Ấm áp những căn nhà tình nghĩa

24/07/2024 - 05:28

BDK - Tỉnh đã triển khai xây dựng 250 căn nhà tình nghĩa cho hộ người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở, công việc có ý nghĩa này đã góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công, giúp hộ người có công với cách mạng có nhà ở an toàn, ổn định.

Anh Nguyễn Văn Mừng (thứ hai từ phải qua) bên ngôi nhà tình nghĩa khang trang vừa xây xong.

Ngôi nhà mơ ước

Ngắm nhìn ngôi nhà vừa hoàn thành, chị Nguyễn Thi Thảo, sinh năm 1954, ngụ ấp Mỹ Thanh, xã Phước Long, huyện Giồng Trôm rất vui mừng. Chị Thảo nói: “Đây là căn nhà mơ ước của mẹ con tôi trong suốt mấy chục năm đi làm mướn xa quê. Nếu không được Đảng và Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng làm nhà, thì tôi không thể có được ngôi nhà ổn định như vầy”.

Cha chị Nguyễn Thị Thảo là liệt sĩ Nguyễn Văn Tống. Ông hy sinh năm 1966. Chị Thảo là con gái đầu của ông Tống. Khi cha mất, mẹ chị vừa mới sinh con út được 20 ngày. Cha chị hy sinh khi đi họp ban đêm. Lúc đó, ông có dắt theo em trai chị Thảo đi cùng. Hai cha con bị đạn pháo bắn trúng. Cha chị chết còn em trai bị thương. Chị Thảo giữ các em, giặt quần áo, nấu cơm vừa lo em trai nằm bệnh viện. Thời chiến tranh, cha lại mất sớm, cả tuổi thơ quần quật với thiếu thốn, đói khát. Em út nheo nhóc nên chị Thảo không được đi học. Chị mù chữ. “Cứ mỗi lần giặc càn là tôi từ xã Phước Long phải đi bộ và lội sông qua cồn Ốc (xã Hưng Phong ngày nay) để trốn, chỉ kịp ôm vài bộ đồ bỏ trong cái bao rồi bơi qua sông... đến ở còn không yên thì nói chi đi học”, chị Thảo nhớ lại.

Vì không biết chữ, để mưu sinh, chị Thảo chỉ còn đôi tay lao động. Chị rời quê hương đi làm thuê khắp nơi. Trong đó, chị có 20 năm làm phụ hồ tại TP. Hồ Chí Minh. Chị bị té giàn giáo 3 lần. Sức yếu, chị nghỉ về Bình Dương ở trọ giữ con cho vài công nhân trong xóm trọ. Người con trai duy nhất của chị Thảo nay 38 tuổi chưa từng được sống trong một ngôi nhà. Mỗi năm, hai mẹ con chị chỉ về quê xã Phước Long (nhà mẹ ruột chị Thảo) vào dịp Tết vài ngày rồi đi. Chị Thảo và con trai đang thu xếp để về hẳn quê nhà sinh sống. Chị tâm sự: “Nhờ em gái cho miếng đất kế bên nhà mẹ, tôi mới cất được cái nhà, tôi vui quá. Vậy là mẹ con tôi có cái nhà để ở hủ hỉ với nhau. Căn nhà rộng 70m2. Đó giờ, tôi ở trọ, chứ chưa ở chỗ nào được rộng như vậy. Tôi xây hết 130 triệu đồng, trong đó có 70 triệu đồng được hỗ trợ, còn lại là tiền tôi để dành bấy lâu nay”.    

Xóm làng rộn niềm vui

Ấp Mỹ Thanh, xã Phước Long hôm nay rộn tiếng vui mừng, ấp có tới 6 căn nhà tình nghĩa được hỗ trợ xây dựng. Những gia đình người có công với cách mạng ở ấp Mỹ Thanh rất phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Trong số đó, nhiều gia đình có cha là liệt sĩ đã phải mất đi người đàn ông trụ cột, cuộc sống thiếu thốn và thiệt thòi như chị Nguyễn Thị Thảo là con liệt sĩ Nguyễn Văn Tống. Hay như anh Nguyễn Văn Mừng là con liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh. Anh Mừng mới 6 tuổi, cha anh đã hy sinh, mẹ anh bị địch bắt tù đày tra tấn, một mình anh đi giữ trâu nuôi 3 em nhỏ...

Ông Phạm Chí Tâm - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Mỹ Thanh cho biết: “6 hộ người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở tại ấp Mỹ Thanh có được ngôi nhà kiên cố. Rồi từ đây, họ sẽ an cư lạc nghiệp. Ai nấy ở ấp đều phấn khởi cho những hộ nhận nhà. Bà con mừng đến nỗi, khi hay tin được hỗ trợ là khởi công liền, trong vòng 1 tháng xây dựng xong hết, trong khi thời gian trên cho để xây dựng là hơn 2 tháng”.

Việc triển khai xây dựng nhà tình nghĩa đã làm lan tỏa tinh thần đền ơn đáp nghĩa trong nhân dân tại xã Phước Long. Bí thư Xã đoàn Phước Long Võ Nguyễn Đức Huy chia sẻ: “Để giúp những hộ ở sâu và trẻo không có đường vận chuyển vật liệu xây dựng, xe không thể vào tới nơi đổ vật liệu, Xã đoàn đã thành lập đội tình nguyện, với 15 thành viên. Sau khi rà soát, chúng tôi thấy có 5 hộ cần hỗ trợ. Các bạn đoàn viên, thanh niên đã góp sức vận chuyển cát đá cho 5 hộ. Vậy thì đỡ tốn tiền cho bà con lắm vì công vận chuyển mỗi khối cát là 100 ngàn đồng, 1 khối đá 200 ngàn đồng. Bên cạnh đó, nhiều hộ neo đơn không thể tự tháo dỡ nhà, các bạn đoàn viên, thanh niên đến phụ giúp tháo dỡ”.

Huyện Giồng Trôm là địa phương có tới hơn 90 căn nhà tình nghĩa được hỗ trợ trong số 250 căn nhà tình nghĩa cho hộ người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xã Phước Long nhiều nhất với 25 căn. Phó chủ tịch UBND xã Phước Long Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn tấm lòng của đồng chí Trương Tấn Sang - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những người đã chung sức giúp đỡ 25 gia đình chính sách tại xã xây dựng nhà tình nghĩa. Việc chọn lựa gia đình nhận nhà được chính quyền địa phương khảo sát và làm rất kỹ. Bên cạnh đó, các nhà thầu xây cất nhà cho các gia đình chính sách tại xã Phước Long luôn sẵn lòng giúp đỡ, làm trước, nhận tiền sau. Nhờ đó, 25 căn nhà đã hoàn thành và nghiệm thu vào ngày 10-7-2024”.

Dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, nhiều hộ gia đình chính sách vui mừng vì có nhà mới. Làng xóm phấn khởi vì tinh thần đền ơn đáp nghĩa được lan tỏa. Qua đó cho thấy, công tác xây dựng nhà tình nghĩa không chỉ giúp hộ người có công với cách mạng có nhà ở an toàn, ổn định, phát triển sản xuất, từng bước nâng cao mức sống người dân mà còn góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công.

Ngày 22-4-2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai xây dựng 250 căn nhà tình nghĩa cho hộ người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí 17,5 tỷ đồng. Trong đó, mỗi căn nhà được hỗ trợ 70 triệu đồng, do đồng chí Trương Tấn Sang - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vận động kinh phí hỗ trợ. Dự kiến đầu tháng 8-2024, tỉnh sẽ tổ chức bàn giao 250 căn nhà tình nghĩa nói trên.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN