giúp dì không phải lam lũ, dầm sương dãi nắng, vóc dáng dì cứ ngời xuân sắc. Do biết nhà tôi chật vật, còn dì ít nhiều có dư, đồng ra đồng vào, nên dì hay mua tập sách, áo quần cho anh em tôi. Má lấy làm tự hào về dì và kết tình chị em bạn. Thi thoảng, ba biểu tôi mang gạo nếp, con cá lóc hoặc vài trứng gà biếu dì ăn cho vui.

Đùng một bữa đi ăn giỗ ở xóm ngoài về, má tôi đạp nia đá thúng, mắng mèo chửi chó, sai tôi vô đồng “thỉnh ổng” về liền.

Thấy tôi mình không, điệu bộ lấm la lấm lét, ba dừng tay: “Con tính bỏ đói ba sao, ở nhà xảy ra chuyện gì à?”

- “Dạ, má quạu đeo, la om sòm ở trỏng!”.

Ba bặm môi, đầu gật gật, có lẽ đoán được sự tình: “Con về trước, ba kẹt đắp khúc bờ mẫu. Đừng lo, cùng lắm thì bả đốt nhà, anh em bây ráng la làng cho bà con tới cứu”.

Rốt cuộc thì lửa không cháy nhà mà trái lại, bếp núc tro tàn than rụi, nguội lạnh cơm canh. Chuyện ba bỏ một buổi làm đồng, phụ dì Nguyên lợp lại chái bếp bị mấy tay bợm lâu nay tròm trèm “dĩa mứt gừng”, hít hà thêm mắm dặm muối. Má tôi nghe lỏm bà lỏm bỏm, ngòi nổ bùng lên những âm ỉ chất chứa lâu nay.

*  *

 *

Việc tôi ghé xin ớt hiểm trở thành sợi dây duy nhất giữ mối liên hệ giữa hai gia đình một thời thơm thảo. Rồi sợi dây cũng bị chặt đứt không thương tiếc, ứng với cảnh cả mấy chục cây ớt quanh nhà dì Nguyên bị nhổ rụi, chất đống trước sân khi hai cha con tôi từ ngoài đồng về. Tôi chết điếng hứng mấy roi vào mông bởi cái tội: “Thứ đồ nuôi ong tay áo. Tiếp giáo cho giặc!”. Ba lắc đầu than: “Ghen quá hóa khùng!”. Dường như chẳng thỏa cơn, má tức tửi: “Có ớt nào mà không cay hả trời!”

Một bữa, dì Nguyên chờ tôi ở cổng trường. Mấy tháng không gặp, trông dì ốm và xanh xao hơn. Dì ôm tôi rươm rướm nước mắt: “Chứ bộ con cũng ghét dì hay sao mà lâu rồi không đến chơi?”. Tôi xúc động quá, thốt lên: “Ớt nhà dì còn trái hôn, mai con tới…?”. Hỏi nửa chừng mới thấy mình thiệt vô duyên, bởi vô tình khơi lại vết thương lòng, khiến dì càng nức nở. Về đến nhà, lòng dạ tôi cứ nặng trĩu trước cảnh tình tội nghiệp của dì, thân yếu thế cô lặng lẽ hứng chịu bao lời xỉa xói. Định bụng nói nhỏ cho ba biết và hỏi xem có cách gì chia sẻ được với dì Nguyên không, chợt má tôi nhảy cẩng lên như trúng số độc đắc. Thì ra, điều má âm thầm cầu trời khấn phật suốt thời gian qua đã linh nghiệm. Dì Nguyên vừa tìm được bến đỗ mới, đồng nghĩa với việc xóa tan nỗi phập phồng lo ngại, ngày đêm canh cánh “giữ chồng” dùm thiên hạ của mấy bà vô công rỗi nghề.

Mặt mày má tôi như trẩy hội: “Tui tính mai kêu người ta cân cặp heo!”. Ba tằng hắng. Má tiếp: “Lúc trước, dỉ giúp sấp nhỏ nhiều quá, sẵn dịp này, mình tặng gì coi được chút. Nghe phong thanh là đám xong, dỉ phải về xứ, trả đất cho bên chồng trước”. Ba nhếch môi: “Bà mà cũng biết ơn nghĩa nữa à? Ăn mừng thì cứ nói đại!”. Má liếc xéo: “Chỉ giỏi giả mù sa mưa. Đàn ông gì giận dai như đỉa…!”

Mặc kệ đỉa có biết giận hờn hay không, riêng ba vẫn bình chân như vại, giấu kín buồn vui trong tiếng thở dài, đứt đoạn. Má lăng xăng tới lui phụ đám. Tôi hồi hộp chờ xem chồng sắp cưới của dì là ai, đinh ninh thế nào cũng là người đồng vai phải lứa, thì đứa em gái thỏ thẻ: “Anh biết bước nửa của dì Nguyên hôn?”. Tôi sửa lưng: “Bày đặt tài khôn, bước nữa mới đúng!”. “Hí, em nghe bà Tư qua nói với má dì Nguyên lấy chồng đi bước nửa rõ ràng!”.  

Không nén nỗi tò mò, tôi chạy riết đến nhà dì Nguyên. Vừa tới cổng rào, tôi sững người khi thấy chú Tèo bán vé số ngoài chợ, tay chống nạng, tay còn lại đang cắt tỉa đám dây thiên lý bám lòng thòng bên mái hiên…

Tôi vội vã quay mặt mà mắt cay xè, hệt như cái bữa ăn thử coi ớt nhà nào ngon hơn.

Nguyên Tiêu - 2011

Truyện ngắn của PHONG HÂN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN