 |
Nhờ chịu khó làm lụng, tích cóp, cuộc sống gia đình của dì Sáu đã ổn định. |
Trong xã hội có sự phân công lao động khác nhau, người lao động trí óc, người lao động chân tay… tất cả đều đáng quý! Do đó, tích cực lao động để có nguồn thu nhập chính đáng, ổn định cuộc sống; phân công, tổ chức lao động hợp lý, biết tính toán và sáng tạo để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm… là những nội dung được đề cập đến trong Đề án Xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Hiện nay, 16 xã, phường của thành phố Bến Tre đã được công nhận là đơn vị văn hóa. Điều này rất có ý nghĩa đối với tiến trình xây dựng thành phố Bến Tre trở thành thành phố văn hóa vào năm 2015. Thành phố Bến Tre, theo thống kê năm 2011, có 98,6% số hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, đời sống người dân ngày càng ổn định và nâng lên. Một trong những tiêu chí quyết định danh hiệu gia đình văn hóa là việc tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập của từng thành viên cần đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, đời sống gia đình được bảo đảm, có mức tiêu dùng hợp lý, có ý thức tiết kiệm, có kế hoạch phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của gia đình. Các thành viên trong gia đình đều hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập.
Một ngày mưa tháng 5, tôi gặp dì Trần Thị Hạnh, còn gọi là dì Sáu Chùa (phường Phú Tân), một người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó với nghề thu mua ve chai để nuôi 5 đứa con. Hơn 30 năm qua, dì vẫn dầm mưa đội nắng để đi đến từng nhà thu gom ve chai rồi bán lại cho vựa. Đến nay, cuộc sống của gia đình dì đã ổn định với một ngôi nhà khá khang trang, không còn chạy lo cái ăn cái mặc hàng ngày. Con cái được học hành. Dì Sáu nói: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, chồng thì đạp xe lôi, còn tôi thì đi mua ve chai… lao động cật lực lắm. Những gì mà hôm nay chúng tôi có đều từ đôi bàn tay trắng làm ra. Đồng cảnh ngộ như dì Sáu, chú Thanh Xuân ở phường 7 cũng có những ngày tháng cơ hàn, rồi nhờ cả hai vợ chồng chịu khó, siêng năng lao động mà giờ đây nên cửa nên nhà. Chú Xuân suy nghĩ, nếu mình cần cù lao động thì bữa cơm hàng ngày được cải thiện, con cái được học hành đàng hoàng… “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa/ Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày”. Hai vợ chồng chú Xuân chia sẻ: “Hồi mới cưới, được gia đình cho một công đất, chúng tôi làm ruộng rồi lên vườn trồng sơ-ri, một ngày bắt đầu từ tờ mờ sáng và kết thúc vào lúc trời nhá nhem, vất vả không kể xiết. Rồi nhờ biết tiết kiệm, vén khéo, vợ chồng tôi mua thêm được mấy con heo… kinh tế cứ thế phát triển, chúng tôi dành dụm xây được căn nhà. Được sống trong ngôi nhà do chính mình làm ra, vợ chồng tôi rất mừng và hạnh phúc”. Sắp xếp công việc gia đình ổn thỏa, chú Xuân còn tham gia rất nhiều công tác xã hội như cộng tác viên dân số, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ. Gia đình chú nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa.
“Lao động là vinh quang”, xã hội luôn yêu quý và đề cao những con người cần cù, chịu thương chịu khó. Tin rằng sự cố gắng lao động của ngày hôm nay sẽ đem lại nhiều thành quả trong tương lai cho người biết cố gắng vươn lên. Tích cực lao động để có cuộc sống ổn định cũng có nghĩa là bạn đã và đang góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị.