Trồng và bảo vệ rừng ngập mặn để phòng chống thiên tai.
Tỉnh có vị trí địa lý tiếp giáp biển với chiều dài trên 65km bờ biển. Rừng ngập mặn (RNM) ven biển của tỉnh được đánh giá là một trong những hệ sinh thái giàu có nhất về thành phần loài, là nơi chuyển tiếp giữa đất liền và biển. Sinh cảnh này gồm những cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tại vùng đầm lầy, ngập triều ven biển có độ muối cao. Tuy nhiên, tỉnh cũng là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra như triều cường, nước biển dâng, xâm nhập mặn… làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống dân sinh. Theo thống kê, những năm qua, sạt lở đã làm thiệt hại trên 155ha rừng và mất khoảng 200ha đất sản xuất của người dân.
Với quy hoạch gần 8.000ha RNM, thì toàn tỉnh hiện có 4.441ha diện tích đất có rừng; trong đó rừng tự nhiên là 1.239ha và rừng trồng là 3.202ha gồm: bần, mắm, đước, đưng, phi lao, dừa nước, chà là… tập trung tại 3 huyện ven biển là Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại đã tạo ra “bức tường xanh” dài trên 65km. Sự hiện diện của đai RNM này có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc phòng hộ, chắn sóng, hạn chế xói lở và bảo vệ vùng sản xuất nông - lâm - diêm nghiệp cho người dân, bảo vệ môi trường, nhất là ứng phó với tình hình BĐKH phức tạp như hiện nay.
Tại các xã vùng biển tỉnh như: Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước (Bình Đại); Bảo Thuận, Bảo Thạnh, Tân Thủy, thị trấn Tiệm Tôm (Ba Tri); Thạnh Hải, Thạnh Phong (Thạnh Phú)… là một màu xanh bạt ngàn của RNM. Chia sẻ về tầm quan trọng của việc trồng và bảo vệ rừng, chị Ngọc Hiện, người dân xã Thạnh Phước (Bình Đại) cho biết: “Những năm qua, để góp phần giữ rừng, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân địa phương tổ chức trồng cây gây rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, chúng tôi đã và đang tập trung triển khai thực hiện kế hoạch trồng mới dự kiến lên đến khoảng 20ha diện tích rừng ngập mặn”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết: Tỉnh đã và đang tích cực triển khai các biện pháp giảm thiểu tác hại của BĐKH. Một trong những giải pháp tích cực là trồng RNM ven biển. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã trồng mới thêm 205ha rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 82ha. Phần lớn diện tích rừng của tỉnh được đơn vị chức năng tổ chức ký kết hợp đồng giao khoán với diện tích 2.921ha rừng cho người dân địa phương quản lý, bảo vệ. Nhờ vậy, trên từng lô rừng đã thực sự có chủ thể trực tiếp quản lý, bảo vệ nên hạn chế xảy ra các vụ việc vi phạm đến rừng, đất rừng.
“Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh sẽ tập trung bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được trồng mới, đáp ứng yêu cầu phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai gây ra, tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH. Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 2% vào năm 2025 và 2,1% vào năm 2030; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 1,52%/năm…”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết thêm.