
Tham quan vườn lá sâm trên đất cồn Tam Hiệp.
Qua sông lụy phà
Phà qua sông chỉ mất khoảng 10 phút nhưng thời gian chờ phà thì gần 30 phút. Một cô bé ngồi ở băng ghế đá bên cạnh buông cuốn sách đang đọc dở ngẩng lên nói: “Do ít người nên phải đợi đông đông chút thì mới có chuyến đó chị!”. Cù lao Tam Hiệp nằm giữa sông Tiền. Từ đầu cồn đến cuối cồn, ngoài phà Phú Thuận - Tam Hiệp là phà lớn, chở được ô tô thì còn lại là 3 bến đò nhỏ hơn gồm bến Long Định qua Tam Hiệp, bến Tam Hiệp qua Hòa Định (Tiền Giang), bến Tam Hiệp qua Tân Thới (Tiền Giang), các bến trải dọc theo chiều dài cồn để tiện cho việc qua lại đất liền của người dân. Phà Phú Thuận - Tam Hiệp chạy từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối thì hết chuyến. Đang đêm nếu ai có việc gấp, ốm đau thì “bao phà” qua sông. Người dân vận chuyển nông sản, học sinh qua đất liền học tập, người dân đi làm, đi chợ... đều lụy phà giang.
Sống ở xứ cồn, người dân nơi đây bao năm qua đã quen với từng chuyến phà đi đi về về đất liền - cù lao. Và bến đợi phà hôm nay có tôi như là một trạm nghỉ chân. Không ai gấp gáp, không ai hối hả, kể cả tiếc nuối vì lỡ một chuyến phà. Có lẽ trong lịch trình di chuyển, họ đã quen với tính toán trừ hao khoảng nghỉ “giữa hiệp” này. Một nhóm bạn hàng bán nệm tụm lại góc quán cóc ngồi hút thuốc, trò chuyện rôm rả, tiếng nói cười rang rảng như tiếng rao hàng đã trở thành thói quen...
Về thăm xứ nhãn
Ngay khi đặt chân lên cồn, màu xanh vườn tược gần như bao phủ lấy tôi. Bạt ngàn là nhãn. Dọc hai bên đường, sâu vào từng khu vườn, nhãn sai trĩu quả từng chùm. Cây nhãn là cây trồng chủ lực của Tam Hiệp. Diện tích trồng nhãn hiện tại của xã trên 544ha, gần phân nửa diện tích tự nhiên của cồn tính cả bãi bồi, nhiều nhất là nhãn tiêu da bò 179ha, kế đến là nhãn xuồng cơm vàng 135ha. Người ta nói đất cồn phù sa màu mỡ nên hợp với cây nhãn vô cùng. Trước đây, ở vùng này bà con trồng nhãn long, về sau mới tới nhãn xuồng, nhãn tiêu, nhãn quế. Nhưng do cây nhãn xuồng xuống đất này lại không mạnh như cây nhãn long nên người Tam Hiệp mới nghĩ ra cách tháp nhãn xuồng trên gốc nhãn long.
Trên con đường quê mùa nhãn chín, nhiều thương lái đang túm tụm phân loại, cân hàng, đóng gói. Họ mua nhãn theo thời giá, đến tận vườn để cân, mướn lao động địa phương cắt và chọn lọc. Nhãn cắt xuống còn nguyên cành được kết lại từng chùm, đơm thêm lá rất đẹp mắt. Từ đây, trái nhãn xứ cồn Tam Hiệp sẽ được chuyển đi khắp các chợ trong và ngoài tỉnh. Có năng suất, chất lượng nhưng người nông dân còn phụ thuộc nhiều vào đầu ra của nông sản, giá cả không ổn định nên thu nhập của bà con cũng ít nhiều ảnh hưởng. Vừa qua, xã đã thành lập được 1 hợp tác xã nông nghiệp với 30 thành viên, có 4 tổ hợp tác nhãn cùng 1 tổ hợp tác bưởi được 105 thành viên đăng ký hoạt động. Chính quyền đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nhãn Tam Hiệp. Có lẽ khi đó, trái nhãn đất cồn sẽ bớt bấp bênh.
Lập nghiệp tại quê nhà
Tam Hiệp là xã cù lao thuộc huyện Bình Đại, diện tích tự nhiên khoảng 1.300ha, với 1.010 hộ dân, trên 3.500 nhân khẩu, trong đó có 137 hộ nghèo, 45 hộ cận nghèo. Người dân ở xã chủ yếu trồng cây ăn trái, một số hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, chăn nuôi, nuôi cá lồng bè, cá da trơn. Xã đang xây dựng nông thôn mới, hiện đạt 9/19 tiêu chí. |
Lao động trẻ làm việc tại địa phương không nhiều, họ chủ yếu mưu sinh hoặc làm công nhân khu công nghiệp bên đất liền, một số đi xuất khẩu lao động. Chị Huỳnh - “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ của tôi kể: “Nhiều người dọn qua đất liền sống để tiện cho công việc, cho con cái đi học nhưng vẫn giữ nếp nhà bên này, lâu lâu về nghỉ ngơi. Cũng có nhiều người ở đất liền mua đất cất nhà bên cồn để chọn nếp sống an nhàn, yên tĩnh”.
Trên cồn có 1 trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS, lên cấp 3 thì các em phải đi phà qua đất liền học. Xong cấp 3 thì có em đi làm, có em tiếp tục học đại học hoặc lập nghiệp nơi xa nhưng cũng có nhiều thanh niên chọn quay về chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình để tạo dựng sự nghiệp. Đó là câu chuyện mà tôi được nghe kể khi ghé thăm vườn lá sâm của anh Nguyễn Thanh Cường.
Từ bến phà Phú Thuận - Tam Hiệp rẽ trái đi về phía đầu cồn, nằm trên tuyến đường chính xuyên xã, thuộc Ấp 1 có một khu vườn lá sâm độc đáo. Lá sâm leo cao 2 - 3m thành từng giàn giăng giăng như những tấm màn xanh rất đẹp mắt. Với nhiều người thành thị có lẽ khu vườn này sẽ là một trải nghiệm mới mẻ. Bởi lá sâm thì có thấy, có biết, có ăn thử nhưng vào tận vườn để ngắm và nghe chủ vườn kể chuyện trồng lá sâm thì hẳn là ít đâu có được.
Khu vườn được quy hoạch lớp lang sạch đẹp nên tạo cho người tham quan cảm giác thoáng chốc như bước vào một nơi cổ tích. Cũng chính cảm giác lạ lẫm này, mà vườn lá sâm nhà anh Cường đã thu hút không ít du khách đến tham quan, có nhiều du khách nước ngoài đến và vô cùng thích thú khi lạc vào khu vườn lá sâm độc đáo, được ăn thử món lá sâm dân dã của người miền Tây. Vào nghề và gắn bó với lá sâm đã hơn 14 năm, anh Cường nắm rõ đặc tính của loại cây này. Thấy vườn anh trồng nhiều, lại thiết kế đẹp mắt nên mấy tour du lịch hay du khách tìm tới tham quan, hỏi thăm cách trồng, anh cũng tận tình hướng dẫn. Ở đây, anh Cường vừa bán lá sâm tươi vừa vò lá sâm để bỏ mối, có bán cả cây non để mua về làm giống.
Câu chuyện người thanh niên về quê lập nghiệp với vườn lá sâm, từng “cả gan” lén cha đốn vườn nhãn trồng lá sâm rồi vươn lên trở thành kinh tế chính của gia đình càng khiến người nghe nể phục. Mới thấy không phải môi trường sẽ quyết định con người mà là con người cải tạo môi trường để vươn lên khẳng định chính mình.
Bước lên lầu, du khách càng bất ngờ hơn khi chiêm ngưỡng toàn cảnh khu vườn lá sâm từ trên cao. Thưởng thức những ly lá sâm nước đường thanh mát do chính tay anh chủ nhà vò, cảm giác như trở về những ngày hè thuở ấu thơ. Gió lồng lộng thổi rung rung giàn lá sâm xanh mướt mát, từ đây có thể nhìn thấy bát ngát phía xa vườn nhãn chuyên canh của xứ cồn. Trên con đường quê, chúng tôi nhìn thấy thấp thoáng nụ cười của anh Út lái máy kéo đang chở vật tư đi ngang qua. Hôm nay anh đang lên nền cất nhà ra riêng.
Bài, ảnh: Thanh Đồng