10 năm, một chặng đường xây dựng đời sống văn hóa

20/01/2010 - 08:35

Mục đích của phong trào TDĐKXDĐSVH là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Thực tế cho thấy phong trào đã góp phần tác động tích cực đến việc phát triển cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là phong trào xây dựng giao thông nông thôn, được nhân dân hưởng ứng tích cực.

Cách đây khoảng 10 năm, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) rất mới mẻ đối với mọi người, nhất là người dân nông thôn. Đến nay, phong trào đã được mọi tầng lớp người dân tham gia và các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để ngày một lớn mạnh. Nét nổi bật của phong trào thể hiện ở sự nhanh chóng động viên, lôi cuốn rộng rãi các tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia. Các địa phương nhận thức trách nhiệm phát triển sự nghiệp văn hóa là nhiệm vụ chung, không còn quan niệm xây dựng đời sống văn hóa là của riêng ngành văn hóa - thông tin. Sự chuyển biến về nhận thức là thuận lợi hết sức cơ bản, tạo điều kiện cho công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đi vào chiều sâu.

Từ quan điểm định hướng: văn hóa là yếu tố nội lực quan trọng có tác động thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện giá trị mới của người Việt Nam, từ năm 1997, Ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng thành công mô hình ấp văn hóa đầu tiên tại ấp Phú Nhơn, xã Phú An Hòa (nay thuộc thị trấn Châu Thành), cho đến nay toàn tỉnh có 938/940 ấp – khu phố văn hóa; có 162/164 xã, phường, thị trấn hoàn thành xây dựng 100% ấp, khu phố văn hóa. Có được thành quả này, ngoài sự đồng thuận của nhân dân, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp thì những người đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng phong trào là một yếu tố không kém phần quan trọng. Ông Nguyễn Tuấn Minh – Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, cho biết: “Ban đầu, phong trào TDĐK XDĐSVH gặp một số khó khăn khi triển khai ở cơ sở, đối với người dân, khái niệm “đời sống văn hóa” còn quá xa lạ, còn mang tính trừu tượng. Thấy được thực tế như vậy, Ban Chỉ đạo đã cụ thể hóa nội dung xây dựng ấp văn hóa trong từng lĩnh vực, như: kinh tế, văn hóa, chính trị và an ninh xã hội. Từ đó, mỗi năm, Ban chỉ đạo đều sơ kết, rút kinh nghiệm, bổ sung các tiêu chí ấp, khu phố văn hóa. Đến năm 1997, Ban chỉ đạo đã xây dựng tương đối hoàn thiện về nội dung và ấp văn hóa đầu tiên ra đời. Không dừng lại ở đó, Ban chỉ đạo tiếp tục phát huy phong trào ở tầm rộng hơn, gắn với phạm vi quy mô hành chính, tạo điều kiện cho chính quyền các cấp lãnh đạo trực tiếp phong trào, thế là xã văn hóa ra đời. Từ khi phát động đến nay, Ban chỉ đạo luôn kết hợp chặt chẽ với UBMTTQVN huyện, các hội đoàn thể xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng quy ước, hương ước làm điểm tựa cho hoạt động của phong trào phát triển vững mạnh”.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm Nhà nước thưởng, đến nay, có 275 ấp, khu phố trong tỉnh có 100% đường giao thông nông thôn được nhựa, bê-tông hóa. Kết quả đó đã làm cho diện mạo đường làng, ngõ xóm ngày càng sạch đẹp, thông thoáng. Về ấp Xóm Gò, xã Tân Thanh Tây (Mỏ Cày Bắc) một trong những ấp văn hóa đầu tiên của tỉnh nhà, chúng tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay nơi đây. Nếu như cách đây khoảng 10 năm, về Xóm Gò phải chạy trên những con đường đất trơn trợt, qua những cây cầu tre lắt lẻo, thì ngày nay thay vào đó là những con đường nhựa, bê-tông thẳng tắp, những cây cầu kiên cố nối liền bờ kênh, con sông…

Song song đó, một điều đáng ghi nhận là phong trào đã góp phần đáng kể trong công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở; việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ và xây dựng quy ước nông thôn được thực hiện tốt ở 100% ấp, khu phố. Các quy ước đều được thông qua UBND cấp huyện, thành phố phê duyệt và triển khai học tập trong cộng đồng dân cư… Qua đó, người dân thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng xã hội, tự giác chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Ngoài ra, phong trào đã góp phần tích cực trong phát huy truyền thống đoàn kết, khẳng định lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, giải quyết bức xúc của cộng đồng. Xã Hưng Lễ (huyện Giồng Trôm), có mô hình sinh hoạt tổ nhân dân tự quản rất đặc thù. Mỗi tổ là một mô hình, như: phát huy tình làng nghĩa xóm để cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn nhỏ; tổ xóa nghèo, tập trung vào công tác xóa đói, giảm nghèo; tổ chăm sóc sức khỏe, gia đình thể thao… bằng những việc làm thiết thực đó, các tổ nhân dân tự quản đã duy trì và dần nâng được chất lượng ấp văn hóa. Bên cạnh đó, phong trào TDĐKXDĐSVH còn khơi dậy nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao ở từng xóm, ấp vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa. Với nhu cầu vừa sáng tạo vừa hưởng thụ, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa gia đình được hình thành và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Theo chân người bạn giới thiệu, chúng tôi có mặt tại tụ điểm hát với nhau nghe tại xã Thành Triệu, huyện Châu Thành. Điều chúng tôi cảm nhận nơi đây là niềm đam mê ca hát của giới trẻ, loại hình vui chơi giải trí lành mạnh đang được nhiều người nơi đây tham gia, nhất là giới trẻ. Theo ông Nguyễn Văn Sáu – Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Châu Thành, các phong trào văn nghệ quần chúng đang được người dân nơi đây quan tâm, hình thành các CLB hát với nhau nghe, đàn ca tài tử… nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí. Theo kế hoạch, Trung tâm Văn hóa huyện sẽ tiếp tục phát triển thêm các sân chơi phục vụ đời sống tinh thần cho người dân nơi đây bằng cách mở một số câu lạc bộ: khiêu vũ dành cho giới trẻ, người lớn tuổi; hát với nhau nghe, đàn ca tài tử…

Như lời ông Nguyễn Tuấn Minh đã nói, nhiều người có văn hóa, nhiều gia đình có văn hóa, nhiều ấp, khu phố, xã có văn hóa cộng lại sẽ có một xã hội có văn hóa, mà ở đó các giá trị nhân văn được tôn trọng, đề cao. Mười năm, chưa phải là chặng đường dài, nhưng phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã khẳng định được vai trò và mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội ở vùng sông nước Bến Tre.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN