An Qui phát huy hiệu quả các tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh

19/07/2024 - 11:23

BDK - Xã An Qui, huyện Thạnh Phú là một trong những địa phương có thế mạnh về nuôi tôm càng xanh. Những năm qua, xã đã phát triển 5 tổ hợp tác (THT) nuôi tôm càng xanh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Xã hiện có khoảng 105ha ao nuôi tôm, khoảng 75 hộ nuôi.

Ao nuôi tôm càng xanh của ông Nguyễn Thành Thái, ấp An Thới, xã An Qui, huyện Thạnh Phú.

Một trong những THT nuôi tôm càng xanh tiêu biểu là THT ấp An Thới, xã An Qui. Tổ trưởng THT Nguyễn Thành Thái cho biết: Tổ có 25 thành viên, quản lý 30ha ao nuôi tôm càng xanh. Mỗi vụ nuôi (kéo dài 6 tháng), tổ thu hoạch trung bình 70 - 80 tấn tôm càng, đạt doanh thu khoảng 4 - 5 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng. Mỗi thành viên THT được chia lợi nhuận theo tỷ lệ đóng góp vốn. Ngoài ra, THT còn kết nối với các đơn vị thu mua và xuất khẩu để bán sản phẩm với giá cao. Ngoài THT nuôi tôm càng xanh ấp An Thới, xã An Qui còn có 4 THT nuôi tôm càng xanh khác cũng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Các hộ tham gia THT cho biết, tôm càng xanh dễ nuôi, ít bệnh và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả nuôi cao và ổn định, cần lựa chọn nguồn tôm giống chất lượng. Nuôi tôm càng xanh yêu cầu phải có nguồn nước sạch. Mặt khác, việc nuôi tôm càng xanh cũng dễ dàng tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có như cá tạp, tép, bột cám gạo...

Ông Phạm Văn Lý, 54 tuổi, ấp An Ninh, xã An Qui, thành viên THT nuôi tôm càng xanh ấp An Ninh cho biết: “Qua 3 năm kinh nghiệm thực tế, tôi dành gần 1 tháng trước mỗi vụ tôm để cải tạo ao và xử lý môi trường nước theo quy trình kỹ thuật tương tự như nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng. Trong quá trình nuôi tôm càng, tôi thường xuyên vệ sinh nước, sử dụng chế phẩm sinh học để tiêu diệt tạp khuẩn gây bệnh cho tôm”.

 “Trước kia, bà con nông dân tự mua con giống (không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng), thì nay THT làm đầu mối liên kết với các cơ sở sản xuất giống uy tín, cung cấp con giống chất lượng và hướng quy trình nuôi tôm đạt chuẩn”, ông Lý chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã An Qui Mai Hữu Nhiên cho biết: Thời gian qua, 5 THT nuôi tôm càng xanh của xã hoạt động rất tốt, đi đầu về áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, đầu tư khai thác các giống tôm mới để tăng năng suất thu hoạch. Các THT góp phần phát huy hiệu quả kinh tế tập thể; tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguyên liệu, học hỏi kỹ thuật nuôi và hơn hết là tạo đầu ra ổn định.

“UBND xã An Qui cũng đã mở nhiều buổi tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng, trong đó có nuôi và nhân giống tôm càng xanh toàn đực. Đồng thời, hỗ trợ vốn cho hơn 20 hộ dân với số tiền khoảng 200 triệu đồng để đầu tư ao nuôi và mua con giống”, ông Mai Hữu Nhiên cho biết thêm.

Bài, ảnh: Bảo Duy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN