Xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ

“Sức mạnh mềm” của gia đình trong phát triển xã hội

26/06/2023 - 05:15

BDK - Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, gia đình hạnh phúc, tiến bộ, đã định hướng 10 giá trị cốt lõi xây dựng con người Bến Tre và đặt mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, là môi trường đầu tiên, quan trọng trong hình thành và giáo dục đạo đức, nhân cách con người, tạo tiền đề để con người phát triển toàn diện. Mối tương hỗ giữa con người và gia đình là trọng tâm để tạo động lực tinh thần, sức mạnh mềm to lớn, góp phần phát triển xã hội.

Xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, là môi trường đầu tiên, quan trọng trong hình thành và giáo dục đạo đức, nhân cách con người. Ảnh: Thanh Đồng

Xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, là môi trường đầu tiên, quan trọng trong hình thành và giáo dục đạo đức, nhân cách con người. Ảnh: Thanh Đồng

Gặp gỡ gia đình học tập tiêu biểu

Hướng về Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Lư Duy Hiệp, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm; là một trong những gia đình học tập tiêu biểu của tỉnh. “Thành tựu trọn đời” tự hào nhất của hai ông bà chính là 5 người con đã thành tài từ nếp nhà hiếu học mà ông bà đã dày công chăm lo, bồi dưỡng.

Trước đây, gia đình ông sống bằng nghề nông. Đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Hai vợ chồng tảo tần làm đủ mọi nghề để lo cho các con, từ nghề mộc, mua bán khô, cho đến sơ cấp thú y và hành nghề thú y. Vợ ông thì chia sẻ gánh nặng cho chồng bằng nghề làm bánh bán ở chợ. 5 người con lần lượt đều vào đại học.

 Dù vất vả nhưng tâm niệm của hai ông bà là phải nuôi dạy các con học hành nên người. Có nhiều lúc ông bà phải mượn tiền người thân, vay tiền ngắn hạn để lo cho các con ăn học nhiều năm. Không phụ lòng cha mẹ, các con của ông Hiệp đều thành tài và có gia đình riêng yên ấm. Mỗi người, cả dâu lẫn rể đều là những trí thức từ thạc sĩ đến tiến sĩ, tham gia công tác giảng dạy tại các trường THPT, cao đẳng, đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Có người làm kinh tế, thành đạt trong cuộc sống. 11 cháu nội, ngoại tiếp nối truyền thống học hành của gia đình, đều chăm ngoan, học tốt. Gia đình luôn tích cực tham gia cuộc vận động Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới và các phong trào khác ở địa phương.

Với kết quả phấn đấu, gia đình ông Lư Duy Hiệp được Hội Khuyến học huyện Giồng Trôm chọn dự lễ tuyên dương gia đình hiếu học tiêu biểu tỉnh lần 1 năm 2006; được UBND xã công nhận là Gia đình học tập từ năm 2015 - 2018. Ông được tham dự Đại hội toàn quốc biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020 vào cuối tháng 11-2020 do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức. Theo ông Hiệp, sự thành công của các con ông bà phần lớn là nhờ sự phấn đấu, chuyên cần của mỗi cá nhân, sự thương yêu, đùm bọc, anh em trong gia đình quan tâm, chăm sóc cho nhau, vâng lời cha mẹ.

Sợi dây liên kết trong gia đình

Từ câu chuyện của gia đình ông Lư Duy Hiệp, có thể thấy rất rõ sợi dây liên kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình. Hai vợ chồng ông Hiệp chia sẻ với nhau trong cuộc sống, chăm chỉ lao động, nuôi dạy các con. Ông kể: “Hai vợ chồng tôi trên dưới thuận hòa, không có cự cãi. Chồng nói vợ nghe. Vợ bàn thì chồng nghe. Tôi thì đi làm bên ngoài, lo tiền trường cho con. Còn bà thì lo quán xuyến chuyện trong nhà, cơm nước”. Từ nếp sống thuận hòa đó đã tạo thành giá trị cốt lõi của gia đình ông Hiệp. Đó là hiếu học, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau; là người công dân tốt, có trách nhiệm với xã hội.

Trao đổi với một số gia đình trẻ khác cũng có thể thấy, việc xây dựng mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình là yếu tố luôn được xem trọng. Bởi, sợi dây liên kết này có bền chặt thì mới gìn giữ cho kết cấu của gia đình vững vàng trước sóng gió cuộc đời. Chị Phạm Thị Lộc, công chức nhà nước, làm việc tại TP. Bến Tre cho biết: “Tôi cảm thấy rất may mắn vì được sống cùng ba mẹ chồng. Do ba mẹ không có con gái nên rất thương và xem mình như con ruột. Gia đình 3 thế hệ chúng tôi sống cùng nhau. Do đặc thù công việc nhiều bận bịu, vợ chồng chúng tôi cũng được ba mẹ phụ chăm sóc con nhỏ và lo cơm nước giúp chúng tôi yên tâm công tác. Ba mẹ cũng thường hay động viên vợ chồng tôi lúc bất hòa và chia sẻ kinh nghiệm, cách giữ gìn hạnh phúc gia đình”.

Với sự tiện dụng của mạng xã hội, hiện nay, nhiều gia đình cũng tạo các nhóm chat trong Zalo, Facebook để chia sẻ, nói chuyện. Điều này càng giúp gắn kết các thành viên gia đình với nhau. Anh Huỳnh Phúc Vinh (phường Phú Khương, TP. Bến Tre) chia sẻ: “Gia đình chúng tôi có nhóm chat riêng. Chuyện vui, buồn, lớn nhỏ gì cũng nhắn vào nhóm để mọi người cùng biết. Các cháu học hành đạt kết quả tốt hay anh em đi làm có thành tựu cũng báo với nhau. Chúng tôi cũng đã trang bị điện thoại thông minh và chỉ ba mẹ sử dụng Zalo. Ông bà rất vui, tình cảm gia đình càng thêm khăng khít, gần gũi”.

Bên cạnh chia sẻ và yêu thương nhau thì thuận hòa trong gia đình còn được xây dựng từ sự tôn trọng và niềm tin giữa các thành viên trong gia đình. Theo chia sẻ của ông Lư Duy Hiệp, cha mẹ không chỉ có trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy dỗ các con mà còn cần xây dựng được niềm tin cho các con. Để có được điều đó, chính cha và mẹ cũng phải có sự tôn trọng, tin tưởng nhất định dành cho các con của mình.

Ông Lư Duy Hiệp chia sẻ: “Làm cha mẹ thì luôn yêu thương, trông chừng con mình suốt cả đời, nhưng mỗi thời điểm sẽ mỗi khác. Lúc con còn nhỏ thì mình dạy dỗ, uốn nắn, đến khi các con trưởng thành thì mình tâm sự, khuyên lơn con như những người bạn. Phải giữ sự tôn trọng các con để tạo thêm cho các con niềm tin và sự phấn khởi”.

Thanh Đồng

(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN