Anh Lê Tấn Đạt khởi nghiệp từ cây mai vàng

23/07/2021 - 06:30

BDK - Năm 2016, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 10 về “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”. Từ chương trình, anh Lê Tấn Đạt - Bí thư Chi đoàn ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách đã khởi nghiệp nghề sản xuất mai vàng, giúp kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Anh Lê Tấn Đạt đang ghép giống mai mới vào gốc mai truyền thống tại địa phương.

Anh Lê Tấn Đạt đang ghép giống mai mới vào gốc mai truyền thống tại địa phương.

Lợi nhuận khá cao

Anh Lê Tấn Đạt trước đây làm nghề ghép cây giống cam, quýt. Từ năm 2013, cứ sau Tết Nguyên đán hàng năm, anh đi các xã, các huyện lân cận để xin hoặc mua hột mai vàng đem về gieo. “Năm 2016, khi Tỉnh ủy phát động Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, làm Bí thư Chi đoàn, tôi cần làm gương cho đoàn viên, thanh niên trong ấp tham gia hưởng ứng. Thế là 5 công đất trồng sầu riêng, chôm chôm, bòn bon của cha tôi trở thành 4,5 công mai vàng. Phần đất còn lại, tôi làm 2 hồ chứa nước ngọt để trong mùa hạn mặn có nước tưới cho mai vàng”, anh Đạt nói.

Vừa ghép mai, anh Đạt vừa chia sẻ kỹ thuật trồng mai vàng: “Hột mai khi già gieo lên cây cao khoảng 1 tấc thì đem trồng ra líp, sau 1 - 2 năm là có thể ghép các giống mai khác vào. Gốc càng lớn, giá trị cây mai sau khi ghép càng cao. Tôi không làm kiểng cổ vì khó tiêu thụ, chỉ làm mai ghép để bán. Cây nhỏ có giá vài trăm ngàn đồng. Cây lớn không quá 10 triệu đồng cho dễ bán. Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm, tôi trồng ghép ra khoảng 14 ngàn bịt, 5 ngàn chậu nhỏ và 400 chậu lớn. Nhớ hồi năm 2016, tôi bán mai vàng, trừ chi phí còn lời 100 triệu đồng”.

Năm 2016, thắng to cây mai vàng nên anh tiếp tục nhân số lượng. Đến năm 2017, sau khi trừ chi phí, anh còn lợi nhuận 150 triệu đồng. Nhờ có nối mạng Internet, anh giới thiệu sản phẩm online. Khách hàng mua mai vàng của anh ngày càng nhiều. Năm 2018, lợi nhuận 200 triệu đồng. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm, anh bán khoảng 10 ngàn cây mai lớn nhỏ, lợi nhuận 250 triệu đồng/năm.

Giúp đỡ đoàn viên, thanh niên

Khi dịch Covid-19 xảy ra, anhĐạt chuyển sang kinh doanh qua mạng, được khách hàng ủng hộ. “Tôi thường xuyên săn tìm giống mai mới độc, lạ. Đến giờ này, tôi đang có gần 70 giống mai: tứ quý, cúc hoa hồng, cúc quý phi, cúc 2 tầng hoàng hậu, cúc 2 tầng Huỳnh Tấn Phát, lá ngọc cành vàng, huỳnh tỷ, giảo Thủ Đức… Tôi săn tìm giống mai mới từ Cà Mau tới Bình Định. Lúc chưa có dịch Covid-19, tôi đi tới chỗ. Bây giờ, tôi xem qua mạng, nếu đồng ý thì người ta vận chuyển qua xe đò, gửi bưu điện rất thuận tiện. Có những giống mai giá khá cao như: cúc hoa hồng (400 ngàn đồng/cây cao 2 tấc), cúc quý phi (5 triệu đồng/cây cao 4 - 5 tấc). Có lúc 1 bo mai lên tới 500 ngàn đồng nhưng tôi vẫn phải mua để nhân giống”, anh Lê Tấn Đạt cho biết thêm.

Sau khi nhân giống mai mới ra hàng ngàn cây, anh Đạt giúp đỡ đoàn viên, thanh niên trong ấp Phú Hội bằng cách tặng bo để nhân giống, với hy vọng tìm ra mai vàng đột biến, góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình. Những đoàn viên, thanh niên ở ấp Phú Hội được anh Lê Tấn Đạt tặng bo mai vàng: Lê Văn Tâm, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Văn Lập, Lê Duy Thanh, Nguyễn Văn Khang… “Lê Tấn Đạt là người tốt trong sản xuất mai vàng. Anh thường xuyên giúp đỡ đoàn viên, thanh niên trong nghề sản xuất hoa kiểng”, đoàn viên Nguyễn Văn Lập xúc động cho hay.

Ngoài ra, anh Tấn Đạt đã cho bo mai trên 30 hộ tại các xã: Long Thới, Tân Thiềng, Hòa Nghĩa, Hưng Khánh Trung B… Ngoài sản xuất mai vàng, anh Lê Tấn Đạt còn nhiệt tình trong công tác từ thiện, thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó khăn...

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Mai Văn Đến nhận xét: “Lê Tấn Đạt là một cán bộ Đoàn gương mẫu. Mô hình sản xuất mai vàng thương phẩm của anh Đạt rất có hiệu quả, là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của đoàn viên, thanh niên trong xã”.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN