Các em học sinh được tặng xe đạp để tiếp tục đến trường.
Bước đầu rà soát, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quyết định nhận đỡ đầu 5 con ngư dân nhằm kịp thời hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu đang đi học ở tuổi vị thành niên mồ côi, có điều kiện đến trường. Từ đó, giúp các cháu phát triển toàn diện, góp phần chia sẻ khó khăn với hậu phương gia đình ngư dân. Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác dân vận, tình đoàn kết quân dân, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển khai thác hải sản gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cả 5 con ngư dân được nhận đỡ đầu đều mồ côi cha hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Các em được hỗ trợ thường xuyên 500 ngàn đồng/tháng cùng sách vở, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm và chăm sóc y tế cho đến khi tròn 18 tuổi. Được sự hỗ trợ là nguồn động viên to lớn giúp con ngư dân nghèo có điều kiện tiếp tục đến trường.
Em Đào Tấn Lợi, học sinh lớp 8 Trường THCS Tiệm Tôm (huyện Ba Tri) là 1 trong 5 học sinh được nhận đỡ đầu cho biết: “Năm 2021, cha cháu gặp nạn khi đang đánh bắt cá trên biển làm bỏng 40% cơ thể. Di chứng để lại là bị co rút 2 tay, mặt, cổ nên không thể đi lại, sinh hoạt được mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân. Gia đình cháu rất khó khăn do hàng tháng phải đi tái khám, lo thuốc thang cho cha trong khi kinh tế chủ yếu dựa vào công việc bán tạp hóa của mẹ. Vì vậy, gia đình đến nay vẫn chưa thoát nghèo. Cháu rất may mắn khi được các cô, các chú nhận đỡ đầu để giúp đỡ kinh phí, dụng cụ học tập, sách vở giúp cháu tiếp tục đến trường. Cháu xin hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng các cô, các chú đã quan tâm, giúp đỡ”.
Em Trần Thanh Nam (học sinh lớp 8, Trường THCS Phú Hưng đang sống cùng bà nội tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành) cũng có gia cảnh hết sức khó khăn khi cha mất, mẹ phải làm thuê để nuôi 3 anh em ăn học. Bà Trần Thị Thu Lan (bà nội Nam) cho biết: “Con tôi trước đây làm nghề đi biển thuê cho chủ tàu để nuôi sống cả gia đình. Cách đây 6 năm, con tôi bị bệnh rồi mất nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Hiện tại, cả 3 anh em đều gửi tôi nuôi, còn con dâu phải lên TP. Hồ Chí Minh làm thuê gửi tiền về phụ lo nhưng số tiền rất ít ỏi. Bà cháu luôn sống trong cảnh thiếu thốn. Được các chú hải quân nhận đỡ đầu, gia đình rất mừng vì hàng tháng có tiền để lo cho cháu tiếp tục đến trường”.
Không chỉ hỗ trợ con ngư dân, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn còn xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương và tặng quà góp phần chia sẻ khó khăn với hậu phương gia đình ngư dân trên các vùng biển, đảo. Ông Trương Văn Tre (sinh năm 1963, ngụ xã Thới Thuận, huyện Bình Đại) cho biết: “Tôi đi theo tàu đánh bắt cá ngoài biển từ năm 15 tuổi để nuôi sống gia đình. Ban đầu còn sức khỏe nên làm thuê trên tàu cào đôi, lưới đèn đánh bắt xa bờ. Mấy năm nay, tuổi đã cao nên tôi chuyển sang làm thuê cho tàu nhỏ đánh bắt gần bờ sáng đi chiều về. Tuy nhiên, cuộc sống rất bấp bênh vì nguồn hải sản gần bờ cạn kiệt. Hiện tại, gia đình tôi hiện thuộc diện hộ cận nghèo, kinh tế khó khăn. Vì vậy, khi được các chú hải quân giúp đỡ sẽ phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”.
Đại tá Bùi Văn Quỳ - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: Ngoài việc nhận đỡ đầu con ngư dân, đơn vị cũng trích kinh phí để ủng hộ 160 triệu đồng để xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho 2 gia đình chính sách; 50 suất quà cho 50 hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, năm 2016, Tổng công ty đã nhận phụng dưỡng suốt đời 15 mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Tuy số tiền thực hiện các hoạt động trên không quá lớn về mặt vật chất, nhưng thể hiện tấm lòng, tình cảm của cán bộ, công nhân viên, người lao động Tổng công ty đối với các gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, tỉnh có hơn 2.900 tàu cá, trong đó có khoảng 2.043 tàu đánh bắt xa bờ với gần 20 ngàn ngư dân đang hoạt động đánh cá trên biển. Trong thời gian qua, với sự chăm lo, quan tâm của các cấp, các ngành cùng tinh thần vượt khó, tự lực tự cường, bà con ngư dân Bến Tre đã có nhiều chuyển biến tích cực trong cuộc sống. Tuy nhiên, Bến Tre là một trong những địa phương chịu ảnh nặng nề của biến đổi khí hậu, cùng với ảnh hưởng của thiên tai và tình trạng suy kiệt nguồn lợi thủy sản nên đời sống của một bộ phận ngư dân còn rất nhiều khó khăn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, với tinh thần “Lo cho ngư dân như người thân của mình”, thời gian qua, tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đều quan tâm, chăm lo và tạo mọi điều kiện tốt nhất trong khả năng để hỗ trợ, giúp đỡ cho gia đình ngư dân, đặc biệt là đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn cần sự quan tâm, trợ giúp của toàn xã hội. Trong đó, có nhiều gia đình có ngư dân gặp tai nạn, thương tích trong quá trình lao động trên biển. Khi đó, những trụ cột lao động chính trong gia đình không còn, để lại những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, sống nương tựa vào ông bà nên cuộc sống vô cùng vất vả. Vì vậy, Chương trình “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, nét đẹp văn hóa “nghĩa tình”, góp phần chia sẻ khó khăn với gia đình ngư dân Bến Tre.
“Chương trình “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển khai thác hải sản. Phát huy tinh thần mỗi ngư dân là một chiến sĩ, mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền, cùng với Hải quân nhân dân Việt Nam quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)
|
Bài, ảnh: Hoàng Trung