BDK - Phụ trách biên tập Báo Sự Thật giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí Thanh Giang được biết đến là một nhà báo ưu tú lúc bấy giờ. Với khí phách của một chiến sĩ cách mạng đã kinh qua hơn 15 năm tù đày gian khổ ở Côn Đảo, đồng chí Thanh Giang đã để lại dấu ấn đặc biệt trong thời gian chiến đấu tại đất Bến Tre.
Chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - nhà báo, liệt sĩ Thanh Giang (vẽ lại).
Người con Phú Thọ
Đồng chí Thanh Giang tên thật là Nguyễn Văn Khôi, sinh năm 1902, tại làng Hạ Bì Trung, tổng Hạ Bì, nay là Khu 4, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ông sinh ra trong một gia đình truyền thống nền nếp, làm nông khá giả trong làng. Mồ côi mẹ từ nhỏ, nhưng được sự chăm lo của gia đình, ông được ăn học chu đáo, là tiền đề để ông tham gia hoạt động cách mạng.
Trong thời gian đi học ở Hà Nội, ông được tiếp xúc với nhiều xu hướng chính trị đương thời. Vì vậy, ông sớm nhận thức được tình hình đất nước, nảy nở tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc. Từ năm 1922, sau khi đỗ tú tài, ông từ chối việc theo đuổi công danh để tham gia các hoạt động xã hội, đòi cải thiện dân sinh, dân chủ, truyền bá chữ quốc ngữ. Cũng chính từ những hoạt động này, ông đã đến với tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng. Thanh Giang được bầu vào Ban Chấp hành Tổng bộ, trở thành một trong những yếu nhân của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng. Những năm 1928 - 1929, gia đình ông cả hai bên nội - ngoại đều là nơi tổ chức sản xuất, cất giấu vũ khí, nuôi dưỡng, che giấu các yếu nhân của Quốc dân Đảng. Cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các anh em của ông đều tham gia lực lượng tự vệ, giành chính quyền cơ sở và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thanh Giang là người được giao trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa tại Yên Bái vào đêm 9-2-1930. Khởi nghĩa Yên Bái không thành công, Thanh Giang cùng các nghĩa sĩ vượt vòng vây về lại Sơn Tây tiếp tục hoạt động. Sáng ngày 13-2-1930, khi ông cùng các ông Phó Đức Chính, Cai Tân đang họp tại cơ sở của một đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng thì bị chỉ điểm, mật thám vây bắt, giải về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) để tra tấn.
Sau 45 ngày giam cầm, tra tấn, lấy lời khai và lập hồ sơ bản án, giặc tuyên án tử hình cho 39 đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, trong đó có Thanh Giang. Sau đó, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của các lực lượng tiến bộ, các tổ chức chính trị trong nước và lo ngại trước sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được thành lập, thực dân Pháp cải giảm 26/39 án tử hình xuống còn khổ sai chung thân, trong đó có đồng chí Thanh Giang bị đày đi Côn Đảo.
Cũng chính tại Côn Đảo, Thanh Giang được giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, được Đảng phân công tham gia Ban lãnh đạo đấu tranh trong tù. Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, ông cùng những người tù chính trị tại Côn Đảo khởi nghĩa giành chính quyền rồi được Xứ ủy Nam Kỳ đón về đất liền.
Kiên định con đường cách mạng
Đồng chí Thanh Giang trải qua 15 năm tù đày ở Côn Đảo. Những ngày đầu trở về đất liền, tạm ở Sóc Trăng, trong nỗi nhớ nhà và người thân, đồng chí vẫn quyết chọn tiếp tục theo con đường cách mạng, tình nguyện ở lại miền Nam nhận nhiệm vụ mới.
Được điều động về công tác tại Tỉnh ủy Bến Tre, phụ trách công tác tuyên truyền, đồng chí đã tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng, mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng, phụ trách công tác xuất bản báo Đảng địa phương là tờ Sự Thật (tiền thân của Báo Đồng Khởi). Đồng chí Thanh Giang là một cây bút xông xáo, nhạy bén, lại biết làm thơ, đã đóng góp tích cực cho việc củng cố, xây dựng phong trào cách mạng tỉnh Bến Tre phát triển mạnh mẽ.
Cùng với biên tập báo, đồng chí được phân công mở các lớp huấn luyện chính trị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cơ quan cấp tỉnh, huyện và cơ sở. Đầu năm 1946, đồng chí tham gia tổ chức mở các lớp học ngắn ngày và trực tiếp giảng dạy về chủ nghĩa Mác- Lênin, công tác xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở và công tác vận động quần chúng. Tiếp đó tổ chức mở các lớp lưu động ngắn hạn tại cơ sở. Đầu năm 1947, Tỉnh ủy chủ trương mở trường cán bộ Việt Minh tại Bần Mít, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, học viên trong tỉnh được tập trung về đây học tập với gần 200 cán bộ.
Cuối tháng 7-1947, đồng chí Thanh Giang được Tỉnh ủy phân công về triển khai công tác kháng chiến huyện Giồng Trôm, họp tại khu vực Cây Da, xã Tân Hào Đông (Tân Thanh). Giặc Pháp ở thị xã điều một tiểu đoàn lính lê dương có 4 xe bọc thép yểm trợ tới bao vây, lùng sục. Chúng bắt đồng chí Thanh Giang cùng đồng chí Phan Cẩm Tờn - Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm và 2 cán bộ khác rồi đưa cả 4 người về thị xã Bến Tre để Việt gian chỉ điểm, nhận mặt, sau đó chúng tra tấn, đánh đập các đồng chí suốt 3 ngày đêm nhưng không thành. Thất bại trước ý chí, khí tiết của người chiến sĩ cách mạng đã trải qua 15 năm ngục tù Côn Đảo, giặc đã thủ tiêu, xử bắn và xô xác đồng chí Thanh Giang xuống rạch tại cầu Gò Đàng, xã Phú Hưng, thị xã Bến Tre lúc bấy giờ.
Được tin đồng chí Thanh Giang hy sinh, cán bộ và nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc. Nhận được chỉ thị từ Tỉnh ủy, cán bộ và nhân dân địa phương đã lần theo kênh rạch để tìm thi thể đồng chí Thanh Giang về mai táng. Đồng chí Thanh Giang yên nghỉ ven bờ sông và được gia đình ông Nguyễn Văn Hinh và ông Trần Văn Minh trông nom, hương khói suốt 34 năm. Năm 1962, đồng chí được công nhận là liệt sĩ và được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Đến năm 1981, Tỉnh ủy, UBND, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức cất bốc, đưa hài cốt đồng chí về an táng tại Khu A, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre. Tháng 12-2010, gia đình đã đón nhận hài cốt đồng chí đưa về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Đầu năm 2011, đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ, nhà báo cách mạng Nguyễn Văn Khôi - Thanh Giang đã sống trọn vẹn một cuộc đời “dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Từ những năm tháng đấu tranh ở quê nhà đến khổ sai tù đày ở Côn Đảo, rồi trở về chiến đấu tại Bến Tre, đồng chí luôn thể hiện ý chí học tập, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu để trưởng thành, khát khao độc lập tự do. Cả cuộc đời của đồng chí là tấm gương về sự kiên gan, bền chí, chịu đựng hy sinh, gian khổ, lòng nhân ái, tình yêu thương anh em đồng chí, đồng đội chung mục đích giải phóng dân tộc, mưu cầu ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.