Âm nhạc qua lăng kính nhà báo Quỳnh Lệ

20/06/2020 - 16:14

BDK.VN - Một vài nhà báo tự hỏi, bên cạnh nghề chính là viết lách thì nhà báo còn có thể làm thêm được nghề gì? Với nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ, nghề báo và âm nhạc đã cho chị nhiều cơ hội đi đó đây, cảm thụ hơi thở cuộc sống và chuyển tải những cảm nghiệm đó đến khán giả.

Nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ (ảnh nhân vật cung cấp).

Nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ (ảnh nhân vật cung cấp).

Từ nhà báo…

Có học giả nọ khuyên, mỗi người nên có một nghề tay trái, lựa nghề tay trái sao cho vừa giúp bạn giải trí theo sở thích, đam mê, vừa giúp bạn kiếm thêm thu nhập. Quỳnh Lệ là nhà báo, lại có duyên với âm nhạc. Chị quý trọng tuổi trẻ của mình bằng những năm tháng lăn lộn, không mệt mỏi với nghề viết và vẫn cố gắng dành thời gian học tập, bồi dưỡng đam mê sáng tác nhạc của mình.

Nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ tên thật là Huỳnh Thị Lệ, sinh năm 1958. Chị  lớn lên và đi học ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Quỳnh Lệ bước chân vào nghề báo từ cuối năm 1979, làm phóng viên tờ Báo Ấp Bắc, tỉnh Tiền Giang với bút danh Lệ Huỳnh. Khi có con gái, chị đặt tên bé là Diễm Quỳnh và đổi bút danh thành Quỳnh Lệ. “Nguyên quán của mình ở Bến Tre. Ba má mình là dân xã Thới Thuận, huyện Bình Đại. Những năm chiến tranh ác liệt, một số người dân phải đùm túm đi tản cư. Bà nội mình cũng gom mấy đứa cháu xuống xuồng tản cư, đến Mỹ Tho, Tiền Giang thì mệt quá nên lên bờ, định canh ở Mỹ Tho luôn”.

Cuối năm 1983, Quỳnh Lệ theo chồng về TP. Hồ Chí Minh. Khi ấy, Tổng cục Cao su mới thành lập tờ báo Cao Su Việt Nam, Quỳnh Lệ đã gắn bó với tờ báo ngành 20 năm. Đến năm 2003, chị thử sức làm báo mạng tại báo điện tử VietNamNet và biên tập Chuyên trang Người Viễn Xứ. Đến năm 2011, do “còn duyên nợ” với ngành cao su nên quay về làm Chuyên viên Thi đua - Tuyên truyền - Văn thể cho Tập đoàn Cao su Việt Nam.

Quỳnh Lệ yêu âm nhạc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thuở cấp 2 Trường Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho. “Khi làm phóng viên Báo Ấp Bắc, mình có theo học khoá bồi dưỡng sáng tác nhạc của Sở Văn hoá Thông tin Tiền Giang mở. Bài hát Khúc ca dao cho người lính trẻ của mình nhận được giải A sáng tác của tỉnh Tiền Giang năm 1984”. Mãi mê lặn lội trong các nông trường cao su, công việc làm báo cuốn Quỳnh Lệ vào các tác phẩm báo chí. Trong những hội diễn ngành cao su, Quỳnh Lệ lại cháy bỏng ước ao học nhạc và chị đã tham gia học sáng tác tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. 

Nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ cho biết: “Nghề báo giúp mình thuận lợi rất nhiều trong việc đi đó đi đây, gặp gỡ giao lưu, cảm nghiệm và sáng tác. Không chỉ vậy, nghề báo còn giúp mình chỉn chu trong khâu viết ca từ cho bài hát. Phần lớn các bài hát của mình là mình tự viết lời. Từng câu từng chữ được biên tập kỹ lưỡng. Kể cả những bài thơ mà mình phổ nhạc, nhờ kỹ năng viết báo và làm thơ nên mình dễ dàng biên tập, bổ sung những ý mà mình tâm đắc”.

... Đến nhạc sĩ

CD đầu tiên của Quỳnh Lệ ra mắt năm 2009, đó là Album “Bong bóng mưa”  gồm 12 tình khúc có “dính dáng” đến mưa. Nữ nhạc sĩ chia sẻ: “Thật ra, mình thích viết tình ca hơn. Nhưng, có lẽ nghề báo đã ảnh hưởng sâu đậm trong những cảm nhận, suy nghĩ nên tính chất báo chí đã đi vào trong ca khúc của mình một cách tự nhiên không gượng ép. Nghe các ca khúc của Quỳnh Lệ, khán giả sẽ dễ dàng nhận ra điều đó”.

Cả những bài phổ thơ, nữ nhạc sĩ cũng “biên tập” theo kết cấu, phong cách của một tác phẩm báo chí. Như MV bài hát “Đêm Sài Khao” (thơ Hoàng Kim Oanh) tựa như một bài phóng sự. MV này có phần mở đầu giới thiệu ngắn gọn về bản Sài Khao và bài thơ Tây Tiến, với hình ảnh thực của đoàn thiện nguyện và câu kết bài “Ơi Sài Khao sương lấp, cần lắm những bàn tay”. Ở bài hát Có một vì sao trong tim, ngôn ngữ báo chí thể hiện qua lời động viên, khích lệ đoàn viên thanh niên: “Hãy cài huy hiệu Đoàn lên ngực, trên chiếc áo xanh và trong trái tim, em sẽ thấy rằng em rất đẹp, như hoa hướng dương chào đón bình minh. Đất nước gọi ta đi về phía trước. Sáng tạo tiên phong, xây dựng Tổ quốc mình”.

Quỳnh Lệ có sáng tác 3 bài hát về Bến Tre, gồm: Về Thạnh Phú quê anh, Thương câu hò quê anh và Dừa ơi hát lên đi! Đối với Quỳnh Lệ, Bến Tre vẫn là nguyên quán, là quê hương trong tim chị. “Có một kỷ niệm mình không quên. Đó là sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, vì lý lịch mình ghi rõ nguyên quán Bến Tre, nên được phân công về Bến Tre. Mình học Ban Công nghiệp nên Sở Giáo dục điều về dạy ở trường Thanh niên Cộng sản Thạnh Phú. Mình về trường ngay sau Tết năm 1979, vào mùa khô nên hiểu cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng như thế nào” - Nữ nhạc sĩ nhớ lại.

Mặc dù 2/3 cuộc đời của Quỳnh Lệ là sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng đối với chị Bến Tre vẫn là quê cha đất Tổ. Mình vẫn tích cực tham gia Câu lạc bộ báo chí gốc Bến Tre và mong muốn sáng tác cho quê hương với tấm lòng người con xa xứ.

Trong không khí kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ tâm sự: “Hiện nay, công nghệ thông tin có tốc độ phát triển quá nhanh. Các nhà báo trẻ có điều kiện để cập nhật thông tin và bổ sung kiến thức, nếu chịu khó học hỏi sẽ trở thành những người tài giỏi. Tuy nhiên, để có những bài viết có giá trị và dần khẳng định tên tuổi tác giả, mình cũng muốn nhắc các bạn trẻ, khi nêu vấn đề, khi lý giải vấn đề cần khách quan, công tâm, mang tính xây dựng xã hội; cẩn trọng câu chữ và cách đặt tựa đề. Các cây bút trẻ đừng quá chủ quan, không nên cẩu thả, viết theo kiểu giật gân…”.

Phải đến khi nghỉ hưu thì Quỳnh lệ mới có thời gian dành cho âm nhạc, hiện chị là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 2015, trong cuộc thi sáng tác cùng Bolero của Đài Truyền hình Vĩnh Long, bài “Xin chỉ là giấc mơ” của mình là 1 trong 13 bài vào vòng chung kết trong tổng số 1.600 bài dự thi cả nước. Tuy chỉ nhận giải khuyến khích nhưng được phát sóng trong đêm trao giải, qua tiếng hát Danh ca Ý Lan. Năm 2018: bài “Có một vì sao trong tim” được giải khuyến khích của Trung Ương Đoàn và được Truyền hình Thanh niên dựng MV chào mừng sinh nhật Đoàn. Bài “Hãy thắp sáng Giấc mơ Việt Nam” được giải sáng tác về Tuổi trẻ. Bài “Đồng Lộc Ngọn lửa thiêng” nhận được giải B Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh. Viết về miền Tây thì có bài “Vì bởi trót thương” được giải cuộc thi Đồng Tháp đất sen hồng.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN