An Thủy nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững

31/05/2019 - 08:55

BDK - Sau hơn 1 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn xã An Thủy (Ba Tri) đã tạo bước chuyển biến nhất định về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể, của người nghèo. Từ đó, có nhiều mô hình sinh kế hiệu quả giúp người nghèo từng bước cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững, được nhân rộng.

Mô hình chăn nuôi dê sinh sản của hộ anh Huỳnh Văn Phong, ấp An Bình, xã An Thủy.

Mô hình chăn nuôi dê sinh sản của hộ anh Huỳnh Văn Phong, ấp An Bình, xã An Thủy.

Sự vào cuộc của cấp ủy Đảng

Được tỉnh chọn làm xã điểm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xã (BCĐ xã) đã nhanh chóng được kiện toàn, củng cố với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể, các ấp. Cụ thể, BCĐ xã ban hành nhiều kế hoạch về họp mặt, đối thoại với người nghèo, về việc phân công các đoàn thể xã phụ trách, theo dõi, hỗ trợ địa bàn các ấp (An Thủy có 5 ấp, với 4.304 hộ và hơn 18 ngàn nhân khẩu). Kịp thời và sớm triển khai sâu rộng đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, về Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án sinh kế).

Từ kết quả bình nghị hộ nghèo, năm 2018, BCĐ xã đã lựa chọn và lập danh sách 41 hộ nghèo, hộ cận nghèo (24 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo) tham gia Đề án sinh kế với việc xây dựng các mô hình sinh kế hiệu quả và bền vững, phù hợp với điều kiện kinh tế của người nghèo. Bà Đào Thị Hóa - Cán bộ giảm nghèo xã cho biết, công tác giảm nghèo, tạo sinh kế cho người nghèo trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã. 41 hộ tham gia Đề án sinh kế đã được BCĐ xã phân công rất cụ thể cho từng đoàn thể phụ trách như Hội Nông dân 10 hộ, Hội Phụ nữ 14 hộ, Hội Cựu chiến binh 5 hộ, Đoàn thanh niên 12 hộ, cùng với các ấp với phương châm “cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với người nghèo, tích cực xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp, đúng với nguyện vọng người nghèo. Do đặc thù kinh tế, đa phần các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã đều lựa chọn và xây dựng mô hình chăn nuôi như dê, bò và một số ít thì buôn bán nhỏ, làm khô…

Nhiều mô hình thoát nghèo

Từ nguyện vọng thực tế của người nghèo trên địa bàn, BCĐ xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hoàn tất hồ sơ và giải ngân với tổng nguồn vốn 262 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo đầu tư chuồng trại chăn nuôi bò và dê sinh sản, mua bán, làm khô. Kết quả cuối năm 2018, trong 41 hộ tham gia Đề án sinh kế có 26 hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo. Bên cạnh đó, còn lồng ghép với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn vay cho 7 lao động là con em các hộ cận nghèo, hộ nghèo tham gia xuất khẩu lao động.

Cán bộ giảm nghèo xã Đào Thị Hóa cho biết: Nhiều hộ đã tự làm đơn xin thoát nghèo, như hộ anh Nguyễn Văn Tèo, ấp An Lợi đã thật sự “ăn nên, làm ra” vươn lên khá giàu; hộ anh Huỳnh Văn Phong, ấp An Bình đã tự làm đơn xin thoát nghèo. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn thêm để mở rộng quy mô chăn nuôi, làm kinh tế hộ gia đình. Trưởng ấp Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hộ anh Phong hiện nay có đàn dê sinh sản lên đến 25 con, đàn bò sinh sản có 4 con. Nhiều hộ có đàn dê sinh sản lên đến vài chục con.

Theo bà Đào Thị Hóa, trong Đề án sinh kế năm 2019, BCĐ xã đã sàng lọc và lựa chọn 15 hộ nghèo, cận nghèo tham gia Đề án sinh kế. Với giá cả chăn nuôi dê và bò như hiện nay, bà con nghèo rất phấn khởi và an tâm chăm sóc vật nuôi. BCĐ xã tiếp tục nhân rộng các mô hình này vì đây là những mô hình rất phù hợp với điều kiện thời tiết, ít đất sản xuất của người nghèo trên địa bàn. Bò và dê cũng là hai con vật thích hợp với vùng đất này và ít dịch bệnh hơn.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN