BDK - Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975, quê hương Bến Tre cùng cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ và nhân dân tỉnh chung sức, đồng lòng cải tạo và xây dựng đời sống văn hóa mới.
Tổ chức đa dạng các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng.
Vượt qua khó khăn sau giải phóng
Hậu quả chiến tranh để lại trên quê hương thấy rõ với một nền kinh tế nghèo nàn, đời sống của nhân dân vô vàn khó khăn. Vì vậy, các hoạt động văn hóa cũng thiếu thốn. Trước tình hình này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo chuyển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của tỉnh từ thời chiến sang thời bình. Văn hóa, nghệ thuật cách mạng nhanh chóng nhận lãnh nhiệm vụ cải thiện, bồi dưỡng đời sống tinh thần, tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa mới cho người dân.
Những năm đầu sau giải phóng, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao tuy nhiều hạn chế nhưng lại có tính quần chúng rộng rãi, sôi nổi, có nội dung tốt và lành mạnh, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Trong hoàn cảnh đời sống vật chất còn thiếu thốn, gây nên tâm trạng băn khoăn trong một bộ phận quần chúng, chính nhờ có hoạt động văn hóa cách mạng do Đảng tổ chức và lãnh đạo đã mang lại cho nhân dân một nguồn vui mới, một sinh khí thoải mái trong đời sống văn hóa. Nhờ đó, bước đầu kịp thời đáp ứng một số yêu cầu về hoạt động văn hóa, thể thao cách mạng, ảnh hưởng văn hóa nô dịch, phản động của chủ nghĩa thực dân mới bị đẩy lùi.
Trong giai đoạn này, hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh; trong đó có vai trò của Báo Chiến Thắng (từ 11-11-1976 là Báo Đồng Khởi) và Đài Phát thanh Bến Tre (từ 7-3-1977) và sau là Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre (từ năm 1995) đã được phát huy, góp phần tích cực vào tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa trong nhân dân. Các hoạt động văn hóa - xã hội được đẩy mạnh, nhất là phong trào bình dân học vụ, học bổ túc văn hóa đẩy mạnh. Tỉnh cơ bản hoàn thành xóa nạn mù chữ. Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển sôi nổi qua từng năm. Trong xóm ấp, các đội văn nghệ quần chúng được thành lập và hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo đồng bào tham dự. Các đoàn nghệ thuật, đội chiếu phim đã xuống vùng nông thôn để phục vụ nhân dân.
Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, từ những năm 1986 - 1990, 1990 - 1995, đời sống nhân dân dần ổn định hơn trước. Kinh tế cải thiện. Đời sống tinh thần từng bước nâng lên. Mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật phong phú và đa dạng hơn trước. Việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, nông thôn mới gắn với phong trào nhân dân tự quản ở xã, phường tiếp tục phát triển. Các lĩnh vực đều có sự nỗ lực, chuyển biến rõ rệt, nhằm phát huy vai trò con người với tư cách vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Xây dựng đời sống văn hóa hiện đại
Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16-7-1998 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là dấu mốc quan trọng. Với 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp lớn, cùng với Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng. Việc thực hiện nghị quyết đã góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, khôi phục và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách, góp phần định hướng và tạo điều kiện cho xây dựng và phát triển nền văn hóa theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với đó, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được triển khai thực hiện từ năm 2000 đã là cuộc vận động lớn để xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng, xã hội. Từ đây, các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung các giải pháp, nguồn lực, đầu tư cho xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật.
Những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xưa như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí tự lực tự cường... luôn được nhắc nhở, giáo dục và được phát huy. Nhiều giá trị văn hóa mới được chọn lọc và bồi đắp, tạo thành chuẩn mực đạo đức, hình ảnh con người Bến Tre hiện đại.
Môi trường văn hóa lành mạnh được xây dựng. Sự nghiệp văn học - nghệ thuật tỉnh có bước phát triển mới. Cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ văn nghệ sĩ và tác phẩm, đã sáng tạo nhiều công trình văn học - nghệ thuật có giá trị, góp phần giữ gìn, phổ biến và làm phong phú thêm văn hóa truyền thống. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và du lịch được tổ chức ngày càng phong phú, có chất lượng. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm thực hiện hiệu quả. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện.
Nhìn lại những nỗ lực trong xây dựng đời sống văn hóa 50 năm qua, trên tất cả các mặt đều có những bước phát triển vượt bậc, làm điểm tựa cho việc xây dựng nền tảng đạo đức cho toàn xã hội.
Ngày 1-5-2002, xã An Hiệp, huyện Châu Thành là xã đầu tiên của tỉnh được đón nhận danh hiệu “Xã văn hóa”. Từ đó đến nay, các xã trong tỉnh đều triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát triển theo chiều sâu. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 490.353/510.207 hộ “Gia đình văn hóa” (tỷ lệ 96,1%); 949/953 “Ấp, khu phố văn hóa” (tỷ lệ 99,5%); 2/18 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 98/139 xã có Trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng đạt chuẩn; 526/850 ấp thuộc xã nông thôn mới có Nhà văn hóa đạt chuẩn; 1.434 sân thể thao các loại phục vụ nhân dân luyện tập...