70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

19/12/2014 - 07:25

Thanh niên lên đường nhập ngũ tiếp bước thế hệ cha anh. Ảnh: THANH LONG

Trải qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Quân đội ta đã phấn đấu liên tục, không ngừng giữ vững và phát huy bản chất cách mạng của “Bộ đội Cụ Hồ”.

* Những trang sử vẻ vang

Ngay từ khi ra đời ngày 3-2-1930, Đảng ta đã thống nhất quan điểm cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Trước yêu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng, đầu tháng 12-1944, tại Pắc Bó - Cao Bằng, Bác giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang (LLVT) tập trung. 10 ngày sau Bác gửi cho đồng chí Võ Nguyên Giáp bức thư - đó là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Thực hiện Chỉ thị của Người, đồng chí Võ Nguyên Giáp gấp rút tiến hành mọi công tác chuẩn bị, đến ngày 22-12-1944, tại khu rừng Sam Cao, giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên, quân số 34 đồng chí, biên chế thành 3 tiểu đội và trang bị 33 khẩu súng thô sơ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Bác giao nhiệm vụ làm tổng chỉ huy.

Diễu binh chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2013.
Ảnh tư liệu.

Do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, ngày 15-5-1945, lực lượng Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Việt Nam giải phóng quân trở thành “Vệ quốc đoàn”. Ngày 22-12-1946, theo Sắc lệnh 71/52 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc Đoàn được đổi tên thành Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam cho đến ngày nay. Từ năm 1946 đến 1954 là thời kỳ xây dựng và phát triển nhanh nhất của QĐND Việt Nam, từ 34 cán bộ, chiến sĩ ngày đầu thành lập, đến thời điểm này, Quân đội ta đã có 6 đại đoàn, hàng chục sư đoàn, trung đoàn chủ lực, chưa kể đến các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, cơ quan và bộ đội địa phương, dân quân du kích… Đây thực sự là lực lượng hùng hậu, trung thành nhất, tin cậy nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Mỗi bước trưởng thành trong quá trình chiến đấu, xây dựng của Quân đội suốt 70 năm qua (12-1944 - 12-2014) đều gắn liền với những chiến công hiển hách, những kỳ tích anh hùng trải dài theo lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vừa mới thành lập, Quân đội ta có chiến thắng ở hai trận Phay Khắc, Nà Ngần, một buổi đầu cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên thắng lợi cách mạng mùa Thu (8-1945). 10 sau làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu (7-5-1954), giải phóng một phần hai đất nước, đưa miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, đồng thời cũng là hậu phương lớn chi viện cho miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, LLVT nhân dân, nòng cốt là QĐND cùng toàn dân liên tiếp đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1951-1964), “chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, lập nên những chiến công chói lọi, tiêu biểu như cuộc tập kích chiến lược Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc tiến công chiến lược lịch sử 1972, trận “Điện Biên Phủ trên không” đập tan cuộc tập kích trên không của đế quốc Mỹ, cùng toàn dân thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy đại thắng mùa Xuân năm 1975, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.

LLVT Bến Tre xuất thân từ một lực lượng nhỏ bé ban đầu với quân số chưa đầy 40 đồng chí. Đội du kích Tân Hào dưới quyền chỉ huy của đồng chí Đồng Văn Cống, trang bị ban đầu chỉ có 4 súng lửa (súng săn), còn lại là mã tấu, gậy gộc. Sau khi thành lập, Đội du kích Tân Hào tổ chức ngay trận đánh đầu tiên vào ngày 12-2-1946 tại đầu cầu Bà Ba Ngởi (Tân Hào) tiêu hao nặng trung đội lính Lê Dương (Pháp). Phát huy thắng lợi trận đầu, Đội du kích Tân Hào liên tiếp giành những thắng lợi vẻ vang và ngày càng phát triển về số lượng. LLVT Bến Tre cùng với LLVT cả nước chiến đấu lập nhiều chiến công góp phần kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc (7-1954). Sau Hiệp định đình chiến Geneve, phần lớn LLVT Bến Tre chuyển quân tập kết ra miền Bắc, một số ít còn được cài lại bám trụ ở miền Nam nhưng được chuyển vào hoạt động bí mật để tránh sự truy lùng của giặc. Từ năm 1954 đến cuối năm 1959, tại Bến Tre, cũng như hầu hết các tỉnh miền Nam Việt Nam không còn hoạt động vũ trang mà chuyển sang hoạt động đấu tranh chính trị, cách mạng Bến Tre rơi vào thoái trào, nhiều cán bộ cách mạng, kể cả lực lượng quân sự ta cài cắm lại lần lượt rơi vào tay giặc, bị bắn giết, tù đày, tra tấn dã man. Cuối năm 1959, Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời, mở ra đường lối mới cho cách mạng miền Nam, trong đó có Bến Tre. Ngày 17-1-1960, Đảng bộ, nhân dân và LLVT nhân dân Bến Tre vùng lên đồng khởi giành thắng lợi trọn vẹn (tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh - Mỏ Cày), LLVT tỉnh Bến Tre tái thành lập nhằm thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ cao trào Đồng Khởi (17-1-1960) phát triển lên thành cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân; đánh bại quốc sách ấp chiến lược (1961-1964) bằng các trận đánh điển hình: chiến thắng Gò Keo (Giồng Trôm), đánh bại cuộc hành quân “Phượng hoàng TG1”  (Thạnh Phú), diệt Tiểu đoàn “Ó đỏ” (Ba Tri), Tiểu đoàn “Ó vàng” (Mỏ Cày), Tiểu đoàn “Cọp đen” ở Lộ Thơ (Thành Triệu - Châu Thành). Chuyển thế tiến công đánh bại cuộc càn “Sóng thần 5” diệt hạm đội nhỏ trên sông, giữ vững địa bàn căn cứ và vùng giải phóng (1965-1967)... Phối hợp chiến trường chung đẩy mạnh tiến công địch trong Chiến dịch Đông Xuân (1974-1975), mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Bến Tre, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975), đưa nước nhà bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hòa bình chưa được bao lâu, cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, LLVT Bến Tre một lần nữa lại cùng LLVT cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc (1976 - 1978); tiếp theo đó là 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia (1979-1989).

* Tôn vinh vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ

Để từng bước đổi mới toàn diện đất nước, đáp ứng nhu cầu bảo vệ Tổ quốc XHCN, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 381 quyết định lấy ngày QĐND Việt Nam 22-12 hàng năm đồng thời là Ngày hội QPTD. Từ đây, ngày 22-12 thật sự trở thành ngày hội truyền thống bảo vệ Tổ quốc XHCN, ngày hội tôn vinh hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới, cũng là dịp phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

25 năm thực hiện Ngày hội QPTD đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng: Nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc XHCN của toàn xã hội và sức mạnh tổng hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân được nâng cao; giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất trọn vẹn lãnh thổ và định hướng XHCN, bảo vệ môi trường hòa bình và an ninh cho sự phát triển đất nước, làm thất bại âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước,

nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN được tăng cường, tăng thêm khả năng ngăn chặn, loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh, các tình huống xâm phạm an ninh quốc gia nếu xảy ra; hình thành thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mới, thế trận QPTD, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc được triển khai rộng khắp, chặt chẽ, liên hoàn, “thế trận lòng dân” được củng cố vững chắc; LLVT mà nòng cốt là QĐND có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, phát huy được vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ngày hội QPTD đã phát huy mạnh mẽ các phong trào toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn dân tham gia xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, gần 30 năm qua, QĐND Việt Nam đã góp phần xứng đáng cùng với nhân dân cả nước đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, đó là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển toàn diện đất nước; góp phần bảo vệ an ninh, thúc đẩy hợp tác, phát triển khu vực và trên thế giới, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng và chế độ XHCN của các thế lực thù địch.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực có xu hướng hợp tác để phát triển, ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới. Kinh tế thế giới còn nhiều thách thức, chiến tranh xung đột sắc tộc, tranh chấp biên giới, biển đảo, an ninh phi truyền thống sẽ diễn ra phức tạp. Tình hình đó đối với nước ta vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong tiến trình phát triển đất nước, các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng phát triển đất nước theo con đường CNXH.

Để vượt qua những thách thức đó, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, toàn thể cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến  lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Trong đó cần tập trung thực hiện một số nội dung như:

Đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh toàn diện. Tăng cường công tác vận động quần chúng để xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Xây dựng LLVT các cấp theo hướng tinh gọn, ngang tầm với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, có số lượng hợp lý, chất lượng thật sự đáng tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở.

 Gắn kết chặt chẽ xây dựng nền QPTD với nền an ninh nhân dân vững mạnh, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp và toàn dân tham gia. Biến Ngày hội QPTD và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải bảo đảm tính toàn diện, vững chắc, chú trọng giữ gìn an ninh nông thôn và hạn chế các tệ nạn xã hội, đề cao ý thức bảo vệ Tổ quốc của nhân dân trong tình hình mới. Tích cực thực hiện xây dựng các tiềm lực của khu vực phòng thủ trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đối với cơ chế thị trường định hướng XHCN. Xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần vững chắc, làm cho từ trong nội bộ hệ thống chính trị và ngoài nhân dân nhất quán với nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nòng cốt là LLVT, nền tảng là sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đã được toàn dân tham gia. Đồng thời đẩy mạnh phát triển tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ để bảo đảm nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thế trận của khu vực phòng thủ, từng bước hiện đại hóa quân đội.

Có thể nói, kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày hội QPTD là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn; thách thức, ra sức xây dựng nền QPTD vững mạnh, xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá Nguyễn Văn Lăng (Chính ủy Bộ CHQS tỉnh)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN