Các báo cáo, giải trình của Chính phủ đã chỉ rõ, việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của cán bộ công chức còn chưa nghiêm; trình độ một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.
Sáng 15/6, một số đại biểu Quốc hội đặt vấn đề khi chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, thực trạng trên là do đâu và giải pháp nào để chấn chỉnh, đem lại niệm tin cho người dân vào đội ngũ cán bộ.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện cả nước có trên 2,8 triệu cán bộ công chức, trong đó công chức cấp xã có trên 111.000 người. Đa số cán bộ công chức có bản lĩnh chính trị, có tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật và phần lớn được đào tạo chuyên môn, chính trị.
Đất nước đạt được những thành tựu to lớn thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã ngày đêm lăn lộn với phong trào, vượt qua khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, năng lực và trình độ của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ công chức chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế và quản lý một nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.
Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã kết luận: Một bộ phận cán bộ còn tỏ ra quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực, chưa đạt yêu cầu về văn hóa công sở, làm mất uy tín của đội ngũ cán bộ.
Về nguyên nhân, theo Phó Thủ tướng, công tác tuyển dụng, tiếp nhận, thi tuyển, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ còn nhiều bất cập. Chính hạn chế, yếu kém trong tuyển chọn nhân tài là vấn đề rất lớn trong cơ cấu đội ngũ cán bộ hiện nay.
Để giải quyết tình hình trên, theo Phó Thủ tướng, trước hết cần rà lại một số văn bản pháp luật, nhất là những quy định về tuyển dụng, đánh giá, thi cử để có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Cần công khai quy định về đánh giá cán bộ để loại bỏ cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ vi phạm kỷ luật, cán bộ mất uy tín với Đảng, với dân.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, một trong những giải pháp đang được xem là quản lý cán bộ công chức trên cơ sở xác định vị trí việc làm. Vì chúng ta đã xác định một biên chế tổng số nhưng không mô tả được việc làm cụ thể của từng cán bộ công chức. Việc mô tả việc làm là điểm mới để góp phần xác định trách nhiệm của cán bộ.
Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới cơ chế tiền lương để nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ. Cùng với đó là công tác thanh tra công vụ phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc hơn để loại bỏ những cán bộ yếu kém.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước tiên, cán bộ công chức cần nâng cao năng lực, trí tuệ thông qua nghiên cứu, học tập, không thể chủ quan. Người cán bộ phải nâng cao nặng lực hành động để đưa các chính sách vào thực tiễn cuộc sống, thực hiện hiệu quả các quyết sách cần thiết đối với nhân dân mà không sợ trách nhiệm, không sợ mất chức, mất ghế.
“Điều đặc biệt quan trọng là người cán bộ công chức cần nâng cao trách nhiệm trước nhân dân trong công việc của mình, lắng nghe ý kiến nhân dân trong thực hiện chính sách, thực thi công vụ và xử lý những việc cụ thể trên cương vị của mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.