Biên đạo múa Kim Loan

“Duyên nợ” với hình tượng mẹ Việt Nam anh hùng

18/07/2022 - 05:36

BDK - Hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật múa, biên đạo múa Kim Loan - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Đình Chiểu, hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã trực tiếp biểu diễn cũng như xây dựng rất nhiều hình ảnh về các làng nghề quê hương, nét đẹp xứ Dừa, đặc biệt là hình tượng mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Thừa hưởng truyền thống từ gia đình cách mạng và cũng từng là diễn viên của Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre, những tác phẩm múa của chị, nhất là về mẹ VNAH luôn mang nhiều tâm huyết và để lại nhiều ấn tượng cho người xem.

Biên đạo múa Kim Loan hóa thân vào hình tượng mẹ Việt Nam anh hùng.

Biên đạo múa Kim Loan hóa thân vào hình tượng mẹ Việt Nam anh hùng.

Nhiều cống hiến cho nghệ thuật múa

Biên đạo múa Kim Loan tên thật là Đặng Thị Kim Loan (sinh năm 1958), là người con của xã Thành Triệu, huyện Châu Thành. Chị từng là diễn viên múa của Đoàn Văn công giải phóng tỉnh (1976 - 1980). Sau khi tách đoàn, chị là diễn viên múa của Đoàn ca múa Bến Tre (1980 - 1990), công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre, nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh (1990 - 2011). Chị là gương mặt nhận Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu (năm 2017).

Trong suốt hơn 4 thập kỷ, biên đạo múa Kim Loan đã trực tiếp tham gia biểu diễn và dàn dựng cho hàng trăm tiết mục, chương trình phục vụ cho các sự kiện chính trị tại tỉnh, các ban, ngành tỉnh và tham gia liên hoan nghệ thuật cấp khu vực, cấp toàn quốc. Các tiết mục múa do chị thể hiện hoặc xây dựng đa dạng chủ đề. Nổi bật nhất là chủ đề về những làng nghề quê hương, những nét đẹp quê hương và ca ngợi hình tượng mẹ VNAH.

Tính đến nay, chị có hơn 10 huy chương (HV) vàng, nhiều HC bạc và các giải thưởng tại các lần hội diễn, liên hoan nghệ thuật cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Trong số đó, có thể kể đến tiết mục múa “Dệt đẹp quê hương” đạt HC vàng nghệ thuật quần chúng ngành tài chính (năm 2005). Tiết mục múa “Hạt muối quê tôi” đã đạt HC vàng Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc năm 2011… Chị cũng đã góp sức xây dựng nhiều tiết mục cho đơn vị Bến Tre tham dự và đạt giải tại các kỳ liên hoan Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông, liên hoan Múa không chuyên toàn quốc…

Chị chia sẻ, chị rất có duyên với hình tượng mẹ VNAH trong các tiết mục múa. Có lẽ, vì cả hai mẹ của chị (mẹ ruột Võ Thị Nghiêm và mẹ chồng Phạm Thị Bê) đều được phong tặng mẹ VNAH nên đã hun đúc tinh thần cách mạng, tình yêu quê hương, sự tôn kính và tâm huyết với hình tượng các mẹ VNAH. Chị đã từng hóa thân hình tượng mẹ VNAH trong nhiều tiết mục múa nổi tiếng như “Rực sáng rừng dừa”, “Người mẹ của tôi”…

“Thể hiện hình tượng mẹ VNAH rất khó, đòi hỏi phong thái chững chạc, vừa là người phụ nữ dịu dàng vừa mạnh mẽ trong tính cách; dịu dàng, hy sinh cho chồng, cho con, cống hiến hết lòng cho cách mạng nhưng hiên ngang, mạnh mẽ trước quân xâm lược. Khi biểu diễn tạo hình mẹ VNAH, các động tác cần hết sức chú ý từng chi tiết để tạo hình đẹp, vừa thể hiện sự tôn kính, tình cảm với các mẹ VNAH, cũng vừa là trách nhiệm của người nghệ sĩ múa”, chị Kim Loan bày tỏ.

Kế thừa và truyền lửa

Điều thú vị là cả gia đình nhỏ của chị Kim Loan (vợ chồng và con gái) đều theo hoạt động nghệ thuật. Nhạc sĩ Huỳnh Hiệp - ông xã của chị cũng là người xuất thân từ Đoàn Văn công giải phóng tỉnh, nhiều năm gắn bó với hoạt động nghệ thuật ở vai trò quản lý Trung tâm Văn hóa tỉnh, hiện là cán bộ hưu trí). Em Huỳnh Thị Nhật Linh - con gái của chị hiện là diễn viên múa, viên chức làm việc tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Em Nhật Linh cũng đã góp mặt trong nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị tỉnh và góp mặt trong các chương trình thi diễn cấp khu vực.

Bản thân biên đạo múa Kim Loan hiện nay dù đã nghỉ hưu, nhưng với kinh nghiệm và tâm huyết với nghệ thuật múa, chị đã nhiều lần nhận lời mời làm cố vấn cho nhiều chương trình nghệ thuật của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cùng với một số nhạc sĩ tên tuổi của tỉnh. Đồng thời, chị cũng đã tham gia làm ban giám khảo tại một số hội thi, liên hoan nghệ thuật của cấp tỉnh, các ngành, địa phương.

Với chị, nghệ thuật múa đã là niềm đam mê “ăn vào máu” của chị, nhưng chị luôn tìm tòi, sáng tạo những cái mới, dựa trên nền tảng truyền thống của tỉnh, những định hướng của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành. Đặc biệt, khi xây dựng mỗi tác phẩm, mỗi tiết mục múa, chị đặt rất nhiều tâm huyết để thực hiện đạt chất lượng cao nhất có thể. Nhất là xây dựng hình tượng các bà mẹ VNAH. Chị đã tận tình chia sẻ, hướng dẫn các thế hệ lớp sau những kinh nghiệm múa mà chị đã tích cóp.

Theo biên đạo múa Kim Loan, hình tượng mẹ VNAH vốn dĩ đã rất đẹp, in sâu vào tâm trí nhiều thế hệ. Do đó, khi đưa vào nghệ thuật múa cần hết sức khéo léo. Có thể sáng tạo khi xây dựng hình tượng mẹ VNAH nhưng cần đảm bảo một số chi tiết như: nên lựa chọn áo bà ba đen là phù hợp nhất, khi thực hiện động tác đưa tay tạo hình cần thể hiện sự mạnh mẽ, tạo hình đẹp để không gây phản cảm và tạo tình cảm với người xem.

Thông qua nghệ thuật múa, thông qua hình tượng mẹ VNAH trên sân khấu đã góp phần tuyên truyền về truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam, của quân và dân Bến Tre. Đồng thời, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, tri ân nguồn cội cho các thế hệ đương thời, các thế hệ trẻ về sau. Như một con tằm miệt mài nhả tơ, biên đạo múa Kim Loan đã mang trái tim cống hiến cho nghệ thuật múa tỉnh, ban tặng cho khán giả những hình tượng múa về các mẹ VNAH thật đẹp và đong đầy ý nghĩa.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN