|
Đoàn viên ngành công an khám bệnh phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo. Ảnh: A.N |
Mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam 19-8-1945 – 19-8-2010; thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về tuyên truyền “CAND trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, chuyên trang CAND xin giới thiệu một số bài với nội dung trên từ số báo này.
Sau Hiệp định Đình chiến, ở địa bàn tỉnh Bến Tre, Ngô Đình Diệm và bè lũ tay sai bán nước tiến hành nhiều chiến dịch diệt cộng, tố cộng, bắt bớ cán bộ kháng chiến, đóng lại đồn bót, bắt lính đôn quân, xây dựng lực lượng bảo an chủ lực, làm chỗ dựa cho việc đánh phá cách mạng. Chúng tổ chức bộ máy công an, mật vụ, phát triển do thám, gián điệp, tình báo, tề xã, chỉ điểm… tăng cường hoạt động do thám, gián điệp, chỉ điểm, kết hợp với hành quân khủng bố cơ sở cách mạng, bắt bớ, thủ tiêu nhiều cán bộ kháng chiến.
Từ thực tế tình hình nêu trên, Tỉnh ủy chủ trương chuyển hướng đấu tranh cho phù hợp, từ đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị, từ hoạt động công khai, chuyển sang hoạt động bí mật, nhằm bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Tuy bước đầu, ta gặp nhiều khó khăn nhất định, nhưng qua thực tế hoạt động, những khó khăn dần được khắc phục và đi vào hoạt động có kết quả. Ngày 14-3-1956, địch tổ chức bầu cử Quốc hội bù nhìn để hợp thức hóa chính quyền tay sai ở Miền Nam Việt Nam, do ta tuyên truyền vận động nhân dân, thấy được âm mưu thâm độc của Mỹ, ngụy, nên nhiều nơi quần chúng tẩy chay không đi bỏ phiếu. Trước sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân, bọn ngụy quyền tay sai ở địa phương cho bọn Cảnh sát, Bảo an, Dân vệ đi lùng sụt khắp nơi, để bắt ép nhân dân đi bỏ phiếu. Trước diễn biến tình hình như nêu trên, ta chủ trương đánh phá các điểm bỏ phiếu của địch. Điển hình như: tại xã An Định, huyện Mỏ Cày, ta cử 1 tổ gồm 3 đồng chí, bất ngờ đột nhập vào phòng phiếu dùng búa, bù-lon đập đầu 1 tên tay sai ác ôn, đốt thùng phiếu, phá tan cuộc bầu cử, lực lượng ta rút lui an toàn. Sau bầu cử, chính quyền Ngô Đình Diệm công khai phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Mỹ công khai thừa nhận, ủng hộ chính quyền tay sai, làm cho tình hình diễn biến phức tạp hơn. Ở Bến Tre, một mặt chúng tăng cường xây dựng lực lượng bảo an, dân vệ, mạng lưới do thám, gián điệp, chỉ điểm, được cài cắm khắp nơi, các tổ chức chính trị cũng được hình thành và phát triển. Mặt khác, chúng tập trung xây dựng cơ sở xã hội, củng cố phát triển vùng nông thôn, đô thị, thống nhất các lực lượng vũ trang, phản động, tập trung lực lượng để đánh phá ta, với các đợt hành quân, càn quét, với qui mô lớn, mở các chiến dịch tố cộng, diệt cộng gây chia rẽ lương giáo, dân tộc. Thực hiện chính sách bình định nông thôn, xây dựng các khu trù mật kiên cố như: Thành Thới (Mỏ Cày), An Hiệp (Châu Thành), Thới Thuận (Bình Đại) và tiếp tục lập ra nhiều tổ chức phản động mới, tăng cường các hoạt động chống phá Cách Mạng. Trước tình hình đó, không còn con đường nào khác, nhân dân trong tỉnh đã bí mật nổi dậy diệt ác trừ gian. Ở An Ngãi Tây (Ba Tri), ta đã tổ chức lực lượng ám sát tên đội Gẫm, bắt sống 2 tên cận vệ, thu 1 khẩu súng lục, 2 tiểu liên… Ở Phước Hiệp (Mỏ Cày), ta đã tổ chức lực lượng diệt tên cảnh sát Đa, sau khi cảnh sát Đa chết, bọn chúng đưa cảnh sát Nguyên về thay thế, một thời gian và rút cảnh sát Nguyên về trên thay vào đó là cảnh sát Cái. Khi về Phước Hiệp, cảnh sát Cái hoạt động bằng nhiều thủ đoạn thâm độc và đánh phá nhiều cơ sở cách mạng. Theo chỉ đạo của trên, bằng mọi cách phải diệt cho được tên cảnh sát Cái, ta tổ chức lực lượng cài vào tổ chức của địch và lợi dụng lúc đêm khuya, y ngủ say, cơ sở ta đã bắn 2 phát đạn kết liễu cuộc đời y.
Tháng 2-1959, Tỉnh ủy Bến Tre mở hội nghị, phân tích đánh giá tình hình tương quan ta địch nhằm chuyển phương thức đấu tranh cho phù hợp. Trong hội nghị này, Tỉnh ủy đã đúc kết kinh nghiệm trong công tác diệt ác trừ gian vừa qua và khẳng định, chỉ có con đường bạo lực cách mạng mới giành lại được độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sau hội nghị của Tỉnh ủy, phong trào diệt ác trừ gian ở tỉnh ta phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh, những vụ “ôm hè, bắt hè”, cướp súng địch diễn ra thường xuyên trên các địa bàn trong tỉnh. Chính phong trào diệt ác, trừ gian, phá thế kìm kẹp của địch phát triển rộng rãi đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị, chống lại chính sách khủng bố của địch ở Bến Tre giành được nhiều thắng lợi rất quan trọng.