30 năm - Dấu ấn Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh

30/06/2022 - 14:55

BDK - Ngày 1-7-2022, tỉnh long trọng tổ chức kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình tổ chức Ngày hội truyền thống Văn hóa (TTVH) tỉnh trong 30 năm qua và sẽ có những giải pháp cụ thể hơn để ngày hội thật sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư toàn tỉnh. Xung quanh nội dung này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Bàn cho biết:

Tổ chức trò chơi dân gian dịp 1-7. Ảnh: A. Nguyệt

Tổ chức trò chơi dân gian dịp 1-7. Ảnh: A. Nguyệt

- Kể từ năm 1992 đến nay, Ngày hội TTVH tỉnh được tổ chức định kỳ hàng năm từ ngày 30-6 đến 3-7 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Ngày hội là hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là niềm tự hào của người dân xứ Dừa gắn với chuỗi kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Xuất phát từ tấm lòng của người dân Bến Tre muốn tôn vinh tinh thần yêu nước, tư tưởng nhân văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nên Ngày hội TTVH tỉnh được tổ chức để tiếp tục bảo tồn những giá trị tốt đẹp đó.

Hàng năm, Sở VHTT&DL phối hợp với UBND huyện Ba Tri tổ chức các hoạt động lễ và hội. Sáng ngày 1-7, Ban phụng tự thực hiện các nghi thức cúng truyền thống. Sau đó, lãnh đạo tỉnh, các ban ngành, đoàn thể và đông đảo người dân sẽ nghe đọc văn bia và dâng hương tưởng niệm. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra trong chuỗi ngày hội như: hội thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ, các trò chơi dân gian và thi đấu thể thao truyền thống, ngày hội thanh niên với TTVH, chiếu phim lưu động, biểu diễn nghệ thuật cải lương, trưng bày xếp sách nghệ thuật, triển lãm ảnh, liên hoan đờn ca tài tử, hóa trang Nguyễn Đình Chiểu và các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên…

Sinh thời, Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã trải qua hơn một phần tư thế kỷ gắn bó và chiến đấu cùng với nhân dân huyện Ba Tri nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung. Cụ là nhà thơ, nhà giáo yêu nước và chiến đấu chống kẻ thù không khoan nhượng bằng chính ngòi bút sắc bén của mình. Người dân Bến Tre nhớ đến cụ là nhớ đến tinh thần yêu nước, yêu chính nghĩa, ghét gian tà. Tưởng nhớ cụ, hàng năm, rất đông người dân từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh về viếng và thắp hương tại đền thờ nhân dịp kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của cụ.

Ngày hội TTVH tỉnh 1-7 đã diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động, thu hút hàng ngàn người đến tham quan, vui chơi. Qua đó, tỉnh đã giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị nhân văn của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Những điểm nổi bật trong 30 năm tổ chức Ngày hội TTVH tỉnh?

- Trong nhiều năm qua, công tác tổ chức Ngày hội TTVH tỉnh đã đi vào nền nếp, ổn định và hình thành bộ khung hoạt động chính của lễ và hội thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ, liên hoan đờn ca tài tử, hóa trang, giao lưu Nói thơ Vân Tiên đã trở thành điểm nhấn quan trọng và sự ổn định cho các hoạt động mang yếu tố truyền thống, dân gian. Hàng năm, tùy theo năm chẳn hoặc lẻ sẽ quyết định quy mô tổ chức và có một số hoạt động bổ sung. Biểu trưng Ngày hội TTVH tỉnh 1-7 đến nay đã có dấu ấn quan trọng, trở thành biểu tượng sử dụng trong các sự kiện văn hóa của tỉnh.

Ngày hội TTVH tỉnh đã trở thành di sản văn hóa, là nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện sự chung tay góp sức giữa Nhà nước và nhân dân trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Các nghi thức cúng truyền thống hàng năm do Ban phụng tự đảm trách đã vun đắp lòng thành kính tiền nhân và giúp hậu bối tiếp cận các nghi lễ và bảo tồn không bị mai một. Bên cạnh phần nghi lễ truyền thống, các hoạt động hội thu hút đông đảo người tham gia, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên. Qua đó, góp phần giáo dục TTVH, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng nhân nghĩa.

Năm 2022, ngày hội lần thứ 30 sẽ càng thêm ý nghĩa khi Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm 200 năm ngày sinh. Điều này tiếp tục khẳng định giá trị của ngày hội, tạo sự lan tỏa rộng rãi, chứng minh mạnh mẽ vai trò của cộng đồng trong việc sáng tạo, bảo tồn và phát huy di sản. Người dân Ba Tri nói riêng và Bến Tre nói chung đã, đang và sẽ là chủ thể để tiếp tục tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp cho ngày hội.

Cần làm gì để ngày hội ngày càng lan tỏa trong cộng đồng dân cư, nhất là ngành văn hóa?

- Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tổ chức ngày hội trang trọng, ý nghĩa, lấy người dân làm chủ thể. Tuy nhiên, phạm vi ngày hội chỉ tập trung các hoạt độ̣ng tại huyện Ba Tri, còn các địa phương khác chỉ có tổ chức tuyên truyền bằ̀ng hình thức cổ động trực quan.

Để ngày hội thực sự lan tỏa trong cộng đồ̀ng, với vai trò là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, sở đã tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp để triển khai thực hiện trong năm 2022. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì phát động Ngày hội Văn hóa xứ Dừa, Sở VHTT&DL hướng dẫn chuyên môn tổ chức. Ngày hội được tổ chức tại tất cả các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh, gắn với chuỗi hoạt động kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và Ngày Gia đình Việt Nam. Quy mô tổ chức tại 968/968 ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung từ ngày 27-6 đến 3-7-2022. Nội dung tổ chức gồm: sinh hoạt văn hóa cộng đồng (Nói thơ Vân Tiên; ngâm thơ, hò, vè, ca tài tử...); các hoạt động trò chơi dân gian xứ Dừa (kéo co, đi cầu dừa, đi trên gáo dừa, leo dừa, bó đuốc lá dừa); trưng bày mâm cơm gắn với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”…

Sở VHTT&DL phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh may 2.000 lá cờ hội (cờ ngũ sắc) để treo tại huyện Châu Thành, TP. Bến Tre, Ba Tri nhằ̀m tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày diễn ra lễ hội. Chủ trì và phối hợp tổ chức 5 lớp truyền dạy Nói thơ Vân Tiên theo hình thức trực tuyến cho cán bộ các ban ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến ấp, khu phố; cán bộ làm công tác văn hóa, giáo viên, học sinh, công nhân, công chức, viên chức, lao động, hướng dẫn viên du lịch. Đây sẽ là những hạt nhân nòng cốt góp phần làm cho Ngày hội TTVH tỉnh Bến Tre 1-7 có nhiều hoạt độ̣ng phong phú, đa dạng.

* Xin cảm ơn Giám đốc Sở VHTT&DL!

“Sở VHTT&DL sẽ nghiên cứu, xúc tiến để tổ chức các tour tham quan du lịch trong thời gian diễn ra ngày hội. Vừa qua, trong khuôn khổ “Hành trình theo bước chân Cụ Đồ”, đoàn công tác của tỉnh đã đến Thừa Thiên - Huế và có các hoạt động liên kết, xúc tiến phát triển du lịch giữa các địa phương. Điều này sẽ mở ra cơ hội xây dựng tour du lịch hành trình theo bước chân Cụ Đồ mà điểm nhấn là Ngày hội TTVH tỉnh. Hy vọng với sự nỗ lực của ngành VHTT&DL và sự phối hợp của các ban, ngành, địa phương sẽ lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của ngày hội đến cộng đồng".

(Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn)

Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN